Mới như U.21

27/09/2005 00:31 GMT+7

Dường như mỗi mùa giải U.21 Báo Thanh Niên lại trình làng một cái gì đó mới mẻ, thậm chí bất ngờ. Năm ngoái, việc U.21 Khánh Hòa đã đi một lèo vào thẳng trận chung kết và trình diện một Tấn Tài chơi biên đầy sinh sắc là cái gì khiến người hâm mộ nức lòng, nhất là khi họ biết chàng trai quê Ninh Hòa ấy bị ông HLV Tavares loại thẳng thừng khỏi đội tuyển quốc gia.

Năm nay, Tấn Tài vừa chơi khá ấn tượng ở LG Cup vừa rồi, và bàn thắng duy nhất anh ghi trong trận gặp Sinh viên Hàn Quốc đã đưa U.23 Việt Nam đến với chiếc cúp vô địch. Ông Riedl bây giờ chẳng dại gì mà loại một cầu thủ U.21 như vậy khi SEA Games 23 sắp tới gần. Bóng đá VN nhiều năm nay loay hoay trong chuyện đào tạo cầu thủ trẻ, và giải U.21 Báo Thanh Niên chính là một trong những hướng giải quyết rất thực tế, để VFF nhìn vào đó mà đánh giá trình độ bóng đá trẻ VN, cũng như HLV đội tuyển quốc gia chọn trong số những cầu thủ xuất sắc của giải này lực lượng bổ sung cho đội tuyển. Các CLB bây giờ đã thấm thía về chuyện đội bóng chính thức của mình thiếu lực lượng kế cận như thế nào, và giải U.21 có thể là dịp để họ đi "shopping", tìm trong đó những cầu thủ CLB mình cần. Một giải trẻ khi đáp ứng được từng ấy yêu cầu cho bóng đá quốc gia cũng đã là quá tốt, nhất là khi người ta biết bóng đá nước ta đã vật vã thế nào trong sự trì trệ, đã tự đánh mất của mình những tài năng còn tiềm ẩn hay mới bắt đầu lộ diện như thế nào. Giá mà người ta thực sự quan tâm để từ những giải nhi đồng, thiếu nhi, giải U.15, U.18, và cuối cùng, U.21, chúng ta có được sự đào tạo liên tục, niềm hy vọng bền bỉ về sự hình thành những tài năng trẻ trong bóng đá, thì có lẽ bóng đá VN hôm nay đã khác. Nếu không có một giải bóng đá uy tín như U.21, làm sao chúng ta phát hiện được "những vùng mới" trên bản đồ bóng đá quốc gia. Năm nay, sự xuất hiện của đội U.21 Cà Mau ở vòng chung kết khiến chúng ta hết sức thú vị. Hóa ra, ở mũi đất tận cùng Tổ quốc, ở nơi "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh" ấy vẫn có bóng đá, và có hẳn một đội bóng trẻ thi đấu ấn tượng, can đảm, đầy quyết tâm. Cà Mau từ nay đã ghi tên mình vào bản đồ bóng đá quốc gia qua sự xuất hiện đáng trân trọng của đội U.21 tại vòng chung kết này. Biết đâu, ở giải năm sau, người ta lại bất ngờ khi những đội U.21 Tuyên Quang, Thái Nguyên hay Hà Giang lọt vào vòng chung kết. Hiện tượng CLB Thành Long, một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tư nhân có đội U.21 của mình tham dự vòng chung kết U.21 năm nay lại chứng tỏ bóng đá phải thuộc về nhân dân, phải được xã hội hóa như thế nào. Riêng về Bình Định, đơn vị đăng cai giải U.21 năm nay, tôi nghĩ chính qua giải đấu này, bóng đá Bình Định sẽ thực sự chuyển mình. Họ sẽ làm bóng đá như thế nào để "được là mình" chứ không phải để "giống như người ta". Bình Định có một tiềm năng bóng đá thiếu nhi, bóng đá trẻ đáng cho tỉnh này đầu tư mạnh hơn nữa, thực tế hơn nữa và liên tục hơn nữa để trong vòng dăm năm tới, bóng đá Bình Định không phải canh cánh lo trụ hạng mỗi mùa giải V-League, mà có những khát vọng cao hơn, những thành tích bền vững hơn. Sẽ không có sự "phát triển bền vững" trong bóng đá khi người ta thờ ơ hay chiếu lệ với bóng đá trẻ, với những giải bóng đá trẻ.

"Mới như... U.21" có lẽ sẽ là một "slogan" của bóng đá trẻ Việt Nam? Hy vọng sẽ là thế.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.