Nhà văn Eli Amir: Bằng văn chương, tôi muốn chúng ta nhích lại gần nhau

28/11/2007 00:50 GMT+7

Ngày 27.11, một trong những cây đại thụ của văn học Israel - tiểu thuyết gia Eli Amir đã tới Hà Nội, và có buổi gặp Hội Nhà văn Việt Nam cùng các sinh viên Đại học Quốc gia.

Eli Amir cũng là tiểu thuyết gia Do Thái đầu tiên đến thăm Hà Nội sau hơn nửa thế kỷ thành lập nhà nước Israel. Nếu tìm kiếm trên Google, chưa đầy 1 giây bạn sẽ tìm thấy 30.700 từ khóa liên quan đến nhà văn Do Thái nổi tiếng này. Những tác phẩm viết bằng tiếng Hebrew của Eli Amir: Scapegoat (Vật tế thần), Farewell Baghdad (Giã từ Baghdad), Saul's love (Tình yêu của Saul), Jasmine (Nhài) đều trở thành best-seller ở Israel, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ... và được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường.

Eli Amir sinh năm 1937 tại Baghdad (Iraq). Năm 1950, Amir cùng gia đình di cư đến Israel. Tại đây ông được đưa đến học tập tại một Kibbutz (một kiểu mô hình hợp tác xã - PV), và sau đó là Đại học Hebrew. Eli Amir bắt đầu sự nghiệp bằng chân liên lạc viên ở văn phòng Thủ tướng. Sau đó, ông làm cố vấn về các vấn đề Arab, và làm Phó tổng vụ trưởng Bộ Nhập cư. Hiện ông là Trưởng ban nhập cư trẻ của Tổ chức Do Thái.
Eli Amir được trao tặng nhiều giải thưởng như Youth Immigration's Jubilee (1983), giải thưởng văn học Do Thái (Mexico, 1985) và Ahi Award (1994), giải thưởng của Hiệp hội nhà xuất bản Platinum (1998) và giải thưởng của Thủ tướng (2002).
Chủ đề chính trong những tác phẩm kể trên là chủ nghĩa phục quốc Do Thái, quá trình hồi hương và hòa nhập với Nhà nước Do Thái mới. Đặc biệt hơn cả là Scapegoat (Vật tế thần), cuốn tiểu thuyết - tự truyện đặc tả cuộc sống của cộng đồng Do Thái trong các trại tập trung của Đức quốc xã. Đó là tuổi thơ vừa ngọt ngào vừa đau đớn của cậu bé nhập cư Eli Amir. Đó là cuộc va chạm khốc liệt giữa thế giới mới và thế giới cũ. Đó là những đổ vỡ, những xung động ngay trên bề mặt và ngấm ngầm trong lòng mỗi xã hội. Tác phẩm đầu tay đầy chất tự sự này đã nhanh chóng đưa tên tuổi Eli Amir lên văn đàn những năm 80 của thế kỷ trước.

* Tác phẩm của ông, bằng việc xây dựng hình tượng tình yêu vượt lên trên những bất đồng tư tưởng, những mâu thuẫn ý thức hệ và những cuộc xung đột vũ trang, liệu có ý nghĩa gì cho tiến trình hòa bình Trung Đông?

- Khi tôi yêu một người khác với dân tộc tôi: một người châu u, một phụ nữ Việt Nam chẳng hạn thì tôi tin là tình yêu mạnh mẽ sẽ vượt qua mọi rào cản (cười). Bằng văn chương, tôi muốn chúng ta nhích lại gần nhau. Điều tôi muốn viết không phải là mô tả cuộc chiến giữa Israel và Palestine hơn nửa thế kỷ qua mà là đặt vấn đề: làm thế nào để mỗi cá nhân có thể hòa nhập với xã hội, và làm thế nào để mọi người nghĩ nhiều về tình yêu, hơn chiến tranh và lòng thù hận. Bởi vì, dù là người Israel hay Palestine, bạn vẫn là những con người. Mà đã là những con người thì đều có mẫu số chung, đó là tình yêu, là ước mơ, là hoài bão, là những khát vọng, và cả những nỗi đau.

* Trong lịch sử giải Nobel văn chương, Israel cũng gặt hái được 1 giải thưởng (năm 1966) dành cho Shmuel Yosef Agnon và hiện tại cũng có một số nhà văn Israel là ứng viên trong cuộc đua Nobel năm tới. Song ở Việt Nam thì nền văn học Israel gần như chưa được biết đến...

- Riêng với tác phẩm của tôi, tôi sẵn sàng chuyển giao bản quyền miễn phí (cười).

* Vậy, cuốn tiểu thuyết đầu tiên ông muốn giới thiệu ở Việt Nam sẽ là...

- Vật tế thần hoặc Nhài. Nhưng có lẽ tôi sẽ chọn Nhài vì nó dễ đọc, dễ cảm hơn các cuốn khác. Nhài nói về tình yêu của một chàng trai Israel và một phụ nữ Ả Rập. Ban đầu họ là những kẻ thù không đội trời chung. Nhưng sau đó, họ đã "cảm hóa" nhau. Tình yêu đã giúp họ vượt qua mọi rào cản...

* Sử gia nổi tiếng Will Durant, từng nhận xét: dường như địa - lịch sử - chính trị càng khắc nghiệt thì tâm hồn con người càng bay bổng, càng đầy chất thơ.

- Đúng vậy! Thơ ca bây giờ vẫn rất được ưa chuộng ở Israel, đặc biệt là giới trẻ. Ở Israel, vai trò của nhà văn, nhà thơ rất quan trọng. Chúng tôi có những nhà lãnh đạo cũng là nhà văn, nhà thơ. Còn với bản thân tôi, ngoài văn chương và hoạt động chính trị, tôi rất thích nói chuyện và... ngắm phụ nữ !

* Cảm nhận của ông khi đặt chân đến Hà Nội để giao lưu văn chương (Eli Amir sẽ lưu lại đến hết ngày 29.11 - PV), nói một cách "không xã giao"?

- Tôi đã xem người Hà Nội ăn, ở, mặc thế nào. Tôi và ngài Đại sứ Israel đã vào một quán phở Hà Nội. Ở thủ đô của các bạn, dường như phở là món ăn sáng được ưa chuộng nhất. Israel là cộng đồng đa dân tộc, và bữa sáng của chúng tôi có đến 40 món súp khác nhau. Ở đây chỉ có duy nhất món phở vậy mà có cả trăm ngàn hương vị khác nhau. Điều này khiến tôi không khỏi có ý nghĩ: mỗi nhà văn nên là một người... nấu phở, vì vấn đề quan trọng là cách thức anh xào nấu, chứ không phải là việc anh cứ "nhai lại" một món.

"Tôi hy vọng chuyến thăm của nhà văn Israel Eli Amir sẽ mở ra một trang mới trong tiến trình giao lưu và hội nhập văn học Việt Nam với thế giới. Hội Nhà văn Việt Nam mong muốn ký kết văn bản hợp tác với Hội Nhà văn Israel, trong đó, ưu tiên hàng đầu sẽ là văn học dịch, vì chúng ta rất cần giới thiệu một cách bài bản những tác giả lớn của Israel ở Việt Nam".
Ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Y Nguyên (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.