Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay tới gần Israel; Hội đồng Bảo an họp khẩn

09/10/2023 07:21 GMT+7

Mỹ đã bắt đầu triển khai nhiều tàu và máy bay quân sự đến gần Israel hơn để thể hiện sự ủng hộ với nước này sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas.

Theo thông cáo của Bộ tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ (USCENTCOM) ngày 8.10, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã bắt đầu di chuyển đến khu vực phía đông Địa Trung Hải. Nhóm này bao gồm tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78), tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Normandy (CG 60), cũng như 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Thomas Hudner (DDG 116) ), USS Ramage (DDG 61), USS Carney (DDG 64) và USS Roosevelt (DDG 80).

Huyền thoại quân sự Israel vì sao bị Hamas gây choáng váng?

USCENTCOM cũng bổ sung các phi đội máy bay chiến đấu F-15, F-16 và A-10 của không quân Mỹ tại khu vực. "USCENTCOM sát cánh chặt chẽ với Israel và các đối tác khu vực của chúng tôi để ứng phó với rủi ro từ bất kỳ bên nào đang tìm cách mở rộng xung đột", tướng Michael “Erik” Kurilla, người đứng đầu USCENTCOM, cho biết trong thông cáo được đăng trên website.

Mỹ đưa tàu, máy bay quân sự tới gần Israel giữa nguy cơ chiến tranh - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford

HẢI QUÂN MỸ

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày thông báo với Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng viện trợ bổ sung của Mỹ cho Lực lượng Phòng vệ Israel đang được chuyển tới Israel và sẽ có thêm nhiều viện trợ khác trong những ngày tới, theo thông cáo của Nhà Trắng về cuộc điện đàm giữa 2 vị lãnh đạo. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Israel Isaac Herzog.

Trong một tuyên bố sau đó, Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ LLoyd Austin đã điện đàm với với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant để cập nhật cho ông về phản ứng của Mỹ và "bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Israel cũng như nhận thông tin cập nhật về hoạt động của Israel nhằm khôi phục an ninh và an toàn sau cuộc tấn công khủng bố của Hamas".

Xung đột Israel-Hamas: Số người chết vượt 1.100

"Bộ trưởng tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với quyền tự vệ của Israel", Lầu Năm Góc cho hay. Theo tuyên bố, ông Austin nhấn mạnh rằng các bước đi của Mỹ “được thực hiện để củng cố tư thế quân sự của Mỹ tại khu vực qua đó tăng cường các nỗ lực răn đe".

Hamas, tổ chức chính trị - quân sự của người Palestine, đã tràn vào các thị trấn của Israel từ Gaza hôm 7.10, bắt cóc con tin cũng như tiến hành vụ tấn công đẫm máu nhất trong nhiều thập niên. Israel đã đáp trả bằng các cuộc không kích vào Gaza hôm 8.10, với hơn 1.100 người được cho là đã thiệt mạng ở cả hai bên. 

CNN ngày 8.10 đưa tin ít nhất 3 người Mỹ nằm trong số những người thiệt mạng ở Israel vì cuộc tấn công của Hamas, lực lượng mà Washington coi là tổ chức khủng bố.

Theo Reuters, hàng chục người biểu tình ủng hộ Palestine đã tập trung tại quảng trường Thời đại ở thành phố New York và gần Nhà Trắng ở Washington DC hôm 8.10 để bày tỏ sự phản đối việc Mỹ ủng hộ Israel.

Iran dành nhiều tuần hỗ trợ Hamas lên kế hoạch tấn công Israel?

Một số người biểu tình mang theo các biểu ngữ có nội dung "Chấm dứt viện trợ của Mỹ" và "Phản kháng không phải là khủng bố". Thống đốc New York Kathy Hochul hôm 7.10 đã lên án kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình như vậy.

Một số hãng hàng không quốc tế hôm 8.10 cho biết họ đã đình chỉ các chuyến bay thẳng đến Tel Aviv, bao gồm 3 hãng hàng không Mỹ United Airlines, Delta Air Lines và American Airlines cũng như hãng Air France của Pháp.

AFP dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết, trong một cuộc họp khẩn hôm 8.10, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không xem xét bất kỳ tuyên bố chung nào, chưa nói đến một nghị quyết mang tính ràng buộc. Trong khi Mỹ kêu gọi lên án mạnh mẽ Hamas, nhóm thành viên do Nga dẫn đầu hy vọng các cuộc thảo luận tập trung vào những vấn đề quan trọng khác ngoài chuyện này.

Đức đã tranh luận về việc liệu nước này có nên ngừng viện trợ cho người Palestine sau cuộc tấn công của Hamas hay không. Một số nhà lập pháp Đức, đặc biệt là phe bảo thủ đối lập, đã kêu gọi chấm dứt viện trợ. Song sự phản đối đến từ đảng Cánh tả cũng thuộc đối lập và đảng Xanh, đối tác trong chính phủ liên minh.

Pháp cũng có động thái tương tự. Chính phủ Pháp cho hay một công dân nước này đã thiệt mạng tại Israel do xung đột. Trong khi đó, Anh báo cáo một công dân thiệt mạng và một người khác mất tích. Mexico cũng cho biết hai công dân nước này có khả năng đã bị Hamas bắt cóc trong cuộc tấn công ngày 7.10.

Các quốc gia cũng đã bắt đầu nỗ lực đưa công dân ở Israel về nước. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nước này sẽ điều máy bay quân sự để sơ tán công dân của họ khỏi Israel. Tại Athens, Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết họ đang nỗ lực hồi hương 149 khách du lịch Hy Lạp từ Israel và 81 người trong số họ dự kiến sẽ trở về vào cuối ngày 8.10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.