Loạn giải thưởng

27/10/2009 23:31 GMT+7

Sự kiện Vedan được trao giải "An toàn vì sức khỏe cộng đồng 2009” là đỉnh điểm của tình trạng loạn các kiểu giải thưởng dành cho doanh nghiệp hiện nay. > Ban tổ chức đòi lại giải thưởng! \Nhầm lẫn hay dối trá? \ Giải thưởng xúc phạm \ Vedan xả nước thải gây ô nhiễm môi trường

“Chưa bao giờ giải thưởng dễ “mua” đến như vậy”, một doanh nhân nói thẳng. Vậy giải thưởng giá bao nhiêu? Quá trình tìm hiểu của Thanh Niên đã cho kết quả như sau: Giá cả tùy theo “chất lượng”, phổ biến là từ 10 - 30 triệu đồng/giải. Vì sao giải thưởng có thể “bán”, và rẻ như vậy? Đơn giản là hầu như ai cũng có thể thành lập giải thưởng để trao cho doanh nhân, doanh nghiệp (DN).  Và không ít  đơn vị cũng rất cần giải thưởng để “lòe nhau” và làm lóa mắt người tiêu dùng.

Trao giải trước, đòi nộp phí sau

Đại diện một ngân hàng lớn thường xuyên được trao các giải thưởng trong và ngoài nước cho biết: Để tham gia các giải thưởng nước ngoài có uy tín, ngân hàng chỉ cần tự đề cử, gửi thông tin về ban tổ chức mà không phải tốn kém đồng phí nào.Những đơn vị tự đề cử nếu đạt được các tiêu chí của ban tổ chức đưa ra thì được trao giải. Ở trong nước, hiện đang có quá nhiều giải thưởng, trong đó có rất nhiều giải “nhí nhố”. Có giải thưởng ban đầu không ra điều kiện gì về việc nộp “phí tham dự” vì họ sợ ngân hàng từ chối. Họ cứ trao giải, mời đến nhận sau đó mới “mè nheo” đòi nộp phí, có giải đòi nộp đến 100 triệu đồng!

T.Xuân (ghi)

Tiết lộ của một phó giám đốc phụ trách tiếp thị và kinh doanh của một công ty uy tín ở TP.HCM (không tiện nêu tên) cho thấy thực trạng bát nháo hiện nay: “Giải thưởng thì giá nào cũng có, cao nhất nhiều khi lên tới 200 triệu đồng, phổ biến là 20 triệu. Đặc biệt ở thời điểm khó khăn hiện nay, các công ty thực hiện chính sách tiết kiệm, cắt giảm kinh phí quảng cáo và tiếp thị, những đơn vị tổ chức giải thưởng cũng “linh động” hạ  giá giải thưởng. Giá hiện nay đã giảm từ 20 triệu còn 10 - 15 triệu thôi. Dù vậy, DN vẫn có thể trả giá thêm. Khoản tiền mua giải này được gọi là “phí” tham dự, nộp đủ ngay từ đầu và được cam kết bảo đảm đoạt giải, nếu không sẽ trả lại”.

Doanh nhân này khẳng định, phần lớn giải thưởng được trao cho DN, doanh nhân, sản phẩm hiện nay ở VN đều có thể “mua” được. Còn một số giải thưởng có vẻ uy tín thì không thể “mua” để lọt vào top 10 DN hàng đầu vì việc xét chọn chặt chẽ, nhưng muốn lọt vào top 100 hay 200 đều có thể. Mặc dù, tiêu chí của giải thưởng đưa ra vô cùng khắt khe, nhưng ban tổ chức vẫn “chiếu cố” cho DN nào đủ tiền ủng hộ mà không đủ điều kiện.

Ai làm cũng được

Các giải thưởng đa số được núp dưới bóng những đơn vị, tổ chức nhà nước, hiệp hội, các cơ quan truyền thông... Ý tưởng giải thưởng có thể là của công ty tư nhân hoặc của các đơn vị, tổ chức...

