Phó thủ tướng Vũ Khoan: Đục khoét lớn nhất là đục khoét vốn đầu tư xây dựng

19/10/2005 00:13 GMT+7

Trong giờ nghỉ giải lao, Phó thủ tướng Vũ Khoan đã dành thời gian trả lời phóng viên Báo Thanh Niên về một số vấn đề được nêu trong báo cáo của Chính phủ trước QH...

* Xác định 2006 sẽ là năm quyết liệt chống "đục khoét" ngân sách, tài sản công, Chính phủ đã có những kế hoạch hành động cụ thể như thế nào để thực hiện được điều này, thưa Phó thủ tướng?

- Phó thủ tướng Vũ Khoan: Tình trạng đục khoét ngân sách là nghiêm trọng và Chính phủ rất quan tâm. Nếu nói về lãng phí thì đây chính là lãng phí lớn nhất chứ không phải chuyện dùng xe, dùng điện thoại di động đâu... cho dù đây cũng là những khâu còn phải chấn chỉnh. Cái đục khoét lớn nhất chính là đục khoét về đầu tư xây dựng cơ bản. Dự án Luật Đấu thầu mà Chính phủ trình ra để QH thông qua lần này cũng là một biện pháp rất quan trọng để chống tiêu cực trong xây dựng cơ bản. Thứ hai là phải nâng cao trách nhiệm quyết định đầu tư. Một chương trong báo cáo đã được dành để nói về trách nhiệm của người quyết định đầu tư; về việc rà soát lại toàn bộ khâu thực hiện xem đâu là chỗ sai sót. Thứ ba là xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư như thế nào vì đây cũng là khâu yếu. Thứ tư là tăng cường khâu giám sát để người dân, báo chí, các đoàn thể... theo dõi. Năm 2006, Chính phủ sẽ kiểm tra những dự án cụ thể, chọn những công trình trọng điểm rồi báo cáo trước QH.

* Chính phủ tuyên bố sẽ hạn chế các biện pháp can thiệp hành chính về giá cả... trong năm tới. Trong khi đó, hiện nay, các ngành điện, than... đều chuẩn bị cho việc tăng giá. Các ngành khác như giáo dục cũng chuẩn bị đề án tăng học phí, ngành y tế tăng viện phí... Như vậy mức độ tăng giá cả năm tới sẽ là rất đáng lo ngại?

- Phó thủ tướng Vũ Khoan: Chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường lâu rồi, mà một trong những nguyên tắc quan trọng là phải để cho cung-cầu quyết định chứ không phải do con người, cơ chế hành chính can thiệp vào. Nhưng nước ta là một nước chậm phát triển, mới chuyển từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường thì cũng phải đi dần dần. Như xăng dầu chẳng hạn, lúc đầu chúng ta bao cấp rất lớn, nhưng từ năm ngoái đã giảm bớt, đồng thời thực hiện giảm thuế để cho đỡ "sốc". Từ 2 năm nay chúng ta đã đưa giá xăng lên gần mặt bằng giá thế giới. Tương tự như điện, chúng ta cũng không thể tăng giá một sớm một chiều được mà Chính phủ cũng phải "nín nhịn", "nín thở" để kiềm chế việc tăng giá. Nhưng đến hôm nay, như Thủ tướng báo cáo thì thiếu điện là một nguy cơ rồi, cho nên, phải đặt ra vấn đề là chấp nhận giá điện gần với thị trường hơn hay là thiếu điện hơn? Phải chọn một cái thôi. Không thể bảo ngành điện vừa phải đảm bảo đủ điện trong khi lại không có vốn, phải bù lỗ. Cho nên, Chính phủ giao cho họ phải có lộ trình. Và Chính phủ duyệt chứ không thể thả nổi ngay. Nói là không can thiệp nhưng phải tính toán và có bước đi phù hợp.

* Thưa Phó thủ tướng, mức tăng lương, phụ cấp... trong 2 năm qua cũng không thể theo kịp những biến động giá cả này?

- Phó thủ tướng Vũ Khoan: Ta đang giải quyết lương trong thời điểm không thuận lắm, trong bối cảnh giá thế giới biến động lớn và ta cũng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới. Tình hình nhập siêu cho thấy rất rõ: nhập của ta chiếm hơn một nửa GDP. Khi ta tăng lương, giá bên ngoài thị trường lại tăng vống lên, rất đột xuất và không ai có thể dự báo được, làm cho tác dụng của việc tăng lương bị hạn chế đi. Bây giờ, ta phải giải quyết bằng nhiều biện pháp như đẩy mạnh sản xuất một số mặt hàng trong nước để đỡ nhập siêu đi, để đời sống người làm công ăn lương đỡ hơn. Vừa rồi ta cũng đã đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương rồi nhưng bảo lại cứ rót ngân sách ra nữa làm lạm phát cao hơn thì cũng không được. Cho nên cũng phải có lộ trình.

* Hiện nay, một trong những khó khăn để tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế là chúng ta đang trong tình trạng thiếu vốn. Chính phủ đã có kế hoạch về phát hành trái phiếu Chính phủ ra nước ngoài?

- Phó thủ tướng Vũ Khoan: Về thời điểm, chủ quan mà nói là chúng ta đang thiếu vốn mà huy động trong nước cũng có hạn thôi. Trái phiếu Chính phủ trong nước cũng đã phát hành 2 lần rồi, lại còn trái phiếu công trình, trái phiếu của địa phương nữa. Một số ngành đang rất cần có tiền như điện, nếu không phát hành thì không có tiền đâu xây dựng nhà máy mới. Còn khách quan thì các tổ chức quốc tế đã xếp hạng độ tín nhiệm của Việt Nam vào loại B, tức là cao hơn trước. Do đó, điều kiện đã cho phép ta làm từng bước chuyện này. Trước mắt có thể chọn các ngành như đóng tàu, điện... đủ khả năng trả nợ được. Như Vinashin (Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy) đã có đơn đặt hàng đến năm 2012 rồi, khả năng trả nợ rất rõ ràng. Chính phủ sẽ đứng ra lấy uy tín đảm bảo. Nước ngoài cũng thăm dò từ lâu và thái độ của họ hiện nay rất thuận lợi. Đây là lúc chín muồi rồi, tôi nghĩ chắc là khoảng 1 tháng nữa là ta phát hành được. Đã có quyết định rồi, chỉ còn thủ tục hành chính nữa thôi.

Mạnh Quân
(thực hiện)

Do phải ưu tiên đăng một số tin, bài thời sự, loạt bài “Tuyên chiến với lãng phí” xin tạm gác 1 kỳ. Mong bạn đọc thông cảm. THANH NIÊN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.