Cùng nhau nâng niu kỷ niệm

08/10/2005 16:14 GMT+7

Cuộc sống của chúng ta sẽ vô vị, buồn tẻ và khô cằn đi biết chừng nào, khi không còn những kỷ niệm.

Cái chất lãng mạn đầy tính nhân văn, tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ của chợ tình Khau Vai là ở chỗ phiên chợ hằng năm chỉ họp có một lần vào ngày 27/3 (âm lịch). Phiên chợ đặc biệt này dành cho những người từng yêu nhau mà vì một lý do nào đó không lấy được nhau, họ đến đó gặp gỡ, sống lại những kỷ niệm. Vợ chồng cùng đi chợ Khau Vai, mỗi người gặp người yêu cũ của mình... Sớm mai tan chợ, họ lại về sống vui vẻ, hòa thuận, có trách nhiệm với vợ, với chồng, với con, với cháu...

Ở nơi núi rừng heo hút ấy mà con người sống lại có những nét thật tâm lý, hiện đại. Còn ở các thành phố mang tiếng là văn minh, hiện đại, lại có không ít những gia đình cứ lục đục, dằn vặt nhau, làm khổ nhau chỉ vì những kỷ niệm.

Anh V.N.K ở Q. Tân Bình, TP.HCM kể: "Ngày xưa tôi là lính lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn. Tôi yêu một cô thanh niên xung phong. Một lần trở lại con đường mà người yêu tôi làm việc, tôi mới biết cả tiểu đội thanh niên xung phong ấy bị bom B52 rải thảm đã hy sinh hết... Sau giải phóng, tôi lập gia đình. Vợ chồng tôi đã có những năm tháng rất hạnh phúc và có 2 đứa con. Tôi cũng đã kể cho vợ tôi về mối tình đầu của mình. Bức ảnh đen trắng chụp tiểu đội thanh niên xung phong và cánh lái xe không kính chúng tôi (trong đó có hai đứa bọn tôi được đứng ở vị trí trung tâm) tôi đem phóng to và treo ở phòng khách đã hơn chục năm nay. Tôi coi tấm ảnh đó là một kỷ niệm vô giá về những năm tháng hào hùng của thế hệ chúng tôi và mối tình đầu thơ mộng.

Một hôm tình cờ xem ti vi, tôi nhận ra người phát biểu trong cuộc giao lưu các cựu thanh niên xung phong Trường Sơn năm xưa là T. của tôi - ngày đó nàng thoát chết vì đi tiền trạm để đơn vị di chuyển nơi đóng quân. Hiện nay nàng đã có một gia đình hạnh phúc... Nào ngờ từ khi biết T. còn sống, vợ tôi cứ ghen bóng ghen gió. Bức ảnh treo ở phòng khách bị cô ấy cất đi. Nhiều hôm thấy tôi trầm ngâm, suy nghĩ về một chuyện nào đó cô ấy cũng châm chọc: "Rồi! Lại nhớ đến "người xưa" phải không?". Cách xử sự của vợ tôi làm tôi buồn và có lúc cảm thấy bị xúc phạm".

Chị X. ở Biên Hòa thì phàn nàn: "Tôi là giáo viên dạy văn, trước khi lấy chồng, tôi đã có một mối tình đầu của tuổi học trò. Đến khi vào đại học thì gia đình người yêu ra nước ngoài sinh sống. Chúng tôi phải chia tay. Đã 15 năm nay chúng tôi không hề liên lạc gì với nhau. Năm ngoái ảnh về quê ăn Tết có đưa cả vợ con đến thăm gia đình tôi. Chúng tôi đối xử với nhau lịch sự, thân tình nhưng có khoảng cách. Anh ấy nói trước mặt chồng tôi rằng: "Hai gia đình hãy coi nhau là bạn". Thế nhưng từ ngày ấy đến giờ chồng tôi luôn nghi ngờ tôi như: kiểm tra điện thoại di động, dò xét hóa đơn thanh toán điện thoại. Đôi lúc còn hỏi: "Em còn yêu P. nữa không"... Gần đây, tôi không thể chịu nổi hành vi điên rồ của anh ấy là lục lọi tìm cuốn nhật ký thời học trò của tôi đọc rồi đem đốt...".

Tôi có quen hai vợ chồng H., anh là cán bộ ngoại giao. Khi vợ trước của anh qua đời, một  chị hàng xóm thường qua lại thăm nom, chăm sóc hai đứa trẻ mồ côi, rồi tình thương, tình yêu cứ lớn dần theo năm tháng - sau khi giỗ đầu chị vợ cũ thì anh chị làm đám cưới. Bạn bè ai cũng thầm thán phục "gái tân mà dám gánh vác gia đình với hai con nhỏ". Mới đây có dịp gặp lại họ ở Hà Nội, anh kể với tôi: "Xiêm tuy không đẹp bằng vợ trước của tôi, nhưng tấm lòng và cách ứng xử của cô ấy thì tuyệt vời. Giờ đây bố con tôi không chỉ yêu thương, mà còn rất biết ơn cô ấy đã giữ gìn và nâng niu những kỷ vật của mẹ các cháu, để các cháu lớn lên có những hiểu biết nhất định về mẹ đẻ của mình".

Tôi đến thăm một gia đình cựu chiến binh ở Q.Tân Bình - TP.HCM. Ở vị trí trang trọng nơi phòng khách treo một bức ảnh đen trắng cỡ lớn. Trong ảnh là hơn 10 khuôn mặt rạng rỡ. Chủ nhà chính là người đàn ông đứng giữa trạc ngoài 40 tuổi, hai tay quàng vai hai cô gái. Dưới bức ảnh là dòng chữ Lính và văn công gặp lại nhau sau một trận bom B52 Trường Sơn 1971. Thấy tôi chăm chú ngắm bức ảnh, ông đại tá giải thích: "Tôi đi B từ năm 1965, tới mùa xuân năm 1971 mới có được tấm ảnh anh em văn công đến binh trạm công tác chụp cho. Thấy tôi có ý định gửi bức ảnh này ra Bắc cho vợ, có cậu trong đơn vị can ngăn: "Ấy! Anh đừng gửi, xem bức ảnh này sợ chị ấy lại phát ghen", nhưng tôi vẫn gửi. Bức ảnh này được bà xã tôi nâng niu giữ gìn. Đến khi tôi về hưu, bà ấy đem chụp lại, phóng to lồng khung treo lên đấy!".

Thiết nghĩ, cuộc sống gia đình có hạnh phúc hay không còn tùy thuộc vào niềm tin trong tình yêu, cách ứng xử, lòng nhân ái, độ lượng, bao dung của mỗi thành viên trong gia đình. Những kỷ niệm được nâng niu, tôn trọng sẽ là tài sản vô giá và là một trong những chất men tạo nên hương vị ngọt ngào, nuôi dưỡng tình yêu vững bền theo năm tháng.         

Nguyễn Thị Thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.