"Tình dân tộc trên phim", thông điệp đang chờ...

08/10/2005 15:54 GMT+7

Điện ảnh Việt Nam thừa hưởng một chất liệu lịch sử đầy ắp chất bi tráng, oai hùng. Không phải giới làm phim nào trên thế giới cũng thừa hưởng được chất liệu thực tế ngồn ngộn đến vậy. Nhưng vài năm gần đây, những câu chuyện lịch sử trên phim truyện nhựa lại chưa đủ sức chinh phục để kéo chân đông đảo khán giả thời hiện đại đến xem cho ấm rạp?

Bàn luận rốt ráo thì có rất nhiều lý do, nhiều hội thảo trước đây từng nói, nói và nói... Thế nhưng, trong đó có một ý tưởng hệ trọng: sự nối kết nhân ái giữa con người với nhau, và tình đồng bào, đoàn kết dân tộc - những thông điệp này vẫn chưa được thể hiện một cách sâu sắc, nồng nhiệt trên phim Việt Nam.

Từ những phim truyện lịch sử nước ngoài...

Xin mượn câu chuyện điện ảnh bên Hàn Quốc để... ngẫm nghĩ. Như phim Cờ bay phấp phới (Taegukgi), tạo nên cơn sốt về khán giả đến rạp mua vé vào xem. Cờ bay phất phới - được Hàn Quốc đem đi dự Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương 2005 tại Malaysia từ 28/9 đến 2/10/2005 - dẫn ra câu chuyện của hai anh em Lee Jin Tae và Lee Jin Seok, xảy ra trong thời chiến. Những cảnh tượng người chết như rạ dưới làn bom đạn khiến người xem phải rùng mình. Trong khi người anh Jin Tae nã súng như điên, được tặng thưởng huân chương, thì người em Jin Seok mang một cảm thức bàng hoàng đi suốt cuộc chiến, không ngừng kêu gọi sự thức tỉnh điều gì đó sâu xa trong lương tri. Tại sao lại có thể vì những vấn đề xung khắc hệ tư tưởng mà coi rẻ sinh mạng con người, đến mức sẵn sàng xuống tay giết chóc, không ngại vấy máu ? Bộ phim nhấn mạnh một tầm cao hơn, nhân bản hơn với triết lý sinh mạng con người là thiêng liêng nhất, hạnh phúc cho con người là cao nhất, không thể có điều gì đứng cao hơn để buộc con người trở thành phương tiện!


Hai anh em Jin Tae, Jin Seok (giữa) trong phim Cờ bay phất phới (Taegukgi)

 
Một phim khác, Khu phi quân sự (JSA) cũng gây cơn sốt vé khi chiếu rạp tại xứ Hàn - độc đáo ở bối cảnh tập trung nơi khu phi quân sự Bàn Môn điếm. Ở đó ngay đến chiếc bóng của con người cũng không được phép... đổ bóng qua lằn ranh phân chia hai miền. Chi tiết mang tính ẩn dụ đầy xót xa. Lịch sử phân cách hai miền Nam Bắc đầy đau thương đã được "hàn gắn" bằng câu chuyện giữa trung sĩ Soo Hyuk, trung sĩ Nam của Nam Hàn, với trung sĩ Kyung Pil, binh nhì Jung của Bắc Hàn. Ban ngày họ đứng canh gác lạnh lùng trơ ra như phỗng, nhưng tối đến thì hai người lính Nam Hàn lại lẻn qua doanh trại của hai người lính Bắc Hàn. Những viên đạn được tháo ra khỏi nòng đem làm trò chơi. Họ chụp hình chung, đứng sát vào nhau, che khuất hậu cảnh của lỉnh kỉnh tranh ảnh, khẩu hiệu, vũ khí dùng để phục vụ chiến tranh. Ban đầu là sự làm quen dè dặt để rồi trong họ bùng vỡ nhu cầu được sống bằng tình nhân ái và đoàn kết dân tộc !

