Nặng nợ với kinh lá buông

14/08/2014 10:23 GMT+7

Kinh viết trên lá buông được xem là báu vật của đồng bào Khmer Nam bộ nhưng hiện chỉ còn hòa thượng Chau Ty (Trụ trì chùa Soài So, xã Núi Tô, H.Tri Tôn, An Giang) viết được loại kinh này.

Nặng nợ với kinh lá buông
Tỉnh An Giang vừa mở lớp chạm khắc kinh lá buông - Ảnh: An Lạc

Truyền nhân viết kinh lá

Dù tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng hòa thượng Chau Ty vẫn say mê và tâm huyết tìm người kế nghiệp viết kinh lá buông. Ông cho biết kinh lá được những bậc tiền bối đạo hạnh cao thâm và tài hoa viết bằng chữ Khmer, rồi được truyền giữ tạo nên giá trị tinh thần vô giá.

Để viết được kinh lá thì cây buông là chất liệu quan trọng nhất. Thời trước, cây buông mọc ở vùng Bảy Núi trông giống như cây thốt nốt, cây cọ… nhưng số lượng rất ít và đến nay cây buông hầu như biến mất. Hòa thượng Chau Ty cho biết để làm được bộ kinh lá buông phải chuẩn bị rất công phu. Đầu tiên là lặn lội đi tìm những búp lá buông non, đều, to bản… rồi cột lại không cho phát triển hay xòe ra nhằm lấy giấy lá non, mềm và giữ được màu trắng ngà. Sau khi chặt búp lá mang về thì dùng miếng gỗ cỡ 6 x 60 cm kẹp vào xấp lá rồi cắt theo cỡ ván, đem phơi khô. Khi chuẩn bị xong chất liệu, các nhà sư phải chọn ra người có hoa tay, viết chữ đẹp để dùng que sắt mũi nhọn viết lên lá buông. Viết xong dùng một loại tro từ cây mặc nưa pha với lớp nhựa cây bôi lên từng trang lá. Lúc này, màu đen của mực sẽ quyện vào từng nét khắc và lộ ra những dòng kinh. Kinh lá được xâu lại thành bộ hoàn chỉnh có độ dày 50 trang. Do chất liệu đặc biệt là lá buông nên kinh không bị rách, mối mọt tấn công và lưu giữ được hàng trăm năm.

Nặng nợ với kinh lá buông
Hòa thượng Chau Ty đang viết kinh lá - Ảnh: An Lạc

Nỗi lo thất truyền

Theo hòa thượng Chau Ty, không phải ai khéo tay cũng có thể viết được kinh lá, vấn đề là phải có “duyên” và có “đạo hạnh”. Quan niệm của tín đồ Phật giáo thì việc chép kinh là rất cao quý, đòi hỏi người có đức độ mới đưa được “hồn” của kinh Phật với những nội dung nhằm răn dạy con người tu tâm dưỡng tánh, sống hiền hòa, yêu thương đồng loại... Chính điều này mà các bậc sư tổ chỉ chọn được một đệ tử duy nhất để truyền nghề cho một đời. Hòa thượng Chau Ty là truyền nhân đời thứ 9 và đồng thời là người duy nhất ở vùng Bảy Núi viết được kinh lá buông bằng chữ Khmer.

Hòa thượng Chau Ty tâm sự những năm chiến tranh ở biên giới Tây Nam khiến nhiều ngôi chùa bị hư hỏng, cháy… và kinh lá thất lạc gần hết. Sau đó, ông đã nỗ lực viết lại để gửi cho một số ngôi chùa nhưng chẳng được bao nhiêu do lá buông ngày càng hiếm. Nhiều lúc phải sang Campuchia tìm mua lá buông nhưng rất khó. “Cả đời xuất gia và hàng chục năm vinh dự được sư tổ truyền lại viết kinh lá với niềm đam mê kỳ lạ, bởi đây là báu vật của người Khmer, có tín ngưỡng thiêng liêng. Do đó, tôi vẫn tìm một đệ tử để truyền lại, nhưng vẫn chưa có. Một phần do lá buông rất hiếm, một phần bởi lớp trẻ bây giờ không muốn học nên có nguy cơ thất truyền”, hòa thượng Chau Ty trăn trở. Theo hòa thượng Chau Ty, mới đây Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang tổ chức lớp chạm khắc kinh lá buông đầu tiên với 14 sư ở các chùa tham gia học ròng rã 22 ngày, ông đã hết lòng truyền nghề nhưng để tìm ra một đồ đệ kế nghiệp xuất sắc thì vẫn còn là ẩn số.

Thạc sĩ Trương Bá Trạng, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang, nhìn nhận kinh lá buông rất độc đáo và thiêng liêng trong cộng đồng người Khmer Nam bộ nên rất được tôn sùng. Cái khó hiện nay là tìm người nối nghiệp hòa thượng Chau Ty, vì vậy tỉnh đang nỗ lực mở các lớp với kỳ vọng giữ gìn và phát triển báu vật của đồng bào Khmer...

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.