Xúc tiến đầu tư

11/10/2008 01:05 GMT+7

Việt Nam đang trở thành điểm sáng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), song công tác xúc tiến, quảng bá, kêu gọi nhà đầu tư vẫn chưa được đặt đúng tầm và đang có dấu hiệu tụt hậu.

Ngày 10.10, Bộ Kế hoạch - Đầu tư lần đầu tiên đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác xúc tiến đầu tư trong 20 năm qua. Theo ông Lê Hữu Quang Huy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung - nguồn vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 9 tháng đầu năm nay đã lên đến 57,1 tỉ USD. Nếu thống kê chính xác hơn thì có thể lên đến 62 tỉ USD, cao hơn cả tổng vốn FDI trong giai đoạn 2001 - 2007. Dự báo đến cuối năm con số này có thể đạt 65 tỉ USD, bằng 95% so với tổng GDP cả nước.

Điều này được lý giải bởi sau khi Việt Nam gia nhập WTO, môi trường đầu tư ngày càng rõ ràng, minh bạch nên nguồn vốn đổ vào càng nhiều. "Mặc dù tình hình thu hút đầu tư đã thay đổi nhưng công tác xúc tiến đầu tư vẫn lạc hậu như cũ, như vậy làm sao có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư?" - ông Huy nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trúc Sơn - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre - nhận xét: "Hiện nay không có mẫu số chung cho tổ chức xúc tiến đầu tư, thậm chí nhiều nơi còn quan niệm công tác xúc tiến đầu tư là một hoạt động đơn giản, chỉ là công tác lễ tân hay đón tiếp đoàn. Cơ quan xúc tiến thường không có quyền can thiệp vào quá trình xem xét và cấp giấy chứng nhận đầu tư nên các nhà đầu tư cảm thấy không tiện lợi và hiệu quả về mặt thời gian khi tiếp xúc với trung tâm xúc tiến". Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài -  thừa nhận: "Việc tổ chức cơ quan xúc tiến đầu tư ở các địa phương hiện nay theo nhiều mô hình khác nhau, không có sự thống nhất hướng dẫn từ trung ương. Trong thời gian gần đây còn xuất hiện tình trạng mất cân đối và chồng chéo trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa các địa phương theo kiểu mạnh ai nấy làm, gây lãng phí nguồn lực và không hiệu quả".

Mô hình nào cho các cơ quan xúc tiến đầu tư trong tình hình mới? Ông Lê Hữu Quang Huy nói: "Cơ quan xúc tiến đầu tư hiện nay chỉ na ná mà không tương thích với các tổ chức tương tự trên thế giới. Đến nay mô hình này không còn hiệu quả và không phù hợp với tình hình thực tế ở các địa phương. Theo tôi, trong giai đoạn trước mắt thì có thể giữ nguyên mô hình hiện nay, tập trung củng cố thành một đầu mối, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án sau cấp phép, tăng cường các hoạt động có thu để bù đắp kinh phí. Về lâu dài có thể chuyển đổi thành cơ quan xúc tiến đầu tư quốc gia hoặc chuyển đổi sang hình thức công ty PR, phụ trách việc định hướng quan hệ công chúng. Khi đó các công việc còn lại sẽ để cho tư nhân làm, Chính phủ chỉ có tính định hướng, đối tượng ngành nghề và thời gian tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư".

Ông Lê Trường Sơn - Giám đốc Saigon Co.op đồng tình: "Nguồn vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam phải kể đến sự đóng góp trong việc xúc tiến đầu tư của các công ty tư vấn, ngân hàng, công ty luật… Đối với các cơ quan xúc tiến của Nhà nước thì hiện đang có nhiều mặt hạn chế về cơ chế hoạt động, về ngân sách, nhân lực. Vì vậy cần thiết phải có một chính sách để khu vực tư nhân tham gia vào trong cùng đội hình để cùng đạt được mục tiêu thu hút nhà đầu tư".

Theo ông Huy, những việc cần phải làm ngay là thống nhất mô hình hoạt động, cơ chế vận hành, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp xúc tiến, kể các cơ chế lobby. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng tránh chồng lấn về thị trường, địa phương, thời gian; tập trung đào tạo nguồn lực theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia Hiệp hội các cơ quan xúc tiến đầu tư thế giới.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.