Chuyện người 15 năm đưa đò miễn phí

03/10/2005 21:55 GMT+7

Nếu chỉ lấy một người 1.000 đồng mỗi lượt qua đò thì trong 15 năm qua, ông đã có gần 2 tỉ đồng. nhiều người đã đến đề nghị ông sang nhượng bến đò để họ kinh doanh nhưng ông nói 1 tỉ đồng ông cũng không sang. Ông là Trần Văn Bảy, sinh năm 1947, hiện ở ấp 5, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ở đây người ta thường gọi ông bằng cái tên thân mật là ông Bảy Ưu, hay gọi một cách ngắn gọn theo kiểu Nam Bộ là chú Bảy...

Bên một căn chòi nhỏ nhưng gọn gàng, ngăn nắp nằm sát bên con kênh Nguyễn Văn Tiếp với đầy đủ bếp núc, giường chiếu... mà gia đình đã dựng lên để ông tiện bề "công tác", ông Bảy Ưu đã kể lại cho chúng tôi nghe chuyện đời mình và những ngày đầu tiên ông dựng lên bến đò miễn phí. Dòng họ ông đến đây sinh cơ lập nghiệp từ thuở xa xưa, đến ông là đời thứ 5 hay 6 gì đó. do sinh sống đã lâu nên ông rất yêu thương, gắn bó với mảnh đất và con người ở vùng quê tuy còn nghèo nhưng luôn đầy ắp tình người này. Những năm đất nước mới giải phóng, ông rất đông con, tới 7 người, ruộng đất ít ỏi, cái ăn cái mặc vợ  chồng ông phải chạy từng bữa một, gia đình ông đã vượt qua được nhờ bà con lối xóm xa gần hết lòng giúp sức... Đến nay, ông đã dựng vợ, gả chồng cho 5 người con lớn, cuộc sống hiện nay như ông nói: "Tuy còn chật vật, không được sung túc như người ta nhưng vẫn đủ cơm ăn, áo mặc, nhà cửa đàng hoàng, với tôi như thế là đã mãn nguyện lắm rồi...". Năm 1990, do nhà ở gần bên kênh, hằng ngày nhìn cảnh bà con muốn qua bờ bên kia phải cởi áo quần rồi bơi sang, các em học sinh đi học phải quá giang đò lúc được, lúc không, ông bèn về bàn với vợ ông: "Bà cho tui lập một bến đò miễn phí để giúp bà con nhé?". Vợ ông đáp: "Tùy ông. Tui chỉ lo cho sức khỏe của ông thôi". Nghe vợ nói vậy, ông mừng quá: "Bà yên tâm đi ! Mình làm điều phước đức, chắc ông bà cũng phù hộ, tui không sao đâu".

Lúc chúng tôi hỏi, chở miễn phí suốt thời gian dài như thế, ông lấy gì để sống; rồi vợ con có phàn nàn, “cắng đắng” gì không? Ông cười rồi vui vẻ trả lời: "Gia đình tui có 6 công ruộng, lúa làm ra đủ để gia đình ăn quanh năm, 5 đứa con lớn của tui đã ra ở riêng, chúng cũng hay gởi tiền về phụ giúp gia đình. Hơn nữa, riêng tui đã ăn chay trường hơn chục năm nay nên cũng chẳng túng thiếu gì mấy. Bà con đi chợ hằng ngày, khi thì cho tui mớ rau, lúc thì cho tui chai nước tương hoặc hũ chao... vậy là tui dư sức qua cầu, lấy tiền của bà con làm chi, họ còn rất nghèo... Còn mấy đứa con tui hả, chúng chẳng phàn nàn gì. Lúc nào rảnh rỗi công việc đồng áng, chúng lại ra đây phụ tui đưa đón khách”.