...Đến những phim truyện lịch sử của Việt Nam

Phải chăng nhiều phim làm về lịch sử của Việt Nam chúng ta chưa đủ đào sâu và làm mới về tính nhân văn (như vài dẫn chứng tham khảo từ phim Hàn dẫn trên), hoặc là chỉ mới chạm đến "cái vỏ" của nhân văn mà thôi nên phim chẳng mấy người chịu mua vé xem? Xem phim mà biết trước muốn "dạy dỗ" gì rồi thì khó trách khán giả quay lưng.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, thành công với bộ phim đề tài lịch sử Ngọn nến hoàng cung được giải cao nhất Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh VN (cho thể loại phim nhiều tập), một thành công hiếm hoi trong toàn cảnh phim lịch sử VN nói chung hiện nay - vì phim này đi vào chiều sâu nhân văn dưới bề ngầm dòng chảy sự kiện để "đi vào" bên trong con người. Quốc Hưng cho biết: "Qua phim Ngọn nến hoàng cung, tôi ngộ ra rằng: khuôn mẫu là do con người tạo nên và trong điều kiện cho phép, bản thân ta cũng có thể tạo nên khuôn mẫu cho chính mình". Quốc Hưng gọi như thế là sáng tạo. "Qua một số phim nhựa được đầu tư lớn thì xem ra ta đâu có thiếu tiền. Vấn đề còn lại là phải trông chờ vào những tài năng thôi...".

Trước hết và trên hết của tài năng là phải có được nhãn quan nhân sinh và thời cuộc một cách mới mẻ, độc đáo và độc lập, không trở thành công cụ minh họa. Từ góc độ khán giả, nhà văn Sơn Nam đưa ra "đơn đặt hàng" đáng chú ý: "Công trạng quân sự trên phim ảnh được nhắc đến nhiều là số một, ai cũng biết. Nhưng còn mấy điều phải biết, nhất là cần cho giới trẻ hiện nay. Như phong trào đấu tranh của sinh viên, trí thức ở đô thị miền Nam trước kia, phong trào quá mạnh mẽ, ngoài mức tưởng tượng. Xưa nay ít thấy phim nói đến, sắp tới phải làm cho sâu, vì tôi nghĩ đó là sự công bằng trong ghi nhận lịch sử. Rồi phải nói đến, ví dụ, nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu trong phong trào đấu tranh đô thị. Đó là một biểu tượng tâm linh. Làm phim lịch sử mà không đem lại phát hiện chiều sâu thì khó mà thuyết phục khán giả". Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trăn trở: "Theo những gì tôi chứng kiến trên điện ảnh phim truyện lâu nay, có một điều quan trọng cần phải nêu lên: người ta hay nói tới những chiến công, mà không thấy hoặc ít thấy phía sau của những chiến công là gì! Do công việc của một nhà nghiên cứu, tôi được mời tham gia viết bia tưởng niệm, viết địa chí, lịch sử chiến khu cách mạng... nên có nhiều dịp tiếp xúc, tìm hiểu thực tế, qua đó nhận ra vai trò thầm lặng của người dân mình lớn lắm. Ngày xưa trong thời chiến tranh, đồng bào mình có những hũ gạo nuôi quân, cứ một tuần lại có người đi thu. Nhón một nắm gạo hay góp một mũi chông đều mang nghĩa lý sâu xa. Làm phim thì phải nhớ đến dân sao cho thể tất, vì đó mới chính là lịch sử như nó đã xảy ra, mình phải có hậu, ở đây là nhân hậu".

Đạo diễn Quốc Hưng nhấn mạnh: "Để trở thành lịch sử, bản thân con người và sự kiện đã phải đi trọn cái vòng luân hồi của nó rồi. Với tấm lòng bao dung, người làm phim cần đi thẳng tới trái tim với những điều muốn nói, chứ không nên quanh co rẽ vào những con đường vốn dĩ đã khúc khuỷu rồi".

Cũng cần nói thêm, lâu nay nhiều người cho rằng đề tài lịch sử khó đi vào lòng người xem đương đại, đặc biệt là khán giả nam nữ trẻ, mà họ chỉ thích mùi mẫn yêu đương. Nói như thế chẳng qua là biện minh cho sự bất lực của người làm phim không lôi kéo được khán giả đến với mình. Lịch sử "khó nuốt" ư ? Thế thì giải thích cách nào khi gần đây Nhật ký Đặng Thùy Trâm thấm đẫm dư vị chiến tranh lại thu hút, tạo cơn sốt tìm đọc? Hiện nay đang có vài hãng phim mong muốn chuyển cuốn nhật ký này thành phim truyện, cuộc đua vẫn ngấm ngầm. NSƯT - đạo diễn Lê Dân đưa ra ý kiến: "Cách chuyển gì thì cách... nhưng theo tôi, tinh thần lớn nhất của nhật ký phải có mặt trên phim. Đó là tinh thần tận tụy với con người. Nếu không, phim sẽ khó có khán giả".

Vâng, thời sự lớn nhất đang được chú ý hiện nay khi nói về đề tài lịch sử : thông điệp về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, "người trong một nước phải thương nhau cùng", đi từ trái tim nhân văn đậm đà... đang trở thành nỗi khao khát cháy bỏng khôn cùng!

Anh Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.