Nam kỳ ngao du: Xứ sở nước mắm Phan Thiết

07/09/2022 07:12 GMT+7

Chúng tôi đi qua những cây cầu gỗ nhỏ ghép từ những tấm ván hẹp băng qua sông. Và đây, giữa ngọn núi voi và biển, là Phan Thiết cùng mùi hương nước mắm. Một bản nhạc lạ lùng - gồm cồng chiêng, đàn dây và kèn sáo - rít và đập, nghe cao vút và chát chúa. Đó là một buổi diễn kịch An Nam.

Phan Thiết và mùi nước mắm, Phan Thiết và biển Đông, làng quê Trung kỳ và những ngọn núi hình kim tự tháp tuyệt đẹp. Không còn là khúc sông hôi thối của Sài Gòn nữa. Nhiệt độ cũng không sục sôi bằng. Trước khi vào thành phố có một khu vực đẹp tuyệt của những ngôi mộ nằm trên cát. Cát gợn sóng trải dài hút mắt. Những ngôi mộ cũ bị xói mòn nằm rải rác đây đó. Chỉ có cát nhấp nhô và những tảng đá cũ kỹ thuôn dài nhô lên. Không đối xứng cũng chẳng theo hàng lối. Một vài ngôi mộ nằm đó, chấm hết. Dưới bầu trời này, không có gì phá vỡ được sự trần trụi của cát và sự trần trụi của đá. Ở đây không một thứ gì gợi lên buồn đau tang tóc, theo nghĩa Âu châu. Đây không phải là nghĩa địa người chết. Khắp nơi ở vùng thôn quê cũng có những ngôi mộ rải rác. Người ta không che giấu người chết. Người ta không trốn tránh người chết. Họ sống cùng người đã chết. Họ hiện diện trong mái ấm gia đình.

Ruộng muối ở Duồng (nay thuộc H.Tuy Phong, Bình Thuận), gần Phan Rí, qua ống kính André Salles năm 1898

THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Trên kinh, những chiếc thuyền có mái che, những chiếc thuyền-lưu động tạo nên một góc thành phố ven sông. Và bấy giờ là giờ họp chợ. Những cô bán hàng đội nón như cái chụp đèn, ngồi xổm trên đất. Ấm trà màu trắng và ấm trà màu lam, ấm đất không tráng men để đun nước sôi với cái vòi và tay cầm song song nhau, đồ gốm màu đen nung dở, một màu đen tuyệt đẹp hoặc lấp lánh ánh vàng, là báu vật cho những ai ưa thích vẻ lộng lẫy của những chiếc bình thô mộc, đồ trang sức bằng đồng và thủy tinh dành cho người Mọi, cá khô, cau và lá trầu, bưởi, cam to tròn và những món đồ chơi trẻ con bằng bột nặn thành hình hài thú vật hoặc hoa trái.

Trong một gian nhà, một nhạc công đang đệm đàn cho ca sĩ. Tôi lắng nghe. Họ mời tôi vào. Tôi bước vào. Tôi ngồi một chỗ. Họ tiếp tục bài hát giản dị, đanh thô của họ cho tôi nghe. Ai lại hát thế này vào buổi sáng? Đó là một người bán tạp phẩm và một người bạn của anh ta. Cửa tiệm ở ngay bên cạnh. Tôi thường đi ngang những cửa hàng Félix Potin và Damoy. Ở đó không có ai hát hò. Không có ai mời tôi bước vào, để nghỉ ngơi hay để vui vẻ chốc lát, vì đơn giản tôi chỉ là một người đi qua.

Tôi trở về nhà anh M. [cựu trung úy bộ binh thuộc địa, bạn của Léon Werth, đưa nhà văn từ Sài Gòn đi Phan Thiết trên chiếc xe Studebacker] một lát. Vợ anh cho phép tôi đi dạo với Boubou. Và Boubou rất ưng thuận. Boubou là một chú khỉ con. Tôi và Boubou đi dạo trên bờ biển Đông. Gió biển mát rượi. Đằng xa vách núi ánh lên màu hồng và cây cối nổi bật trên nền trời. Những con chó khó hiểu điên cuồng sủa về phía chúng tôi. Tiếng sủa kích động Boubou. Nhưng nó thản nhiên. Lũ chó cũng bình tĩnh lại. Tôi nằm dài xuống cát. Boubou chơi đùa với một con chó cái và thỉnh thoảng nép vào tay tôi.

Trên đường cái quan đến xứ sở nước mắm, gần Phan Rí, một viên quan địa phương qua ống kính André Salles năm 1898

Phía sau bãi biển, trên cồn cao một chút có vài cái nhà của dân chài. Tôi và Boubou đi về phía những căn nhà đó. Tụi nhỏ và những bà răng đen láy vây quanh chúng tôi. Họ hỏi tôi Boubou có cắn không và tôi nói rằng không. Cho đến hôm nay, đã rất nhiều tháng sau khi những sự kiện ấy xảy ra, tôi mới tự nhủ họ đã dùng ngôn ngữ nào để hỏi, và tôi đã dùng ngôn ngữ nào để đáp… Còn ngay lúc đó tôi không rút ra được bài học nào từ trải nghiệm này. Tôi không biết làm thế nào lại kết luận rằng ngôn ngữ đơn âm tiết là vô dụng. Tôi tin trong mơ người ta có thể ảo tưởng về những thấu hiểu tức thì này.

Và tôi chắc chắn rằng khi còn là đứa trẻ, tôi đã từng mơ được đi dạo trên bờ biển Đông với một chú khỉ.

M. đang rong ruổi trên đường. Tôi ăn trưa với vợ anh và hai thằng bồi. Hai đứa nó ngồi xổm trên ghế đẩu làm bằng ba tấm ván. Chúng cầm đũa mà như chơi trò tung hứng. Chúng tôi ăn món cơm là chính, kèm với hàng tỉ thứ gia vị lạ lùng, ớt chuông, dưa chuột và trăm thứ khác tôi không biết tên. Người ta chấm thức ăn vào nước mắm, thứ tinh chất của cá biển ép ra, nước mắm là linh hồn của cá, là căn cốt của biển. Chúng tôi ăn súp bí ngòi, rau trộn thịt xông khói và thịt cua, xúc xích gói trong lá tươi trông như những miếng mứt mộc qua vuông vắn.

Ẩm thực An Nam chủ yếu là đồ đồng và đồ biển. Nếu như người Anh phải vật vã để chế ra nước sốt thì người An Nam lại làm ra nó một cách tinh tế. Không như bữa ăn Âu châu, bữa ăn An Nam không phải là một quá trình quy củ. Với cơm làm món chính, mỗi người tự thêm vào những thức ăn mà họ thích. Bạn tùy ý chọn giữa chả cua hay thịt nai một nắng. Mọi món ăn được xắt thành miếng nhỏ như miếng kẹo. Tất cả bày biện trước mắt bạn, riêng rẽ từng món một. Dùng hay tránh là tùy ý bạn. (còn tiếp)

Nam kỳ ngao du

Sài Gòn, những hình ảnh đầu tiên

Cuộc sống thường nhật của người bản xứ

Ấn tượng Nguyễn An Ninh

Kiều dân và người bản xứ

Người Âu châu tại thuộc địa Sài Gòn

Cảm giác kỳ lạ và đời thường của chợ Sài Gòn

Một chút Âu châu trong lòng Sài Gòn

Phố Paris giữa Chợ Lớn

Ăn chơi ở Chợ Lớn

Đời sống phố thị tấp nập của người Hoa

Trên đường cái quan Sài Gòn đi Phan Thiết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.