Mỹ dung nạp nhiều tội phạm Đức Quốc xã

20/11/2010 23:02 GMT+7

Trong thời gian dài, Mỹ trở thành thiên đường cho nhiều nhân vật khét tiếng của Đức Quốc xã, được thu nhận trong chiến dịch Cái kẹp giấy.

Tháng 10.1982, trong lúc tận hưởng cuộc sống yên bình lặng lẽ tại San Jose (Mỹ), nhà khoa học Đức đã về hưu Arthur Rudolph bất ngờ trước sự xuất hiện của 3 người đàn ông lạ mặt. Những người này là nhân viên Văn phòng Các vụ điều tra đặc biệt (OSI) của Bộ Tư pháp Mỹ.

Cơ quan được thành lập vào năm 1979 với nhiệm vụ săn lùng thành viên Đức Quốc xã trên đất Mỹ. Họ đã phát hiện ông Rudolph, khi đó 76 tuổi, được vinh danh là cha đẻ của tên lửa Saturn V, có công đưa các phi hành gia Mỹ đến mặt trăng cũng đồng thời là người kiểm soát Mittelwerk, khu đường hầm phức hợp của Đức Quốc xã dùng tù binh và nô lệ để sản xuất tên lửa V-2 từ tháng 8.1942 đến tháng 3.1945.

Trong cuộc thẩm vấn sau đó, Rudolph đã thừa nhận một số tội nghiêm trọng. Ông biết những nhân công ở Mittelwerk chết vì thiếu ăn, làm việc quá nặng nhọc và bị hành hạ. Ông đã yêu cầu cung cấp thêm nô lệ để làm việc và đề nghị khai thác nguồn nhân lực từ trại tập trung Dora gần khu phức hợp.

Lo sợ phải ra tòa xét xử tội phạm chiến tranh, Rudolph tuyên bố từ bỏ quốc tịch Mỹ và trở về Đức. Khi muốn quay lại Mỹ, Rudolph đã bị từ chối và cuối cùng qua đời tại Hamburg vào năm 1996.

Bản báo cáo bị che giấu

Câu chuyện của Rudolph phần nào hé lộ sự thật về chiến dịch Cái kẹp giấy (Operation Paperclip), chương trình của Mỹ nhằm đưa các chuyên gia của Đức Quốc xã về nước này sau Thế chiến thứ 2. Chiến dịch này nằm trong nỗ lực thu gom nhân lực, công nghệ và vũ khí của Đức để tránh rơi vào tay Liên Xô. Để dung nạp được những nhân vật có dính líu đến tội ác chiến tranh, chính quyền Mỹ đã tìm cách giảm nhẹ hồ sơ nhân thân của họ. Trong vụ Rudolph, giới chức tư pháp đã xóa sạch một đoạn ghi nhận việc ông ta buộc các nô lệ chứng kiến những cảnh treo cổ.

Chuyện cắt xén một lần nữa diễn ra khi Bộ Tư pháp đối mặt với áp lực phải công bố một hồ sơ dài 600 trang về hoạt động của OSI. Báo cáo này là đứa con tinh thần của Mark Richard, công tố viên kỳ cựu của Bộ Tư pháp. Năm 1999, ông thuyết phục Bộ trưởng Tư pháp lúc đó là Janet Reno cho khởi động cuộc rà soát lại một chương vô cùng quan trọng trong lịch sử Mỹ. Sau khi chỉnh sửa bản thảo cuối cùng vào năm 2006, ông thúc giục các quan chức cấp cao cho công bố nó nhưng bị từ chối. Khi biết mình mắc bệnh ung thư không thể chữa khỏi, Richard chia sẻ với bạn bè và gia đình mong ước được thấy báo cáo của mình đến với công chúng. Tuy nhiên, tâm nguyện này đã dở dang khi Richard qua đời vào tháng 6.2009.

Sau cái chết không nhắm mắt của Richard, luật sư David Sobel và Cục Lưu trữ an ninh quốc gia đồng nộp đơn kiện Bộ Tư pháp, yêu cầu phải cho xuất bản báo cáo theo Luật Tự do thông tin. Tháng 10.2010, Bộ Tư pháp cũng nhượng bộ, nhưng trao phiên bản đã biên tập cẩn thận, cắt đi hơn 1.000 đoạn trong báo cáo này. Tuy nhiên, báo The New York Times đã xoay xở có được phiên bản hoàn chỉnh, và sự thật đã được phơi bày.

Dấu ấn Đức Quốc xã

Theo báo cáo của Richard, Washington, cụ thể là Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), đã tạo ra nơi trú ẩn an toàn cho các cựu thành viên Đức Quốc xã và cộng sự. Ngoài vụ Arthur Rudolph, CIA cũng đã hỗ trợ một nhân vật cộm cán khác của phát xít Đức có được quốc tịch Mỹ. Đó là Otto Von Bolschwing, tay chân thân tín của trùm Adolf Eichmann. Eichmann bị xem là "kiến trúc sư của chiến dịch diệt chủng Do Thái" của phe Trục trong Thế chiến 2 và Von Bolschwing chính là người giúp y xây dựng kế hoạch lùa người Do Thái vào trại tập trung. Von Bolschwing cũng trở thành người đại diện tại Romania cho nhân vật quyền lực thứ hai của Đức Quốc xã là Thống chế Heinrich Himmler.

