Cuộc đối đầu giữa báo giới và Chính phủ Anh

29/11/2005 22:55 GMT+7

Hai công dân Anh D.Keogh và L.O'Connor đã bị cáo buộc tội tiết lộ bí mật nhà nước. Trước đó, báo chí Anh cũng nhận được cảnh báo chính phủ sẽ áp dụng đạo luật Bí mật nhà nước nếu họ đăng tải toàn bộ chi tiết về cuộc nói chuyện giữa Thủ tướng Tony Blair và Tổng thống George Bush về đài truyền hình al-Jazeera.

Ngày 23.11 vừa qua, trong khi dư luận Anh và thế giới sửng sốt về dự định tấn công đài truyền hình Ả Rập al-Jazeera, chưởng lý Anh Peter Goldmish tuyên bố sẽ áp dụng đạo luật Bí mật nhà nước để ngăn chặn báo chí Anh công khai tất cả chi tiết bản tài liệu về cuộc nói chuyện giữa Thủ tướng Anh Tony Blair và Tổng thống Mỹ George Bush tháng 4.2004. Tin này đã được tờ Daily Mirror đăng ngày 22.11 với hàng tít lớn trên trang nhất: Bush có âm mưu tấn công đồng minh Ả Rập. Lúc đầu, nhiều tờ báo tỏ ra hoài nghi về tin này và cho rằng đó có thể chỉ là tin đồn mà thôi. Người phát ngôn của Nhà Trắng đã phủ nhận tất cả và tuyên bố hùng hồn rằng tin trên là một sự "kỳ quặc". Tuy nhiên, có vẻ như sự việc đã không dừng tại đây. Trong tuần qua, hai công dân Anh là David Keogh và Leo O'Connor đã bị buộc tội tiết lộ bí mật nhà nước. Keogh, nhân viên của Văn phòng nội các chính phủ, bị cáo buộc là đã chuyển cho O'Connor văn bản chi tiết về cuộc nói chuyện giữa Blair và Bush, trong đó Thủ tướng Anh đã khuyên người đồng nhiệm Mỹ của mình không nên tấn công đài truyền hình lớn nhất thế giới Ả Rập của đồng minh Qatar. Tờ Mirror còn khẳng định thêm rằng: "Ông ta (Bush) nói rõ ý muốn đánh bom al-Jazeera tại Qatar và các chi nhánh của đài này ở những nơi khác. Blair đã nhắc Bush lưu ý rằng điều này sẽ mang đến một hậu quả rất nghiêm trọng".

Chính phủ của ông Blair hiện đang nhức đầu vì chuyện trên. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Peter Kilfoyle đã thách thức văn phòng phố Downing công khai nội dung bản chi tiết cuộc nói chuyện giữa hai ông.

Các ông Bush và Blair xem đây là "biểu hiện của sự trong sạch". Căng thẳng hơn khi giám đốc của al-Jazeera Wadah Khanfa viết thư chính thức cho Thủ tướng Blair yêu cầu Anh phải công khai những nội dung liên quan đến vụ việc trên và phải giải thích "thỏa đáng" về tin mà đồng nghiệp Mirror đã đăng. Trưởng đại diện của tờ Al-Quds (chi nhánh tại London) qua sự kiện này đã cho rằng các tòa báo, phát thanh và truyền hình Ả Rập cũng như thế giới sẽ trở thành mục tiêu trong chiến dịch chống khủng bố của Mỹ khi mà "họ không muốn sự thật được công bố".

Sự kiện trên một lần nữa buộc người ta phải nhớ lại mối quan hệ giữa Mỹ và al-Jazeera. Tháng 11.2002, văn phòng của al-Jazeera tại Kabul (Afghanistan) đã bị tên lửa Mỹ phá hủy hoàn toàn. Rất may là lúc đó không có nhân viên nào đang làm việc tại đây. Phía Mỹ đã tuyên bố không hề biết rằng đây là văn phòng của al-Jazeera. Tuy nhiên, mấy tháng sau, văn phòng của đài này tại Baghdad đã bị san bằng, cũng bởi bom Mỹ. Một phóng viên al-Jazeera thiệt mạng trong khi đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ tại Baghdad xác nhận rằng đây là một "sự nhầm lẫn". Bên cạnh đó, chính quyền Bush đã không hề che giấu thái độ thù địch với al-Jazreera vì đài này liên tục đưa nhiều tình tiết trong cuộc chiến Iraq mà Mỹ không "khoái" cho lắm, chẳng hạn như những vụ bắt cóc con tin. Đã có ý kiến từ phía Mỹ cho al-Jazeera chính là "miệng lưỡi" của Osama bin Laden.

Lời đe dọa của chưởng lý Goldmish đối với báo giới Anh có biến thành hiện thực được hay không còn phải chờ thời gian thẩm định. Năm 1983, một quan chức là thư ký cao cấp của Chính phủ Anh tên Sarah Tisdall đã phải vào tù vì bị buộc tội rò rỉ thông tin cho tờ Guardian. Đây là một trường hợp hy hữu. Tuy nhiên, vụ việc về al-Jazeera lại có nhiều vấn đề phải bàn cãi. Phố Downing đang phải đối mặt với nhiều chuyện khó xử. Từ trước đến nay, ông Blair vẫn luôn bị coi là theo sau người đồng minh Bush với quan điểm "trung thành là nền tảng". Do vậy, nếu câu chuyện trên là có thật thì đây có lẽ là một trong rất ít tình huống mà vị thủ tướng này đã giành thế thắng trong tranh luận với Tổng thống Mỹ về một vấn đề phức tạp. Nếu vậy thì nội dung câu chuyện trên càng phải được cho công chúng biết và chẳng có lý do gì để buộc tội hai công dân Anh kia. Ngoài ra, sức ép của công luận trong và ngoài nước cũng hết sức nặng nề, do vậy không sớm thì muộn Chính phủ Anh cũng phải trả lời chính thức với al-Jazeera, thậm chí có thể với người bạn Qatar - đồng minh thân cận của Anh - Mỹ trong cuộc chiến Iraq. Nhưng, nếu ông Blair công nhận sự thật trên thì sẽ đưa người đồng nhiệm Bush vào thế vô cùng "khó ăn khó nói" với người bạn Qatar vốn đã "kề vai, sát cánh" với Mỹ trong thời gian qua tại Iraq. Bài toán quá nan giải đối với ông Blair.

Hạ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.