Bất ổn ở trường CĐ nghề Việt Mỹ: Nhiều việc cần thẩm tra

16/10/2008 23:03 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên hôm qua 16.10 đăng bài viết phản ánh các bất ổn của trường CĐ nghề Việt Mỹ (VATC) và "công ty mẹ" của trường là Công ty TNHH Liên Việt Mỹ (PAN VAT), các cơ quan bảo vệ quyền lợi của nhân viên và sinh viên đã lên tiếng.

Không có hiệu trưởng?

Ông Nguyễn Thành Hiệp (Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM)  cho biết: trước đây Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với VATC để làm rõ một số vấn đề mà Báo Thanh Niên ngày 16.10 đã đưa. Tuy nhiên, đây chỉ là buổi gặp mặt, nắm bắt tình hình chứ Sở và Bộ LĐ-TB-XH vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức về việc thay đổi Hội đồng quản trị sau khi Công ty PAN VAT bán 80% cổ phần cho đối tác nước ngoài. Ông Hiệp cho rằng: "Việc mua bán công ty là chuyện bình thường, tuy nhiên chủ đầu tư mới phải có trách nhiệm thông báo cho Bộ LĐ-TB-XH về việc thay đổi chủ đầu tư, thay đổi hội đồng quản trị và bổ nhiệm hiệu trưởng thì lúc đó Bộ mới công nhận.

Trong trường hợp chưa thông báo, hội đồng quản trị và hiệu trưởng phải tiếp tục có trách nhiệm. Trường hợp Hiệu trưởng VATC từ chức theo nhu cầu cá nhân, sẽ được giải quyết trong vòng 30 ngày theo quy định. Trong thời gian đó, Hội đồng quản trị PAN VAT phải có trách nhiệm tìm hiệu trưởng khác đúng quy định và thông báo bằng văn bản cho Bộ, Bộ sẽ xem xét công nhận.

Trường hợp hiệu trưởng cũ chính thức nghỉ mà vẫn chưa có người thay thế, Sở LĐ-TB-XH sẽ đề nghị với Bộ cử một người nào đó đủ khả năng, tạm thời giữ chức quyền hiệu trưởng giúp Hội đồng quản trị điều hành trường để đảm bảo ổn định hoạt động giảng dạy cho sinh viên". Ông Hiệp khẳng định, sẽ không để xảy ra việc một trường CĐ nghề không có hiệu trưởng. Cũng theo ông Hiệp, sau khi nhận được báo cáo chính thức của trường CĐ nghề Việt Mỹ, Sở LĐ-TB-XH sẽ có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM để bàn về các giải pháp nhằm giúp đỡ trường.

Không có tổ chức công đoàn

Về quyết định cho ông Nguyễn Thanh Lâm thôi việc, luật gia Trần Hồng Sơn (chuyên viên Ban Thi đua Liên đoàn Lao động TP.HCM) cho rằng rất khó để xác định được quyết định buộc thôi việc của ông Lâm là đúng hay sai luật. Theo ông Sơn, lý do trong quyết định cho nghỉ việc của ông Lâm phải được kiểm tra lại, trong đó lý do kích động nhân viên gây xáo trộn nội bộ, có hành vi buộc tội, đe dọa tống tiền nếu có nêu trong nội quy công ty thì sẽ bị kỷ luật sa thải.

Còn lý do thể hiện năng lực yếu kém gây bất mãn phải chứng minh bằng văn bản ít nhất 2 lần trong 1 tháng thì mới được quyền chấm dứt hợp đồng. Trường hợp ông Lâm và công ty không có ký hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận miệng thì gọi là hợp đồng sai hình thức. Trong trường hợp này, tòa sẽ xét theo bảng lương để xác định nếu từ 1 năm làm việc trở lên sẽ được áp dụng là hợp đồng không thời hạn, khi cho nghỉ việc phải báo trước 45 ngày và bồi thường đúng quy định. Do vậy, trong trường hợp các nhân viên của VATC bị buộc nghỉ việc trong điều kiện không có tổ chức công đoàn bảo vệ, nếu xét thấy không công bằng có thể làm đơn gửi tòa án nhân dân quận để được giải quyết.

Anh Lê Quốc Phong (ảnh) - Phó bí thư Thành Đoàn,  Chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM:
"Sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của sinh viên"

Ảnh: P.nguyên
Cho đến nay, tại trường Đào tạo nghề Việt-Mỹ vẫn chưa có chi đoàn, chi hội. Tuy vậy, Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP.HCM vẫn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của sinh viên vì các bạn là những thanh niên đang sinh sống, học tập tại TP.HCM. Hiện nay, chúng tôi đã chỉ đạo Quận Đoàn 3 - nơi có trụ sở chính của VATC - nắm tình hình, báo cáo để có biện pháp phối hợp các cơ quan chức năng can thiệp kịp thời nếu quyền lợi chính đáng của sinh viên bị xâm phạm". 

Như Lịch (ghi)

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Bảo Nguyên (Giám đốc nhân sự PAN VAT) cho rằng, chính bản thân nhân viên công ty không muốn thành lập Công đoàn cơ quan, lãnh đạo công ty kêu gọi nhiều lần nhưng họ dứt khoát không tham gia vì cho rằng mất thời gian, phải đóng công đoàn phí... Tuy vậy, ông Nguyên nói: "Sau khi xảy ra một số vụ việc đụng đến quyền lợi nhân viên vừa qua, lãnh đạo công ty quyết tâm thành lập Công đoàn cơ quan, đã nộp đơn đăng ký và nhiều khả năng trong tuần tới sẽ thành lập được tổ chức này".

Trưởng khoa không có hợp đồng

Về tổ chức nhân sự, theo quyết định 157/2008 do Tổng giám đốc PAN VAT Hoàng Ngọc Phan ký ngày 15.10.2008, ông James Monroe Ellis đã bị giải nhiệm vị trí Phó TGĐ PAN VAT kể từ 16.10.2008. Ông James chính là người bị 21/22 thành viên ban điều hành VATC đồng loạt ký giấy bất tín nhiệm (Báo Thanh Niên ngày 16.10 đã đưa). Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trưởng khoa của VATC khi đến làm việc với trường đều không có hợp đồng lao động mà chỉ nhận quyết định làm việc từ Tổng giám đốc PAN VAT.

Ông Hoàng Ngọc Phan cũng cam kết sẽ sử dụng tiền học phí đúng quyền lợi của học viên và sinh viên, không để thất thoát; ngoài ra Blackhorse Asset Management PTE.Ltd cũng hứa sẵn sàng đầu tư 10 triệu - 15 triệu USD để xây dựng trường trong tương lai thật hiện đại để phục vụ học viên và sinh viên. Hiệu trưởng Nguyễn Thế Bảo thì cho biết: "Tất cả chương trình đào tạo đều đầy đủ, đội ngũ giảng viên đều có hợp đồng, việc quản lý hồ sơ chuyên môn ổn định, tổ chức hoạt động đầy đủ các khoa chuyên môn, phòng đào tạo, phòng công tác sinh viên, phòng quan hệ doanh nghiệp (lo thực hành, tìm kiếm việc làm)...". Tuy vậy, nhiều nhân viên, sinh viên của trường vẫn chưa an tâm, chờ đợi những lời hứa trên biến thành hiện thực.

 Nhựt Quang  - Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.