Khi "anh cả" Úc bị chỉ trích

24/10/2006 23:46 GMT+7

Ngày 24/10, kỳ họp thứ 37 của Diễn đàn các quốc đảo vùng Nam Thái Bình Dương (PIF) đã khai mạc tại Nadi, Cộng hòa Fiji. Diễn đàn này gồm 16 đảo quốc nằm gần Nam Cực giữa Thái Bình Dương mênh mông, trong đó Úc là quốc gia rộng lớn nhất, hùng mạnh nhất. Trước khai mạc, đã có phản ứng giận dữ từ một số quốc gia thành viên giáng xuống người anh cả Úc. Thủ tướng Papua New Guinea M.Somare cho rằng Úc "ngạo mạn", xem thường các lãnh đạo trong vùng.

Số là hôm thứ sáu tuần trước, Lực lượng đặc nhiệm Úc hỗ trợ đảo quốc Solomon (RAMSI) đã lục soát văn phòng thủ tướng nước này, ngài M.Sogavare. Đây là một phần trong cuộc điều tra làm cách nào Julian Moti, một kẻ đang lẩn trốn lệnh dẫn độ về Úc, có thể đào tẩu từ Papua New Guinea sang Solomon.

Phiên khai mạc PIF tại Fiji sáng 24/10 thật nặng nề với mọi sự chú ý đầy khó chịu đổ dồn vào Úc. Thủ tướng Papua New Guinea cho rằng bản thân ông bị "xúc phạm" bởi lệnh cấm ông công du đến Úc chỉ vì câu chuyện của Moti. Nhiều quốc gia thành viên, kể cả chủ nhà Fiji, cũng cho rằng cuộc lục soát tại Solomon hẳn phải "nhận sự chỉ đạo từ Canberra", và lên án nó xâm phạm chủ quyền Solomon, vi phạm nghiêm trọng hiến chương Liên Hiệp Quốc. Những quốc gia này vì thế yêu cầu phải xem xét lại bản chất, quyền hạn và ranh giới của RAMSI, vốn nằm dưới sự điều khiển của Úc.

Trong khi đó, Thủ tướng Úc J.Howard nói rằng "điều đó thật nực cười". Ông nói trong một cuộc họp báo rằng việc lục soát là do cảnh sát Solomon điều khiển, rằng Úc nên được xem là một người bạn tốt khi đã đổ vào Solomon đến 800 triệu USD dưới nhiều hình thức khác nhau.

Bà Helen Clark, Thủ tướng New Zealand, với quan điểm "ôn hòa" hơn, cho rằng các quốc gia nên ủng hộ sự tồn tại của RAMSI, chủ đề chính trong nghị trình 2 ngày của PIF. Hãy chờ xem "anh cả" có hề hấn gì không, khi mà anh là nhà bảo trợ chính của RAMSI và là cũng là bầu sữa cho đàn em thuộc "gia đình" PIF.

Thục Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.