Xét xử vụ án "rút ruột" kè Bạch Đằng, TP Tuy Hòa

20/01/2008 22:22 GMT+7

* Triệu tập nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang Hôm nay 21.1, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử vụ án "rút ruột" kè Bạch Đằng, TP Tuy Hòa. 12 bị can bị truy tố; ông Nguyễn Thành Quang - nguyên Bí thư Tỉnh ủy được triệu tập đến tòa với tư cách là người có liên quan.

Theo cáo trạng, đầu tháng 4.2001, tại khách sạn Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Yên, Trần Quốc Hoàn (đối tượng chạy thầu ở Hà Nội) được Lê Duy Long (đối tượng môi giới ở Hà Nội - PV) giới thiệu với ông Nguyễn Thành Quang (lúc này, ông Quang đang là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - PV) và các ông: Lương Ngọc Ái - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư  (KH-ĐT) tỉnh Phú Yên, Lê Mao - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Trưởng ban Quản lý thủy lợi (QLTL) Phú Yên. Qua lần gặp gỡ này, Hoàn nắm được thông tin Phú Yên đang triển khai dự án công trình kè chống ngập lụt TP Tuy Hòa (hay còn gọi là kè Bạch Đằng).

 Sau đó, cũng qua Long, Hoàn biết được ông Lương Ngọc Ái đang công tác tại Hà Nội nên đã đến gặp ông Ái tại khách sạn Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) nhờ giúp đỡ để được trúng gói thầu số 4 kè Bạch Đằng. Tuy nhiên, ông Ái bảo Hoàn "nói với ông Nguyễn Thành Quang một tiếng". Qua việc giúp đỡ này, Hoàn đã đưa trước cho ông Ái 10 triệu đồng. Vì sao ông Ái lại bảo Hoàn nói với ông Nguyễn Thành Quang? Hiện các cơ quan chức năng đã quyết định tách thành một vụ án khác để làm rõ việc ông Nguyễn Thành Quang có liên quan đến chạy thầu hay không. Còn lần này, ông Quang được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án "rút ruột" kè Bạch Đằng.

Về vụ án "rút ruột" kè Bạch Đằng, cáo trạng cho biết: vào tháng 9.2001, Hoàn có nói với Trần Yên Khánh - một trùm "cò" dự án ở Hà Nội về chuyện chạy thầu dự án này. Sau đó, Khánh đến gặp Trần Đình Hải - Giám đốc Công ty cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước (CKXD và LMĐN) Hà Nội (thuộc Tổng công ty cơ khí xây dựng), Lê Thanh Sơn - Phó giám đốc Xí nghiệp 3 (thuộc Công ty CKXD và LMĐN Hà Nội) thỏa thuận chạy thầu. Hải và Sơn thống nhất chi 10% giá trị gói thầu số 4 để Khánh chạy dự án. Sau đó, Khánh giao lại việc chạy dự án và chi cho Hoàn 8% giá trị gói thầu để lo việc này.

Trước khi tổ chức đấu thầu, Khánh đã biếu Lê Mao 15 triệu đồng và một điện thoại di động trị giá 5 triệu đồng. Lê Mao đưa lại cho Khánh dự toán gói thầu số 4. Sau đó, Khánh giao lại cho Lê Thanh Sơn để lập hồ sơ dự thầu sát với đơn giá để được trúng thầu. Khi chuẩn bị nộp hồ sơ, Khánh, Sơn cùng Nguyễn Thanh Bình (một đối tượng chạy thầu khác ở Hà Nội) gặp nhau tại khách sạn Hương Sen (quốc lộ 1A, TP Tuy Hòa) thông đồng trao nhau hồ sơ dự thầu "quân xanh" với mục đích được chủ đầu tư sắp xếp cho trúng thầu. Kết quả sau đó, Tổng công ty cơ khí xây dựng trúng gói thầu số 4 với giá dự thầu hơn 20,7 tỉ đồng. Ngay sau khi trúng thầu, Công ty CKXD-LMĐN Hà Nội chi cho Khánh 1,3 tỉ đồng để Khánh đưa cho Trần Quốc Hoàn lót tay cho Lương Ngọc Ái, Lê Mao. Tuy nhiên, Hoàn chỉ khẳng định là đã nhận của Khánh 300 triệu đồng.

Tiếp đó, Lê Mao ký hợp đồng giao giám sát thi công với Công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ (trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) và phân công Nguyễn Hữu Thuận - cán bộ kỹ thuật Ban QLTL Phú Yên theo dõi kiểm tra, giám sát thi công. Trong quá trình thi công, Lê Thanh Sơn cùng Lê Sĩ Tuấn - đội trưởng thi công, Phạm Văn Khánh - chỉ huy trưởng công trình thông đồng với Lê Mao, Nguyễn Khánh Tho - Phó ban phụ trách Ban QLTL, Nguyễn Hữu Thuận, Mai Trọng Oánh - Chủ nhiệm thiết kế công trình, Lê Hồng Chương và Tăng Văn Đạo "rút ruột" hơn 1 tỉ đồng bằng thủ đoạn giảm khối lượng vật tư trong các hạng mục công trình. Sơn đã chi cho Lê Mao 4%, Nguyễn Khánh Tho 2%, Nguyễn Phụng 1% và Nguyễn Hữu Thuận 1% trên tổng giá trị trúng thầu gói thầu số 4.

Nhóm PV Bình Định

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.