Nàng dâu luôn được 'chồng ẵm': 2 chữ hạnh phúc được vẽ thế nào?

Phan Diệp
Phan Diệp
05/10/2023 13:35 GMT+7

Sợ gia đình ngăn cấm, vợ chồng chị Kim Anh giấu bên nội làm đám cưới. Chỉ khi mẹ chồng nói: 'Nếu biết trước con dâu khuyết tật mẹ vẫn chấp nhận', họ mới biết mình đã sai.

Đám cưới của chị Võ Thị Kim Anh (37 tuổi) và anh Trần Minh Thanh (38 tuổi) cùng quê Đắk Lắk 8 năm trước chỉ tổ chức ở nhà ngoại. 2 năm quen nhau, thêm 2 năm về chung nhà, họ không dám cho gia đình anh Thanh biết vì sợ bị ngăn cản. Anh Thanh là người khỏe mạnh, lành lặn trong khi chị Kim Anh là cô gái khuyết tật đôi chân, chỉ có thể bò để di chuyển.

"Tôi tiếc vì đám cưới của mình không có ba mẹ chồng tham dự", chị Kim Anh nói.

Hạnh phúc lớn nhất của nàng dâu chỉ biết bò cưới anh chồng lành lặn    - Ảnh 1.

Từ lần đầu tiên bế chị Kim Anh, anh Thanh đã muốn che chở cho người phụ nữ này suốt đời.

Nhóm Thiện tâm Charity

"Anh muốn che chở cho em"

10 năm trước, anh Thanh tình cờ nghe được tâm sự của chị Kim Anh trên đài. Cảm nhận được sự thật thà, chân thành của cô gái cùng quê, anh lưu số điện thoại, liên hệ làm quen. Nhắn tin qua lại được 2 tuần, dịp chị Kim Anh tham gia một chương trình của người khuyết tật, họ hẹn nhau gặp mặt lần đầu.

Lúc chia tay, anh Thanh chủ động bế bạn lên xe buýt đi về. Không bày tỏ mình cảm mến cô gái, chàng trai chỉ nói: "Anh muốn che chở cho em". Tình cảm của 2 người cứ thế lớn dần thêm sau những buổi hẹn hò, hay vài dịp thăm nhà bạn gái.

Chị Kim Anh từng có một mối tình trước khi quen anh Thanh. Nhưng người này ra điều kiện, nếu sau khi kết hôn mà không có con thì chia tay. Sợ hôn nhân không trọn vẹn, chị chủ động dừng lại. Vì thế, khi biết tình cảm của bạn trai, chị "rào trước đón sau" chuyện mình khó sinh con.

"Mình có thể xin con nuôi", câu trả lời của anh Thanh khiến cô gái khuyết tật mở lòng, dám yêu lần nữa.

Hạnh phúc lớn nhất của nàng dâu chỉ biết bò cưới anh chồng lành lặn    - Ảnh 2.

Người phụ nữ ngồi trên tấm ván trượt để đi bán vé số.

Phan Diệp

Chuyện tình cảm của 2 người được ba mẹ chị Kim Anh ủng hộ. Ngày anh Thanh mở lời hỏi cưới con gái, ông Võ Hồng Đức (59 tuổi) – ba chị Kim Anh nói nửa đùa nửa thật: "Ba chỉ 2 đứa gãy gánh giữa đường". Hiểu tình cảm của con rể, nhưng ông vẫn không dám tin có người chịu hy sinh cưới con gái mình.

Để trấn an ba vợ, anh Thanh đáp lời: "Vì vợ khuyết tật nên con mới có cơ hội cưới được cô ấy đó ba". 

Nhưng cho đến phút cuối, vợ chồng chị vẫn quyết định giấu gia đình bên nội. Anh Thanh sợ ba mẹ phản đối. Anh Thanh khi đó cũng không biết mình có thể giấu gia đình trong bao lâu. Họ mong chờ phép màu là một đứa con sẽ "có duyên đến", làm sợi dây kết nối tình thân để thuyết phục ông bà nội.

"Xương sống của tôi vẹo sang một bên, 2 chân teo nhỏ chỉ có thể bò để di chuyển. Tôi sợ mình không đủ sức khỏe để sinh con, chồng lại là con trai trưởng", những lý do khiến chị không dám về gặp gia đình anh.

