Mưu sinh cả đêm vì ước mơ 'có tiền về quê đón tết'

Thanh Nam
Thanh Nam
27/01/2024 06:00 GMT+7

Hằng đêm, cả trăm người bốc xếp dạo căng mắt mưu sinh ở chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP.HCM). Họ vẫn chấp nhận "đổ mồ hôi sôi nước mắt" vì muốn tích góp để mong tết này được về quê với gia đình.

THA HƯƠNG LẠC XỨ

Những ngày cận tết, tôi đến chợ đầu mối Bình Điền, nơi được xem là "chốn không ngủ" giữa lòng thành phố. Chợ náo nhiệt, tấp nập với cảnh kẻ bán, người mua ồn ã và cả những thân phận "cập bến" chốn này tìm kế sinh nhai.

"Rất nhiều người ở đây là dân tha hương lạc xứ. Người ở tận Sơn La, Thanh Hóa. Người ở tít dưới Hậu Giang, Cà Mau. Người miền Tây, miền Trung… đủ cả. Rồi về đây bốc xếp kiếm tiền", Nguyễn Trầm (28 tuổi, quê ở H.Thạch Thành, Thanh Hóa), kể.

Mưu sinh cả đêm vì ước mơ 'có tiền về quê đón tết'- Ảnh 1.

Nhiều người trẻ làm nghề bốc xếp tại chợ đầu mối Bình Điền

Thanh Nam

Nhóm của Trầm có 7 người. Tuy khác nhau về quê quán, tuổi tác nhưng có chung tình cảnh khó khăn. Họ cùng nhau thuê một phòng trọ trên đường Dương Đình Cúc, H.Bình Chánh. Và từ ngày này sang tháng nọ, họ mưu sinh bằng cách bốc xếp hàng hóa cho các chủ sạp.

"Cứ nhìn ai áo ướt thì no mà áo khô thì đói. Áo ướt vì đã được kéo hàng, có tiền công. Còn áo khô là do mỏi mòn đợi chờ dài cổ mà chưa chủ sạp nào sai việc", Đỗ Nhật Phúc (29 tuổi, quê ở H.Minh Hóa, Quảng Bình), nói.

Tôi thắc mắc vì sao đã gần tết, lượng hàng hóa "đổ" về chợ nhiều, lẽ ra nhu cầu bốc xếp hàng rất lớn, mà lại ế ẩm?, Phúc trầm ngâm: "Vì đội quân bốc xếp dạo quá đông. Ở mỗi nhà lồng đều có cả trăm người mưu sinh bằng cái nghề này. Nên không phải ai cũng may mắn có việc làm liên tục".

Tìm đến nhà lồng H (nơi mua bán thịt súc sản, gia cầm, nông sản…), tôi lại bắt gặp hình ảnh những người trẻ đẩy xe khuân hàng nguyên đêm. Họ kéo cả trăm ký hàng hóa, hộc tốc miệt mài xuôi ngược khắp các lối đi ở chợ.

"Nghề này khổ lắm anh ơi. Có đêm kiếm được vài trăm ngàn đồng. Nhưng cũng có đêm, tiền công không đủ mua cái bánh bao, gói thuốc lá. Nên nhiều khi tôi chỉ mong... đêm nào cũng mệt thở không nổi. Vì như thế mới có tiền", Huỳnh Văn Công (35 tuổi, quê ở H.Bảo Thắng, Lào Cai), bộc bạch.

Khi tôi hỏi: "Khổ mà vẫn đeo đuổi, sao không tìm công việc khác nhẹ nhàng hơn?". Văn Công cười và nói: "Không có học vấn, chẳng bằng cấp, quen công việc tay chân từ nhỏ nên cứ làm nghề này".

Đinh Hồng Công (28 tuổi, quê ở H.Phú Tân, Cà Mau) ngồi gần đó nói chen vào: "Chắc nghề chọn người. Như tôi, làm từ năm 17 tuổi. Nhiều lần thấy khổ, mệt quá, tiền công lại ít, muốn bỏ để tìm một công việc khác. Nhưng rồi chẳng biết làm gì. Đến nay cũng bốc xếp được hơn chục năm ở chợ này".

VÌ MỘT ƯỚC MƠ

Len lỏi vào những lối đi chật như nêm ở khắp các nhà lồng B (nơi mua bán rau củ quả, nấm, gia vị…), T (ngành hàng trái cây), F (ngành hàng thủy sản)… tôi được gặp và chuyện trò với hàng chục người trẻ trong đội quân bốc xếp dạo. Dù nam hay nữ, dù ở độ tuổi nào thì mỗi người đều bị đè nặng trên vai nỗi lo cơm áo gạo tiền. Có người lo tiền đâu mua sữa cho con. Có người nghĩ đến tiền đóng trọ cuối tháng. Có người cảm thấy ngột ngạt vì chưa có tiền khi nghe người thân bệnh ở quê. Họ cứ thấp thỏm trong cả mớ hỗn độn, canh cánh với bao nỗi lo bủa vây.

Mưu sinh cả đêm vì ước mơ 'có tiền về quê đón tết'- Ảnh 2.

