Chuyện cái tát của chính khách

24/11/2009 16:55 GMT+7

(TNTS) Không ít chính khách đã bạt tai người khác vì cơn thịnh nộ bất ngờ, nhưng cũng có người bị ăn bạt tai cũng vì lý do đó.

Quan chức đứng đầu chính quyền huyện Parsa thuộc khu vực Narayani của Nepal, ông Durga Prasad Bhandari, đã không kịp chuẩn bị tinh thần để đón nhận cơn thịnh nộ bất thình lình của nữ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã - Karima Begam, ngay khi bà đặt chân xuống sân bay Parsa hôm 10.11. Theo mô tả của báo chí Nepal, bà Begam đã túm áo ông Bhandari và tát ông 4 cái đến vỡ mắt kính vì cái “tội” điều xe cũ đến đón bà. Ông Bhandari sau đó nói với báo giới rằng bà Begam đòi chiếc Jeep Scorpio, chiếc xe “xịn” nhất của ông, nhưng khi đó chiếc xe lại không có sẵn để đáp ứng cho bà thứ trưởng. Thế nên ông quyết định điều chiếc Jeep Mitsubishi mới được sửa sang lại khá tốt, nhưng bà thứ trưởng không chịu. Hôm 11.11, toàn bộ cơ quan nhà nước tại Parsa đã đóng cửa để phản đối hành động hách dịch trên. Một ngày sau đó, cảnh sát Parsa tống đạt lệnh bắt Thứ trưởng Begam và khởi kiện bà có hành động tấn công người khác ở nơi công cộng.

 

Nạn nhân bị tát ở Nepal - Ảnh: Kathmandu Post

Vụ việc bà Begam tát ông Bhandari là hành động tung “đòn tay” mới nhất của chính khách. Những lý do đưa đến hành động trên khá phong phú. Hồi tháng 9.2009, hạ nghị sĩ Nigeria Chinyere Igwe đã thẳng tay tát vào mặt một nhân viên an ninh tại cổng vào trụ sở quốc hội vì “dám” yêu cầu ông xuất trình giấy tờ. Chinelo Nwulu mới nhận nhiệm vụ canh gác Nhà Trắng (tòa nhà trụ sở quốc hội Nigeria) và cách anh ta hành xử với ông Igwe chỉ là thủ tục bình thường. Nhưng ông Igwe đã nổi nóng và “ra tay” với Nwulu vì cho rằng công việc của nhân viên này là phải nhớ mặt toàn bộ 469 đại biểu quốc hội. Vụ cãi vã kéo dài khoảng nửa tiếng trước khi nhân viên an ninh và cảnh sát đến can thiệp.

Trước đó vào tháng 4.2009, nữ dân biểu Chiu Yi-ying thuộc đảng Dân chủ Tiến bộ đối lập ở Đài Loan đã bạt tai đồng nghiệp nam là Lee Ching-hua thuộc Quốc dân đảng vì đã xúc phạm gia đình bà. Xung đột xảy ra tại cuộc họp của một ủy ban thuộc cơ quan lập pháp Đài Loan, khi bài phát biểu của ông Lee bị gián đoạn bởi sự phản đối của bà Chiu. Ông Lee đã quở trách bà Chiu, nói rằng bà cần chứng minh mình có “sự giáo dục tốt của gia đình”. Hai bên bắt đầu cãi vã, và trong lúc cao trào, Chiu đã tát ông Lee. Ông Lee phản ứng lại bằng cách kiện bà Chiu gây thương tích và nhục mạ ông ở nơi công cộng.

 

Vụ tát tai ở Venezuela - Ảnh: CBC

Tại Iran vào tháng 10.2008, nghị sĩ Ali Asghar Zarei đã tát ông Mohammad Abbasi, một người thân tín của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, cáo buộc ông này rắp tâm mua chuộc các nhà lập pháp để họ không bỏ phiếu luận tội Bộ trưởng Nội vụ Ali Kordan, người đã “bốc phét” chuyện có bằng danh dự của Đại học Oxford (Anh). Ông Zarei tát ông Abbasi đến sưng cả tai với cáo buộc quan chức này đã ngỏ ý “tặng” 5.000 USD cho các nhà lập pháp để họ không ra tay “triệt” ông Kordan.

Còn tại Venezuela vào tháng 11.2007, nữ nghị sĩ Iris Varela thuộc đảng cầm quyền tát liên tục vào mặt nhà báo Gustavo Azocar trong một chương trình truyền hình địa phương, buộc tội nhà báo này sỉ nhục bà trong cuốn sách viết về cái chết của con trai bà trước đó vài năm. Bà Varela xông vào chỗ ghi hình chương trình buổi sáng mà ông Azocar làm MC, bạt tai ông này đến vỡ kính. Chưa đã, bà còn giật chiếc microphone từ tay Azocar và đập vào đầu nhà báo này. “Ông ấy xúc phạm tôi và can thiệp vào điều thiêng liêng nhất – cái chết của con tôi, đó là lý do tôi đến đây”, bà Varela nói. Trước khi bỏ đi, bà Varela còn đe dọa đưa ông ra tòa vì những gì mà ông đã viết.

Cũng có những chính trị gia… bị tát. Hôm 10.11, một nghị sĩ bang Maharashtra của Ấn Độ bị các đối thủ chính trị tát giữa cuộc họp hội đồng bang do ông này tuyên thệ bằng tiếng Hindi – ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ. Ông Abu Azmi thuộc đảng Samajwadi bị 4 nghị sĩ thuộc đảng Maharashtra Navnirman Sena tấn công ngay sau khi ông bắt đầu đọc lời tuyên thệ. Những chính khách máu nóng đã giật micro từ tay ông Azmi và một trong số họ xông vào tát ông chỉ vì muốn ông tuyên thệ bằng tiếng địa phương. Ngay sau đó, nghị viện bang Maharashtra phải ra nghị quyết cấm 4 nghị sĩ trên tham gia chính trường trong 4 năm vì hành vi cư xử thô lỗ.

Vào tháng 6.2007, một chính trị gia Israel đã nhận bạt tai từ một luật sư trong một cuộc tranh luận về vấn đề ngân sách cho các trường học tôn giáo. Nghị sĩ Yaakov Cohen đã chỉ trích luật sư Ammon De Hartog rằng ông này còn “độc ác và ghê gớm hơn Đức quốc xã” khi phản đối việc cấp phát kinh phí cho các trường nói trên. Ông De Hartog đã nổi nóng và tát vào mặt ông Cohen. Sau đó, vị luật sư đã xin lỗi ông Cohen và nói rằng ông phản ứng mạnh chỉ vì cha mẹ ông từng phải trốn chạy cuộc thảm sát người Do Thái của phát xít Đức vào thời Thế chiến II.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.