Cám ơn gia đình

2 năm sau ngày cưới, cậu con trai chào đời nặng 3 kg. Lúc nhận tin mẹ tròn con vuông, anh Thanh run run cầm điện thoại báo cho ba mẹ ruột biết ông bà có cháu đích tôn. Đầu dây bên kia, bà Nguyễn Thị Thơm (66 tuổi) – mẹ anh dường như bật khóc. Bà nghẹn ngào nói: "Sao các con lại giấu, nếu biết trước có một nàng dâu khuyết tật, mẹ cũng chấp nhận". Vậy là ông bà bỏ hết công việc, chạy xe máy hơn 2 tiếng từ nhà ở H.Krông Pắk đến H.Cư M'gar nhận con dâu, gặp cháu nội.

Phải đến gần 1 năm sau, khi con cứng cáp, anh Thanh mới dẫn vợ về nhà ra mắt họ hàng. Ngày đầu, vì còn ngại và tự ti khi phải bò để di chuyển, nàng dâu phải nhờ chồng bế mỗi lần muốn đi đâu. Sợ ba mẹ chồng xót con trai vất vả khi phải phục vụ vợ, hôm sau, chị lấy hết can đảm tự bò đi. Thấy vậy, ba chồng chị, ông Trần Văn Minh (69 tuổi) bảo: "Con cứ ngồi yên, muốn đi đâu cứ gọi chồng con bế".

Hạnh phúc lớn nhất của nàng dâu chỉ biết bò cưới anh chồng lành lặn    - Ảnh 3.

Chị Kim Anh vừa đi bán vé số về, sáng 11.9.

Phan Diệp

Sau chuyến đó, vợ chồng anh chị gửi con cho ngoại chăm, cùng nhau lên Q.12, TP.HCM. Anh Thanh làm thuê trong xưởng ve chai còn chị bán vé số, gửi tiền về nuôi con.

Đầu năm nay, anh Thanh đau lưng, không thể làm ở xưởng nên chuyển sang phụ hồ. Tuy nhiên, công việc không đều, anh thất nghiệp nhiều tháng nay. Con trai vừa vào lớp 1, ba mẹ vợ cũng bệnh đau, nên anh về quê đưa đón con đi học, dự định khi có việc sẽ quay lại TP.HCM.

Xa con, vắng chồng, chị Kim Anh lủi thủi 1 mình trong căn trọ hơn chục mét vuông. Mỗi ngày chị lấy hơn 200 tờ vé số. Sáng bắt đầu bán vé số từ 5 giờ đến trưa thì về nghỉ, chiều lại đi bán đến tận khuya. Chị di chuyển bằng chiếc xe lăn điện đến các điểm bán. Khi cần, chị dùng tấm ván gỗ có bánh xe, dùng hai tay trượt đi.

Hạnh phúc lớn nhất của nàng dâu chỉ biết bò cưới anh chồng lành lặn    - Ảnh 4.

Nhờ nhóm chụp ảnh miễn phí, vợ chồng anh chị mới có được album cưới sau 8 năm.

Nhóm Thiện tâm Charity

TP.HCM đang vào mùa mưa, nhiều đêm trở về trọ toàn thân ướt sũng, chị chỉ biết mở hình chồng con ra xem cho đến lúc thiếp đi. "Bao năm qua, có lẽ thời điểm này là lúc gia đình tôi rơi vào cảnh khó khăn nhất, vì anh thất nghiệp", chị tâm sự.

Vì chưa lần mặc sa-rê chụp ảnh cưới nên tháng trước, chị mạnh dạn liên hệ nhóm chụp ảnh cưới miễn phí ở TP.HCM, đăng ký chụp ảnh.

Xem hình cưới con dâu gửi về, mẹ chồng chị bảo: "Thế có đãi tiệc không để ba mẹ còn chuẩn bị". Tuy nhiên, vì cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị từ lâu thôi nghĩ đến ước mơ có bữa tiệc đầy đủ quan viên hai họ.

"Năm tháng trôi qua, tôi tin tình cảm ba mẹ dành cho tôi là thật, không phải vì tôi sinh được con. Trước những khó khăn, hễ nghĩ về một gia đình còn phải lo, tôi lại có động lực để cố gắng", người phụ nữ nói rồi tranh thủ đẩy xe lăn đi bán cho kịp giờ vé xổ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.