Giấy chứng nhận sức khỏe khống được "bỏ mối" như hàng hóa

20/01/2005 09:41 GMT+7

Sáng ngày 19/1, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm vụ Lê Hồng Điểm, nguyên trạm trưởng trạm y tế phường Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức và đồng bọn can tội "mua bán tài liệu của cơ quan tổ chức xã hội".

Ngày 19/9/2002, Công an huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương bắt quả tang Phạm Thị Nguyệt Lan đang "bỏ mối" giấy chứng nhận sức khỏe khống(GCNSK) cho Nguyễn Thị Thu Vân với chữ ký của bác sĩ trạm trưởng Lê Hồng Điểm. Từ đây cơ quan điều tra đã khám phá một đường dây mua bán số lượng lớn giấy chứng nhận sức khỏe khống với giá từ 9.000đ - 13.000đ/tờ do 13 bị cáo thực hiện.

Lê Hồng Điểm là bác sĩ được Trung tâm y tế Q.Thủ Đức bổ nhiệm làm trạm trưởng trạm y tế P.Hiệp Bình Phước Q. Thủ Đức từ tháng 7/1994. Với quyền hành trong tay, việc khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe trở nên dễ như trở bàn tay. Mặc dù trạm y tế phường không có chức năng khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe nhưng Điểm vẫn khám, vẫn cấp giấy một cách vô tư, dễ dàng. Tiếng lành đồn xa, một số người từ tận Bình Dương đã lặn lội về đây để khám sức khỏe. Huỳnh Thanh Tùng thường xuyên chạy xe ôm chở công nhân từ Bình Dương đến chỗ của Điểm khám sức khỏe. Sau đó, Tùng đặt vấn đề mua giấy khống, Tùng đưa chứng minh nhân dân, cung cấp thông tin để Điểm ghi giấy không cần người đến khám với giá 5.000đ/tờ. Không dừng lại ở đó, Điểm còn phát triển việc bán GCNSK hơn nữa bằng cách không cần chứng minh nhân dân, rồi tiến tới bán luôn giấy trắng chưa ghi thông tin (đã đóng dấu ký tên) và còn hướng dẫn Tùng tự đem về nhà ghi các chỉ số thông tin về sức khỏe như: tim mạch, mắt...

Từ nghề xe ôm, Tùng chuyển qua thuê mặt bằng mua bán GCNSK. Ngoài Tùng, Điểm còn cung cấp GCNSK cho Phạm Thị Nguyệt Lan. Lan mở rộng việc mua bán GCNSK một cách nhanh chóng thông qua việc bỏ mối gối đầu cho 9 tiệm tạp hóa, đại lý bưu điện... tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Bình Dương. Trong số khách hàng của Lan có Đỗ Thành Long Em, sau một thời gian mua bán, Long Em đã tìm đến Điểm đề nghị mua trực tiếp để kiếm lời nhiều hơn. Tại tòa, Điểm khai không nhớ rõ đã cho ra lò bao nhiêu GCNSK loại này, nhưng theo những chứng cứ thu thập được khoảng 1.000 tờ đã được bán trên thị trường. Khi phát hiện vụ án, Cơ quan Điều tra đã thu giữ 100 tờ GCNSK chưa điền họ tên người khám sức khỏe nhưng có ghi sẵn nội dung tình trạng sức khỏe; 23 tờ chưa ghi nội dung do Lê Hồng Điểm ký tên đóng dấu vuông của trạm y tế P.Hiệp Bình Phước.

HĐXX đã tuyên phạt Lê Hồng Điểm 2 năm 6 tháng tù giam về tội "làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức"; Huỳnh Thanh Tùng và Đỗ Thành Long Em cùng 12 tháng tù; Phạm Thị Nguyệt Lan 14 tháng tù (cho hưởng án treo); 9 bị cáo khác lãnh từ 6 tháng tù đến 12 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội "mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội".

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.