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, việc điều hành giải đều do các công ty này làm. Trong đó, quan trọng nhất là kinh phí để tổ chức trao giải thưởng và mang lại lợi nhuận cho các bên liên quan là nhiệm vụ của công ty. Ví dụ, cơ quan truyền thông A tổ chức 4 giải thưởng khác nhau hằng năm, việc triển khai thực hiện các giải thưởng này giao cho một công ty “sân sau”. Công ty tổ chức đội ngũ kinh doanh, bám theo danh sách DN “tiềm năng” hoặc đã đoạt giải trước đó mà “khai thác”. Họ có được nguồn thu lớn từ “hoa hồng” của mỗi hợp đồng bán được. Thường thì các giải thưởng không hạn chế số lượng DN đoạt giải, nên mới có giải có tới hàng trăm người nhận giải thưởng. Nhiều như vậy, không ngoài mục đích của ban tổ chức là để thu được nhiều hơn

 Hễ tham gia là có giải

Ông Phạm Ngọc Châu, Phó TGĐ Công ty CP thực phẩm Hanco (Hancofood) cho biết, cách đây vài năm, lần đầu tiên Hancofood tham gia một giải thưởng về thương hiệu cho các DN Việt Nam nhưng ông vô cùng thất vọng khi hầu hết DN tham dự đều đạt giải. Ban tổ chức đã không hề có bất cứ một cuộc khảo sát, điều tra nào về quy mô sản xuất, năng lực, chất lượng sản phẩm của DN. Đó là lần duy nhất Hancofood tham gia và “chào tạm biệt” luôn cho đến nay mặc dù năm nào công ty cũng nhận được vô số thư mời. Theo ông Châu, các DN đều muốn có các giải thưởng về thương hiệu, về chất lượng sản phẩm, về uy tín... để quảng bá với khách hàng. Tuy nhiên, việc có quá nhiều giải thưởng mà chỉ "đóng chi phí tổ chức, đến gặp mặt ăn uống rồi mang giải về" là vấn đề cần chấn chỉnh.

N.Hằng

Sở dĩ xảy ra tình trạng lộn xộn trong việc xét trao giải thưởng cho DN như hiện nay là bởi hiện chưa có một quy chế nào quy định cụ thể hoạt động này. Công ty nào cũng có thể thành lập giải thưởng, tổ chức nào cũng có thể xét tặng danh hiệu, thành tích. Thậm chí, có đơn vị, tổ chức sở hữu tới 4 - 5 giải thưởng trao tặng hằng năm. Tại website giaithuong.vn, có thể tìm thấy thông tin của rất nhiều giải thưởng khác nhau, từ toàn quốc đến địa phương, ngành nghề với tên gọi vô cùng phong phú.

 DN “bội thực”

“Mỗi năm chúng tôi nhận được hơn 20 hồ sơ đề nghị tham gia xét tặng giải thưởng, cúp. Lãnh đạo công ty không đưa ra tiêu chí là sẽ tham gia bao nhiêu giải thưởng, nhưng những giải thưởng nào có định hướng cụ thể, uy tín thì sẽ làm thủ tục đăng ký. Có giải thưởng chúng tôi từ chối khéo là kinh phí tiếp thị đã hết, nhưng cũng có nhiều giải thưởng chúng tôi thẳng thắn từ chối vì tiêu chí không phù hợp với DN”, ông Phạm Trung, Phó TGĐ Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, cho biết. Ông nói thêm, những hồ sơ nào đề cập đến “phí xét thưởng” thì công ty tuyệt đối không tham gia.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng DN “bội thực” giải thưởng: “Hiệp hội đã cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) thống nhất chủ trương kiến nghị Ban Thi đua - Khen thưởng của Chính phủ, UBND TP.HCM lập lại trật tự. Tình hình hiện nay khiến người tiêu dùng không biết danh giá của danh hiệu nào, thương hiệu tốt nhiều khi lại ngang hàng thương hiệu không tốt, DN tốt lại có thể giống như DN không tốt. Cho nên, những giải thưởng nào uy tín thì phải đưa vào hệ thống thi đua khen thưởng của Nhà nước, nếu không sẽ ảnh hưởng ghê lắm”.

