Câu chuyện hai mươi năm

15/12/2005 09:34 GMT+7

Hai mươi năm trước Tôi vốn là người ham mê đọc sách báo từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, học xong phổ thông, thi vào đại học không đỗ, hay nói đúng hơn “không có cửa “ cho những người như tôi. Vừa ghi danh học nghề Hướng dẫn viên du lịch, tôi vừa nâng cao kiến thức, hiểu biết qua sách, báo. Lúc đó báo chí nước ta chưa phong phú và đa dạng như bây giờ, nếu không muốn nói là nghèo nàn.

Đầu năm 1986, những người mê báo như tôi vui mừng đón nhận sự ra đời của một tờ báo mới: Tuần Tin Thanh Niên. Thuở ban đầu Tuần Tin Thanh Niên chỉ có 16 trang khổ 20x28cm, khá đơn sơ nhưng lại sớm chiếm được tình cảm của đông đảo bạn đọc. Là diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam nên nội dung của tờ báo luôn “sát sườn” với đời sống của người trẻ. Thanh Niên luôn phản ánh tâm tư, tình cảm, việc học, việc làm… của người trẻ.

Điều ấn tượng nhất đối với tôi và đông đảo bạn đọc khi Tuần Tin Thanh Niên dũng cảm- (tôi phải nhấn mạnh hai chữ dũng cảm) lên tiếng đấu tranh cho Nguyễn Mạnh Huy (ở Quảng Ngãi) dù trúng tuyển đại học với điểm rất cao, đậu nhiều lần nhưng  vẫn không được đi học chỉ vì lý lịch… xấu! Sau đó Huy được đến giảng đường đại học trong sự “hả dạ” của đông đảo bạn đọc.  Đó có thể ví như  “thắng lợi” đầu tiên  của Báo Thanh Niên đấu tranh cho sự công bằng trong tuyển sinh đại học, từ đó tác động mạnh mẽ đến quy chế tuyển sinh sau này. Nói khác đi, từ 20 năm trước Thanh Niên đã nghĩ đến vấn đề trọng dụng nhân tài, quý trọng chất xám phục vụ cho sự phát triển, phồn vinh của đất nước.

Điều ấn tượng thứ hai, nếu tôi không lầm, thì Thanh Niên là tờ báo đầu tiên mở chuyên mục Câu lạc bộ làm quen (CLBLQ), là nhịp cầu để thanh niên giao lưu kết bạn. Song song đó còn có chuyên mục anh Bồ Câu giải đáp thắc mắc tâm tư của bạn trẻ rất hấp dẫn( Vườn Hồng). Chuyên mục đã đáp ứng nhu cầu tình cảm giao lưu của đông đảo thanh niên, được hàng ngàn bạn trẻ gởi thư  xin tham gia CLB( trong đó có tôi). Thế nhưng thời buổi lúc đó vẫn có “tiếng vào tiếng ra”, có người ủng hộ  có người phản đối. Tôi vẫn nhớ thông qua CLB đã có khoảng 10 cặp nên vợ nên chồng. Với tôi, CLBLQ giúp tôi có thêm hàng trăm người bạn mới từ khắp mọi miền tổ quốc, trong số đó có nhiều người đã giúp tôi “lớn lên” thật sự  trong giao tiếp, ứng xử, học hành và tự tin bước vào nghề báo.

Tôi đã hai lần từ Đà Lạt về TPHCM tham gia sinh hoạt CLBLQ ở Văn Thánh và Đầm Sen( do Báo Thanh Niên tổ chức). Nhiều bạn ở TP.HCM hiểu hoàn cảnh của tôi, biết  tôi ham thích đọc sách báo, viết báo, ca hát …, nên mỗi khi có tập nhạc mới, sách mới, tài liệu học làm báo ( do CLB Phóng Viên TPHCM tự đào luyện) họ sẵn sàng gởi  cho tôi qua đường bưu điện. Nhờ những tập tài liệu in ronéo đơn sơ và qúi gía như thế đã “chắp cánh” cho tôi bước vào nghề báo. Từ năm 1987 tôi bắt đầu viết bài cộng tác thường xuyên cho một số Đài Phát thanh , tờ báo ở địa phương và TPHCM, càng về sau  tôi lại được  dịp cộng tác với nhiều tờ báo khác.

Hai mươi năm sau

Báo Thanh Niên kỷ niệm sinh nhật tuổi 20, cũng là lúc tôi tập tành viết báo được 20 năm. Báo Thanh Niên từ tờ tuần báo trở thành nhật báo có số lượng độc gỉa không ngừng gia tăng, thì tôi từ một cộng tác viên viết lách nghiệp dư thích gì viết đó, trở thành phóng viên chuyên nghiệp của Thanh Niên.

Có lúc tôi thầm nghĩ  nếu không tham gia CLBLQ trên Báo Thanh Niên  chắc gì tôi trở thành “nhà báo”, vẫn biết rằng lúc đó mình rất đam mê đọc và viết, nhưng chỉ đam mê thôi chưa đủ, nếu không có những người bạn tốt từ CLBLQ. Cho nên với tôi, Báo Thanh Niên cũng là “nhịp cầu” để tôi bước vào nghề báo. Khi cuốn Bước Vào Nghề Báo được xuất bản, một người bạn ở TPHCM gởi lên tặng tôi ngay, và không quên chúc tôi đạt được ước mơ. Và tôi đã bước vào giảng đường đại học khoa Ngữ văn- Báo Chí khá muộn màng,

Sau gần 3 năm gắn bó với Báo Thanh Niên, tôi học hỏi được rất nhiều điều từ Ban Biên tập, từ  lớp đàn anh đàn chị đi trước, và cả những đồng nghiệp nhiều tài năng có học thức rộng. Từ một người làm báo a-ma-tơ, tôi được Thanh Niên rèn luyện để trở thành  người làm báo chuyên nghiệp. Vẫn biết rằng làm báo cũng là nghề nguy hiểm nhưng trong công việc, tôi lại cảm thấy hạnh phúc: hạnh phúc khi cùng Ban Biên tập đấu tranh thắng lợi cho sự công bằng trong cuộc sống; hạnh phúc khi được góp phần đem niềm vui đến cho những người bất hạnh; hạnh phúc khi biết rằng những việc mình làm đang góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

Hai mươi năm Báo Thanh Niên ra đời , cũng là 20 năm đầy ắp kỷ niệm của tôi với tờ báo. Bây giờ “duyên may” trở thành phóng viên Báo Thanh Niên, tôi thêm một lần hạnh phúc và tự hào.

Lâm Viên (Lê Hữu Phước/Văn phòng Đà Lạt)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.