Thế là suốt 15 năm qua, bất kể ngày đêm, cứ ai có nhu cầu qua kênh là ông phục vụ một cách tận tình mà không hề lấy một đồng bạc nào. Họ là những người dân hai bên bờ, những cán bộ, công chức trên tỉnh, trên huyện đi công tác rồi những em học sinh cắp sách đến trường... Những ngày đầu tiên, chỉ với chiếc xuồng ba lá nhỏ nhoi, đến nay ông đã thay đến chiếc thứ 6. Được cái, biết ông làm việc thiện, cứ thấy chiếc đò ông đang sử dụng sắp hỏng là những mạnh thường quân trong vùng lại đóng mới và tặng ông chiếc khác. Hiện tại, ông có đến 2 chiếc để thay đổi. Chiếc phà nhỏ mà ông dùng để đưa chúng tôi sang bờ bên kia là của bà Bé Em, người em bà con của ông hiện đang sống tại thị xã Cao Lãnh tặng ông. Chiếc thuyền tam bản là của ông Út Thư - một người bạn thân của ông ở tuốt huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang gửi cho. Còn bến đò thì được gia đình ông Hai Cấu ở ấp 4 cho đất, làm mái che và giữ xe miễn phí cho khách qua lại. Hiện mỗi ngày, ông Bảy Ưu đón và đưa gần 300 lượt khách và xe gắn máy. Ông làm từ sáng sớm đến tận chiều tối ít có lúc nào được nghỉ ngơi, cứ có ai gọi là dù đang ngủ, trời đang mưa, đang gió, ông cũng vui vẻ thức dậy để đón họ mà không hề phàn nàn lấy một lời. Những buổi trưa mùa hè nóng nực, nhiều em nhỏ trong xóm sang bên kia bờ kênh mua nước đá về uống, ông luôn đón đưa sốt sắng nhất vì: "Để lâu nước đá tan tội nghiệp sắp nhỏ". Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ mà ông cương quyết không chở, đó là những thanh niên nhậu nhẹt đến say xỉn. những lúc ấy, ông khuyên họ vào căn chòi ông ngủ khi nào tỉnh rượu ông sẽ chở về. Ông bảo: "Chở họ, lỡ họ té xuống kênh mà chết thì tội nghiệp lắm!". Vào mùa nước lên, chảy mạnh thì cực nhất, ông rất cẩn thận. Ông nhờ thanh niên trong ấp giăng cho ông 2 sợi dây nối hai bên bờ, để mỗi lần đưa khách, ông nhờ họ dùng tay lần theo sợi dây lên phía trên dòng nước chảy rồi lựa thế lái chiếc đò cập bến một cách an toàn. Đặc biệt, trên những chiếc ghe của ông luôn có đủ áo phao do địa phương trang bị để phòng hờ những trường hợp rủi ro.

Không chỉ đưa đò miễn phí, trong căn chòi của ông còn có những bình thuốc bắc gia truyền để trị viêm mũi, viêm xoang cũng miễn phí cho bà con nghèo trong vùng, nhờ ông nhiều người đã khỏi bệnh. Sắp tới, ông và các chú trong ấp như Chín Thắng, Tư Út, Tư Sinh, Hai Lý... phụ nhau mở ra trại hòm từ thiện cho bà con nghèo.

Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi ông sẽ đưa đò miễn phí đến bao giờ. Ông cười hề hề: "Đến hết đời tôi, còn sức là còn phục vụ bà con...". Nghe ông nói thế, chúng tôi cảm thấy nao nao, trong lòng tràn đầy cảm phục về cái tâm, cái đức của một lão nông nơi vùng quê xa xôi này. Đi dọc  theo dòng kênh Nguyễn Văn Tiếp, chúng tôi vẫn chưa thấy cây cầu nào để người dân qua lại. Dù đã có ông Bảy Ưu suốt ngày đêm bỏ công đưa đón nhưng tốt hơn hết là ở đây nên có một chiếc cầu để người dân được tiện lợi hơn trong cuộc sống.

Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.