Đội nhạc Vân Kiều

04/11/2011 08:47 GMT+7

Đến bản Khe Dây (xã Trường Xuân, H.Quảng Ninh, Quảng Bình), bạn sẽ được thưởng thức những điệu nhạc mê đắm do đội nhạc của đồng bào Vân Kiều trình bày.

Thời gian qua, nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình bị mai một dần. Các bản làng không còn nhiều những nhạc cụ, lời ca truyền thống. Xã Trường Xuân cũng nằm trong tình trạng chung đó. Khi Quỹ hỗ trợ văn hóa vùng và dân tộc ít người tài trợ thực hiện dự án Tổ chức mở lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ phục vụ lễ, hội cho đồng bào Bru-Vân Kiều, bà con rất phấn khởi, ngày nào cũng như ngày hội. Nhà của bác Hồ Lịch luôn nhộn nhịp, bà con người thì đến tập, người đến xem. Có cụ đã 83 tuổi rồi mà vẫn đều đặn đến lớp.

 
Đội nhạc bản Khe Dây - Ảnh: T.Q.N

Việc khó nhất là làm những loại nhạc cụ, trong đó, đàn tính tùng rất khó làm; đây là loại đàn chủ lực trong ban nhạc. Để làm đàn, các anh Hồ Vê, Hồ Trung phải lặn lội trong rừng sâu mất mấy ngày trời, tìm cho được loại cây trai hay cây mò cua về mới đục đẽo thành thân đàn. Riêng dây đàn thì các anh tận dụng một sợi nhỏ trong dây phanh của xe đạp. Đàn có 3 dây và 5 cung, khi đánh, tiếng đàn thánh thót rất thanh. Một loại nhạc cụ khác cũng được làm rất cầu kỳ là pờ lựa. Hồ Vê giải thích với chúng tôi: “Pờ lựa làm bằng cây lồ ô tốt, ống dài gần 3 gang tay và rỗng, một đầu được gắn thêm 2 thanh tre xuyên qua ống, sau đó nối 2 dây phanh thành dây đàn. Một cái quan trọng nữa là mò tọt (dây kéo), nó làm bằng mặt ngoài của thân cây đương, vót thật mỏng”. Có thể hình dung, pờ lựa giống như đàn violon.

Mỗi khi có hội diễn văn nghệ ở trung tâm xã, đông đảo bà con Vân Kiều sinh sống ở các bản Khe Dây, Khe Ngang, Lâm Ninh, Hang Chuồn, Nà Lâm ăn cơm thật sớm, cắt rừng ra dự hội. Các bạn trẻ đi sớm nhất, mới hơn 4 giờ chiều đã có mặt với những bộ áo quần, váy sạch đẹp. Hồ Đức ở bản Khe Ngang nói trong vui sướng: “Em ra đây từ lúc 3 giờ chiều, em và các bạn trong bản chờ hội lâu lắm rồi. Sau này về em cũng sẽ làm đàn, học hát như các bạn ở Khe Dây”.

“Việc tạo được niềm say mê, hứng thú học nhạc của những người trẻ là điều mãn nguyện của người tổ chức. Rồi đây, những nét sinh hoạt văn hóa quý giá của đồng bào không những không bị mất đi mà dần được phục hồi” - một cán bộ ngành văn hóa tỉnh nhận xét. Hồ Văn Thiệt cũng mong muốn như vậy: “Em hứa sẽ phát huy tốt hơn nữa giá trị truyền thống của những nhạc cụ đồng bào Vân Kiều. Sau này đội nhạc sẽ nhân rộng mô hình này cho bà con các bản khác trên địa bàn xã”.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.