Ông Minh kể, có giám đốc công ty bị các cơ quan, đơn vị tổ chức giải thưởng năn nỉ, thậm chí “khủng bố tinh thần” đòi tham gia giải thưởng, nên phải “nhắm mắt” làm theo. Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận, không ít DN đã phô trương thương hiệu, sản phẩm bằng cách phải đoạt được cúp vàng, giải thưởng này nọ nhằm che lấp khiếm khuyết, lừa dối người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh.   

Hiện tượng phản cảm

Tối 27.10, ông Phạm Gia Túc (ảnh) - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN đã trả lời phỏng vấn của Thanh Niên xung quanh hiện tượng “loạn” giải thưởng hiện nay.

Ảnh: Ngọc Thắng



* Ông đánh giá thế nào về tình trạng bùng phát các giải thưởng doanh nhân, doanh nghiệp hiện nay?

- Theo thống kê của chúng tôi, hiện đang có trên dưới 40 giải thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp (DN), doanh nhân. Bên cạnh những giải thưởng và cúp có uy tín, đã có không ít cơ quan, đơn vị chỉ dựa vào một sự kiện nào đó tổ chức tôn vinh doanh nghiệp mà không có tiêu chí rõ ràng; cứ tham gia là được giải. Trong đó có những trường hợp, DN, doanh nhân cứ nộp đơn, đóng tiền là được trao giải.

Vì vậy, trên thực tế có nhiều DN, doanh nhân chưa có hoặc ít có thành tích, đóng góp cho xã hội nhưng vẫn được tôn vinh bởi những cái cúp có tên rất “nổi”, chẳng hạn như là “Tinh hoa Việt Nam”... Hiện tượng này đã và đang gây phản cảm đối với xã hội.

Chúng tôi đã nhận được phản ánh của nhiều DN, họ phản đối việc liên tục nhận được quá nhiều các công văn do một số đơn vị, tổ chức mời tham gia giải thưởng để... trao giải. Có DN, trong một thời điểm nhận được tới chục công văn như vậy.

* Hiện nay, các công ty tổ chức sự kiện đang áp dụng chiêu mượn danh các tổ chức, đơn vị để tổ chức các giải thưởng. Ông nghĩ thế nào về chuyện kinh doanh giải thưởng?

- Đúng là thời gian qua có một số công ty tổ chức sự kiện đã kết hợp với một số cơ quan để tổ chức tuyển chọn, và trao giải cho các DN. Có những DN cần “tiếng” đã tham gia và trong một số trường hợp các cơ quan cho “mượn danh” đã "mắc bẫy" công ty PR.

Hiện nay, chúng tôi chưa có đủ tài liệu để kết luận có hay không việc kinh doanh giải thưởng nhưng rõ ràng là trên thực tế đang có những biểu hiện của thương mại hóa giải thưởng như: DN cứ gửi hồ sơ, đóng tiền, là sẽ được trao giải.

* Thưa ông, chúng ta cần làm gì để chấn chỉnh tình trạng loạn giải thưởng như hiện nay?

- Chúng ta phải có quy chế, tiêu chuẩn và hình thức tuyển chọn cụ thể, khắt khe để những người được trao giải thưởng cảm thấy tự hào và cố gắng đóng góp nhiều hơn nữa; những DN chưa đạt sẽ nỗ lực phấn đấu nhiều hơn.

Để hoạt động tôn vinh các DN, doanh nhân đi vào nền nếp tôi cho rằng, các bộ ngành nên ngồi lại với nhau, rà soát lại các giải thưởng để tinh giảm, xây dựng những giải thưởng danh giá; đồng thời tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước ở cả T.Ư và địa phương. Cơ quan khi được mời đồng tổ chức, đồng tài trợ cho các giải thưởng cũng phải xem xét kỹ, không chỉ đứng tên trên danh nghĩa mà phải tham gia đầy đủ vào cả quá trình xây dựng quy chế giải thưởng, tiêu chí bình chọn, xét tuyển và tôn vinh DN. Trong khi đó, DN khi nhận được lời đề nghị tham gia dự thi nên cân nhắc, xem xét kỹ, nếu thấy chính đáng thì mới tham gia.

Q.D

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.