Mỹ đã đưa các chuyên gia của Đức Quốc xã về nước này sau Thế chiến thứ 2 trong nỗ lực thu gom nhân lực, công nghệ và vũ khí của Đức để tránh rơi vào tay Liên Xô

Bất chấp quá khứ nhuốm máu, Von Bolschwing được CIA tuyển mộ làm việc cho Mỹ nhờ có liên hệ với những nhóm người thiểu số ở Đức và Romania. Trong một số thư tín, quan chức CIA tranh luận về việc phải làm thế nào nếu "điệp viên" Von Bloschwing phải đối chất về những hành động trong quá khứ. Liệu nên chối phắt về sự liên hệ giữa người này với Đức Quốc xã hay thừa nhận rồi đưa ra tình tiết giảm nhẹ? Đến năm 1981, sau khi biết được thân thế đích thực của Von Bolschwing, Bộ Tư pháp quyết định trục xuất ông ta nhưng chưa kịp thực hiện thì ông đã chết tại Mỹ cùng năm đó ở tuổi 72.

Trong một trường hợp khác, Bộ Tư pháp tuyên bố không ghi nhận bất cứ mối dây liên hệ nào giữa CIA và FBI với cựu sĩ quan SS Tscherim Soobzokov, được phát hiện định cư tại New Jersey vào năm 1980. Thế nhưng, báo cáo do The New York Times tiết lộ lại cung cấp chứng cứ cho thấy Soobzokov từng khai với CIA về thân thế thực sự của mình khi mới đặt chân đến Mỹ.

 
Rudolph (bìa phải) trong cuộc họp báo sau khi sứ mệnh mặt trăng của Mỹ thành công - Ảnh: Mercury News

Như đã đề cập, Lầu Năm Góc và CIA đã cho "tân trang" lại hồ sơ của vô số nhà khoa học làm việc cho Đức Quốc xã theo chiến dịch Cái kẹp giấy. Một số người được tự do theo đuổi những dự án có liên quan đến vũ khí sinh học và hóa học. Bên cạnh đó, Washington cũng tuyển dụng luôn các sĩ quan phát xít để phục vụ cho mục đích chính trị. Về phần mình, Liên Xô cũng từng tận dụng các nhà khoa học của Đức nhưng chỉ thuần túy vì mục đích chuyển giao công nghệ và sau 3 năm, tất cả bọn họ đều bị trục xuất. Hơn nữa, Liên Xô chưa bao giờ sử dụng tội phạm Đức Quốc xã cho mục tiêu chính trị, theo The New York Times.

Nếu điểm lại lịch sử gần đây của Mỹ, dấu ấn Đức Quốc xã trong chính quyền nước này kéo dài đến vài thế hệ. Vào cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990, các tổng thống Ronald Reagan và George H.W.Bush tuyển mộ các cố vấn chính sách có nguồn gốc Đức Quốc xã dưới vỏ bọc Hội đồng Các tổ chức di sản cộng hòa. Gần đây hơn, chính quyền của các tổng thống Bill Clinton và George W.Bush kêu gọi hậu duệ của những cố vấn trên tham gia vào các kế hoạch liên quan đến Đông u và Trung u, theo Voltairenet.org.  

Chiến dịch Cái kẹp giấy

Tổng thống Mỹ Harry Truman vào tháng 9.1946 đã đồng ý khởi động chiến dịch Cái kẹp giấy sau khi được thuyết phục rằng các nhà khoa học Đức là nguồn tri thức khổng lồ có thể giúp Mỹ tăng cường vị thế trong thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên ông vẫn yêu cầu không sử dụng thành viên của đảng Quốc xã hay có dính vào tội ác chiến tranh.

Sau khi đợt giấy tờ đầu tiên của các nhà khoa học bị loại bỏ vì có liên hệ mật thiết với chính quyền của Adolf Hitler, Cơ quan Mục tiêu tình báo chung thuộc Bộ Chiến tranh Mỹ đã tự ý viết lại hồ sơ của những người này. Kết quả là đến năm 1955, hơn 760 nhà khoa học dưới thời Đức Quốc xã đã trở thành công dân Mỹ. Không ít người trong số này là thành viên lâu năm của đảng Quốc xã và Gestapo, từng thực hiện các cuộc thí nghiệm trên người tại các trại tập trung, sử dụng lao động nô lệ và phạm tội ác chiến tranh.

Vào năm 1985, bà Linda Hunt của Hiệp hội Các nhà khoa học nguyên tử cho hay đã rà soát hơn 130 tài liệu trong chiến dịch Cái kẹp giấy và phát hiện tất cả hồ sơ nhân thân đã được chỉnh sửa để phù hợp với yêu cầu của Tổng thống Truman.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.