Mưu sinh trên 'ốc đảo 3 không'

01/05/2017 14:00 GMT+7

Chỉ cách trung tâm TP.Long Xuyên (An Giang) chừng 500 m nhưng cồn Phó Ba (thuộc ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng) được ví như một ' ốc đảo ', nằm lọt thỏm giữa dòng sông Hậu.

Không đường, trường, trạm
Từ TP.Long Xuyên, chúng tôi di chuyển bằng xuồng máy đến cồn Phó Ba, nơi được mệnh danh là “ốc đảo 3 không” - không đường đi lại, không trường trung học cơ sở, không trạm y tế. Mặt trời đứng bóng, những căn nhà lụp xụp nằm san sát giữa bốn bề nước mênh mông trông càng nhỏ bé hơn. Ông Nguyễn Văn Bộ, người gắn bó cả cuộc đời với cồn Phó Ba, cho biết: “Cồn Phó Ba ngày xưa rộng lớn, nhà cửa thưa thớt chứ không chật chội như bây giờ. Do sạt lở lâu ngày nên diện tích cồn bị thu hẹp dần, trong khi cư dân ngày càng đông đúc hơn”.
Đến cồn Phó Ba trò chuyện cùng người dân mới thấu hiểu được những khó khăn mà họ phải gánh chịu. Chị Ngô Thị Ngọc My (32 tuổi) nói vui: “Ai ở xa tới cồn cũng thấy lạ vì cả ngày không nghe tiếng xe gắn máy. Bên này mà sắm xe thì chỉ có chạy... dưới nước. Hầu hết người dân đều đi bộ, chỉ một vài người đi xe đạp vì đường nhỏ hẹp quá. Người có điều kiện mua xe gắn máy cũng phải gởi bên kia sông”. Tuy nhiên, điều làm người dân nơi đây lo lắng nhất chính là cơ sở khám chữa bệnh. “Mỗi lần người già, trẻ nhỏ bị bệnh là chúng tôi đâm lo vì muốn đến bệnh viện phải qua sông. Mong muốn lớn nhất của người dân là trên cồn có trạm y tế để bà con có điều kiện chăm sóc sức khỏe kịp thời”, chị My chia sẻ.
Hiện cồn Phó Ba chỉ có điểm lẻ của trường tiểu học với một vài lớp học. Học hết cấp 1, muốn học lên lớp cao hơn, các em học sinh phải đi đò qua bờ Long Xuyên, mỗi chuyến trả 3.000 đồng và tiếp tục đi bộ mấy cây số mới đến trường. Gia đình nào có điều kiện thì sắm xe đạp cho con nhưng phải gởi bên kia sông, tốn thêm 60.000 đồng/tháng. Cuộc sống quá khó khăn nên nhiều đứa trẻ trên cồn phải nghỉ học giữa chừng.
Bấp bênh nghề thợ lặn
Người dân ở cồn Phó Ba chủ yếu kiếm sống bằng nghề thợ lặn và chài lưới. Anh Trần Văn Hết (32 tuổi) cho biết anh bắt đầu lặn tìm phế liệu từ năm 15 tuổi. Nghề thợ lặn ở xứ này chỉ cần có máy tạo hơi, ống dài để thở kèm dây xích quấn quanh người. Con sông này nước chảy xiết khá nguy hiểm, muốn lặn sâu phải có sức khỏe tốt mới chịu được sức ép của nước. “Chọn nghề thợ lặn đa phần là người nghèo, cận nghèo bởi làm ngày nào là ăn hết ngày đó. Nếu ngày nào không đi lặn coi như... đói”, anh Hết chia sẻ.
Cực khổ là vậy nhưng ở cồn Phó Ba có rất nhiều gia đình làm nghề thợ lặn theo nghiệp cha truyền con nối. Như gia đình ông Lâm Văn Thanh có 3 đời theo nghề, cha ông năm nay đã 75 tuổi nhưng thỉnh thoảng vẫn tham gia đội lặn; con trai ông, Lâm Văn Nhi (23 tuổi) cũng nối bước ông, cha. “Lặn vớt ghe tàu chìm vô cùng vất vả vì phải xuống độ sâu 20 - 30 m mà đồ nghề chỉ có mỗi ống dây và chiếc máy tạo hơi”, ông Thanh nói. Theo ông, người thợ lặn gặp rất nhiều rủi ro như: ống hơi nổ bắn vào mắt, sức ép của nước khiến thủng màng nhĩ, lặn lâu làm mắt bị mờ, không xử lý kịp thời khi gặp sự cố... dẫn đến mất mạng như chơi. Có hôm sơ ý, dây hơi bị tuột ra, nếu không nổi lên kịp sẽ rất nguy hiểm. Rất nhiều trường hợp ở “ốc đảo” này bị tai biến do làm nghề lặn.
Ông Nguyễn Sĩ Trung, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, cho biết: “Ấp Mỹ Thạnh có 303 hộ, với 1.114 nhân khẩu; trong đó có 20 hộ nghèo, 51 hộ cận nghèo. Mỗi năm ấp chỉ có khoảng 20 học sinh học hết lớp 5 chuyển qua Long Xuyên học. Hiện trên cồn có 30 hộ kiếm sống bằng nghề đưa đò. Đối với việc sơ cấp cứu, địa phương có phân công tổ y tế túc trực tại cồn. Riêng việc đi lại, chính quyền đang vận động người dân hiến đất để sớm triển khai con đường rộng 2,5 - 3 m chạy quanh cồn”.

tin liên quan

Thoát nghèo nhờ nuôi vịt trời
Gần 2 năm qua nhờ 'bén duyên' với vịt trời, gia đình bà Nguyễn Thị Hai (TP.Cần Thơ) đã có cuộc sống ổn định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.