Người "buôn tiền" trở thành bộ trưởng

13/10/2006 23:05 GMT+7

Kỳ 10: Nghe đài mới biết mình làm bộ trưởng Hoạt động của cái "Tổ buôn lậu lúa gạo" hồi đó là một trong những bước đột phá chuẩn bị cho công cuộc đổi mới. Một số cơ quan Trung ương lên tiếng phản đối, nhưng cuối cùng không làm được gì. Bà Ba Thi được phong anh hùng. Chuyện này "nổi đình nổi đám" một thời. Ông Trường Chinh vào thăm, ông Phạm Văn Đồng vào thăm...

Từ sự "phá rào" đó, hoạt động của ngân hàng "gần với thực tế" hơn. Việc "phá rào" ngày càng lan rộng. Thành phố cần tiền, cần hàng, nhiều cơ sở bung ra làm xuất nhập khẩu. Ông Ba Châu nói, hồi đó phải kể đến những hoạt động đột phá của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) TP.HCM do ông Nguyễn Nhật Hồng làm giám đốc. Cần nhớ điều rất thú vị này: Ông Nguyễn Nhật Hồng là một nhân vật trọng yếu của đường dây chế biến và cung cấp tiền cho các chiến khu, trước được cử sang Hồng Kông, sau đó là người trực tiếp chỉ đạo hoạt động của B29 ở Hà Nội. Có lẽ do đã từng hoạt động tiền tệ theo thị trường và có nhiều quan hệ với các công ty ở nước ngoài hồi đó, nên ông Hồng nhạy bén với thị trường và sớm không chấp nhận sự lỗi thời của cơ chế quan liêu bao cấp. Chính Vietcombank TP.HCM là ngân hàng đầu tiên thấu hiểu được tiếng kêu cứu của các doanh nghiệp và là ngân hàng đầu tiên "phá rào" cho các doanh nghiệp vay ngoại tệ ngoài kế hoạch. Không chỉ vậy, Vietcombank TP.HCM còn là ngân hàng đầu tiên đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Vì sự "phá rào" để làm cho đúng lẽ phải, làm đúng nguyên tắc kinh doanh ngân hàng và để cứu các doanh nghiệp mà ông Hồng đã từng bị cấp trên ở Hà Nội chỉ trích, gây không ít khó dễ, nhưng cuối cùng thì lẽ phải vẫn thắng. Giữa hai người đồng đội cũ, một đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, một đứng đầu Ngân hàng Ngoại thương thành phố, đã chia sẻ, hỗ trợ nhau rất nhiều.

Đến tháng 3.1984, lãnh đạo thành phố gọi ông Ba Châu lên nhận nhiệm vụ mới: làm Tổng giám đốc Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố (IMEXCO). Ông từ chối, nhưng lãnh đạo Thành ủy nói: "Đã quyết định rồi". Lúc bấy giờ đã có nhiều cơ sở bung ra làm xuất nhập khẩu, tình trạng tranh mua tranh bán rất phức tạp, bởi vậy thành phố quyết định thành lập tổng công ty này để tập trung đầu mối chấn chỉnh tình trạng này, đồng thời giải thể luôn Sở Ngoại thương. Đây là đơn vị xuất nhập khẩu trực tiếp đầu tiên trong cả nước không thuộc ngành ngoại thương mà trực thuộc UBND thành phố. Từ đây, giữa Vietcombank thành phố và IMEXCO, giữa ông Nguyễn Nhật Hồng và ông Ba Châu, nhà cấp vốn - nhà xuất nhập khẩu như "cặp bài trùng". Trong phạm vi ký sự về một nhân vật, tôi không có điều kiện đề cập đến những hoạt động sinh động trong "đêm trước đổi mới" của hai đơn vị này. Chỉ biết rằng nó thật là nhộn nhịp: xuất những gì có thể xuất được, nhập vật tư nguyên liệu cho sản xuất, nhập chịu hàng tiêu dùng về bán rồi trả tiền sau, nhập cả phân bón, thuốc trừ sâu cho các tỉnh... và góp phần cứu sống hàng loạt các doanh nghiệp.

Giữa lúc "bung ra" đó, các vị lãnh đạo cao nhất ở Trung ương vào nghe rút kinh nghiệm. Vào cuối năm 1985, một bữa ông Phạm Hùng đến IMEXCO. Gặp ông Ba Châu, ông Phạm Hùng ngạc nhiên: "Ủa, sao cậu lại ở đây?". Ông Ba Châu báo cáo công việc. Ông Phạm Hùng nói: "Cho cậu đi học ngân hàng, sao lại đi buôn bán?". Rồi nói tiếp: "Thôi được, để tính lại". Sau cuộc gặp đó, ông Ba Châu lại được điều về làm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố.

Được mấy tháng. Ông Ba Châu kể, đầu tháng 6 năm 1986, vào một buổi tối thứ bảy, ông nghe đài công bố ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và ngay tối hôm đó ông nhận được điện từ Hà Nội "Sáng thứ hai phải có mặt để nhận nhiệm vụ". Hàng xóm nghe tin này bảo ông: "Sao được thăng chức mà giấu?". Ông nói ông hoàn toàn không biết nhưng người ta không tin. Thực ra ông có biết là ông sẽ được điều động ra Hà Nội, nhưng không biết bao giờ đi và ra để làm nhiệm vụ gì.

Thời kỳ này, hậu quả của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp kéo dài cộng với những sai lầm về giá - lương - tiền đã đẩy nền kinh tế vào thảm cảnh. Lạm phát phi mã lên đến 3 chữ số. Ông ra Hà Nội gặp Ban Tổ chức Trung ương, rồi gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Ông Phạm Hùng nói: "Cậu thông cảm về quyết định đột ngột này, để khắc phục những sai lầm trong giá - lương - tiền, phải thay ngay Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước".

Ông Ba Châu trở thành người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữa lúc nền kinh tế lên đến đỉnh cao của siêu lạm phát. Cả nước thì rộng lớn. "Công việc hết sức gay go", ông nhớ lại... (Còn tiếp)

Kỳ sau: Mượn máy in để in tiền cho Nhà nước

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.