Những người bốc xếp mong đêm nào cũng có việc làm, chứ không phải ngồi “bó gối”

Và nghe họ "dốc bầu tâm sự", mới hiểu thêm về những khổ ải trần ai, chát cay mặn đắng của cái nghề này. Mỗi đêm làm việc, ngoài mong mỏi được thường xuyên nghe những tiếng sai gọi của các chủ sạp, họ còn "ước gì không gặp tai nạn".

Công kể chuyện bị hàng hóa đổ đè lên người diễn ra thường xuyên như cơm bữa. Nhẹ thì chỉ xây xát, xước da. Nặng thì có khi phải đi cấp cứu. Mà lỡ xui rủi vậy, thì cuộc sống nghèo khó lại càng thêm éo le, vốn dĩ đã lao đao lại càng thêm khốn đốn.

"Nhưng thôi kệ, cứ làm. Tuy thu nhập thấp, còn bị hạch sách thường xuyên, nhưng nhờ công sức bỏ ra mà mình kiếm được những đồng tiền sạch. Công việc này dù khổ nhưng lương thiện. Cứ cố gắng, chỉ mong sao mỗi đêm làm việc đều bình an", Công trải lòng.

Bên cạnh đó, sở dĩ ai cũng chấp nhận cảnh lầm lũi hằng đêm làm việc trong lao nhọc, bám trụ chợ này để nỗ lực mưu sinh dù tiền công rẻ mạt, là bởi ước mơ có thể tích góp "chút đỉnh" mà về quê đón tết.

Kể với tôi, có người cho biết đã 4 năm chẳng về quê. Có người đếm ngón tay rồi bảo đã gần chục năm không biết "mùi" tết ở nơi chôn nhau cắt rốn. Họ kể chỉ có thể nhìn người thân qua màn hình điện thoại trong những cuộc gọi. Họ đã từng nhiều năm liền phải ở lại xứ người, sống trong những ngày tết với nỗi chạnh lòng và nhớ nhà da diết. Và rồi, khi thấy cảnh hàng hóa cho dịp tết ngập tràn không gian chợ, hay đường sá đã chộn rộn với những sắc xuân le lói, họ… thèm tết này được về quê.

"Nhắc thì buồn. Nhưng cũng đã 5 năm chưa về quê đón tết với cha, mẹ. Làm ăn mãi trầy trật nên tôi cứ hứa. Cuộc sống không như tôi mong nên lời hứa ấy cứ mãi kéo dài. Nhưng tết này chắc chắn sẽ về", Nguyễn Ngọc Phúc (33 tuổi, quê ở H.Trà Bồng, Quảng Ngãi), chia sẻ. Lê Minh Hải (27 tuổi, quê ở H.Giang Thành, Kiên Giang) cũng tâm sự: "Tôi cũng nhớ nhà. Cố gắng làm tới 29 tháng chạp rồi ra bến xe về quê".

Cũng có một số người thì thủ thỉ nghẹn ngào "ừ thì về". Nhưng tôi nhận ra, có sự ngập ngừng, chần chừ khi họ nói như vậy. Vì đơn giản, họ chẳng thể nào trả lời cho câu hỏi: Tiền đâu mà về?

Thoáng chút buồn khi tua lại thời gian của những năm trước, họ lại nghĩ về tết này. Có lẽ chữ "tết" dường như muốn giục bước đôi chân họ về nhà. Nên những đôi mắt lại hướng về khắp các nhà lồng. Họ ngóng trông những lời sai gọi từ các chủ sạp. Có người nhẩm tính còn chưa đầy 20 ngày nữa là tết, rồi cầu mong đêm nay kiếm được vài trăm ngàn đồng, hôm sau và những ngày tiếp theo cũng vậy.

Sau một đêm dài đằng đẵng, chứng kiến cảnh bao người phải căng mắt, gồng mình mưu sinh, tôi cũng có một mong ước. Là những phận đời bốc xếp, kéo xe, khuân hàng này chắt chiu đủ tiền để về quê đón tết cùng người thân.

Tình người trong khó khăn

Qua những lời tỉ tê, tâm sự, tôi nhận ra một điều là dẫu ai cũng bị những vất vả, khó khăn, thiếu thốn túc trực vây quanh, nhưng họ dựa nhau mà sống. Lê Minh Hải (27 tuổi, quê ở H.Giang Thành, Kiên Giang) kể có những ngày phải liên tục "kéo xe không" đi vòng vòng quanh chợ. Dẫu gặp chủ sạp nào cũng hỏi có cần bốc xếp hàng hóa hay không nhưng đều nhận lại cái lắc đầu. "Thấy tôi buồn vì cả đêm chưa nhận được "cuốc" nào, mấy anh em khi được sai việc đã nhường tôi", Hải kể. Cũng có những chuyện, dù tiền công mỗi đêm xuôi ngược đẩy xe chỉ "ba cọc ba đồng" rất bèo bọt, vậy mà hễ thấy có trường hợp chẳng may gặp sự cố khi làm việc, là chẳng ai bảo ai, cùng nhau quyên góp, hùn hạp tiền để lo cho người bị nạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.