Tết Việt của du học sinh

03/02/2006 15:56 GMT+7

Cứ mỗi độ xuân về, dù đang làm ăn hay học tập ở xa thì ai ai cũng cố gắng sắp xếp về quê hương sum họp với gia đình người thân trong mấy ngày Tết. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể thực hiện được ước muốn đó. Đối với các bạn du học sinh thì càng khó hơn vì thời điểm Tết ở VN thường rơi vào lúc các bạn chuẩn bị bước vào kỳ thi học kỳ. Dù không được đón Tết cổ truyền trên quê hương, nhưng các bạn cũng đã chuẩn bị đầy đủ các thứ để đón cái Tết nơi đất khách.

Du học sinh tại Phần Lan: Vừa học thi, vừa ăn Tết

Thời điểm ở quê nhà rộn ràng chuẩn bị đón Xuân Bính Tuất, những học sinh đang học ở Trường trung học Parola (Phần Lan) như chúng tôi lại rất bận rộn cho việc ôn tập để thi học kỳ 3 trong năm. Riêng đối với nhóm học sinh đang học năm thứ 3 trung học như tôi và các bạn quốc tế cùng lớp thì lại càng căng thẳng hơn vì phải bước vào đợt thi đầu tiên để lấy bằng Tú tài quốc tế do Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) cấp trong dịp này.

Năm nay, chúng tôi vừa phải hoàn tất 5 học kỳ của năm học 2005-2006, vừa phải tham gia các đợt thi Tú tài quốc tế Cambridge. Vì thế ai cũng tưởng rằng không khí Tết Việt Nam sẽ khó đến. Thế nhưng không ngờ vào giờ chót chúng tôi được các anh chị trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Phần Lan (SVVN-PL) mời về thủ đô Helsinki để dự buổi họp mặt cuối năm Ất Dậu của người Việt trên đất nước bạn.

Các anh chị trong Hội SVVN-PL thật tinh ý nên chọn ngày thứ bảy cuối năm để tổ chức, giúp chúng tôi có thời gian về dự. Không ai bảo ai, mỗi học sinh VN ở đây đều tự quyết định tăng tốc ôn bài, quyết tâm dành ra gần 2 ngày trong “quỹ thời gian học tập” để leo lên xe lửa, về thủ đô. Đến nơi, chúng tôi được các anh trong ban chấp hành Hội SVVN-PL đón tiếp như những người thân trong gia đình. Helsinki sáng hôm ấy thật lạnh, ngoài trời nhiệt độ xuống âm 25 độ C, những cơn gió rét làm buốt tai và đông cứng cả mũi. Vậy mà khi gặp những người Việt tại nơi đất khách này, một làn hơi ấm tỏa ra làm chúng tôi quên cả giá lạnh.

Quây quần bên nhau trong phút giao thừa. Ảnh: H.H

Chưa đến giờ họp mặt nên tôi và các bạn đến tiệm bán đồ ăn duy nhất của người Việt tại đây để mua một ít đồ chuẩn bị cho ngày Tết. Người Việt Nam sinh sống tại Phần Lan chỉ khoảng 5.000 người nên khi gặp được đồng hương, mà còn là chủ tiệm nữa, chúng tôi cảm thấy... như bắt đưọc vàng. Trong tiệm không thiếu thứ gì, từ giò chả, dưa chua, nước mắm, xì dầu, măng tươi, gạo, mì gói... đến hành ngò. Chỉ duy nhất một thứ mà chúng tôi rất tiếc khi không mua được ở tiệm là bánh chưng vì bác chủ tiệm cho biết: “Tiếc quá các cháu ơi, bánh chưng phải đặt trước mới có được”. Chúng tôi buồn quá vì đã lâu chưa được ăn lại món bánh chưng truyền thống của ngày Tết.

Tối đến, trong hội trường Kannusillanmaen với gần 300 chỗ ngồi, ngoài du học sinh Việt Nam, chúng tôi còn được gặp rất nhiều kiều bào Việt Nam sinh sống ở đất nước Bắc u này. Họ sống khắp nơi, từ thủ đô Helsinki, đến Riihimäki, Turku, Lahti,... đêm nay về đây để gởi cho nhau những lời chúc mừng đầu năm mới. Chúng tôi rất vui khi được gặp nhiều bạn trẻ gốc Việt, một số bạn đến Phần Lan từ lúc còn bé, một số bạn sinh ra tại đây nhưng các bạn đều nói được tiếng Việt. Tôi có gặp bác Thắng (sống tại thành phố Hyvynkaa), bác cho biết: “Thật vui khi mỗi năm Hội SVVN-PL đều tổ chức một buổi tất niên để đồng bào người Việt được sum họp”. Cảm nghĩ của bác Thắng cũng chính là cảm nghĩ của du học sinh chúng tôi. Tiết mục tấu hài mở đầu chương trình của các anh chị trong Hội SVVN-FL làm cho mọi người được một bữa cười no bụng. Sau đó là những tiết mục múa, hát mang đậm truyền thống dân tộc Việt. Gần 3 năm sống tại Phần Lan, chưa bao giờ tôi được thấy nhiều người Việt Nam như lần này. Bên ngoài hội trường là một quầy hàng bán những thức ăn Việt Nam gồm: bánh chưng, bánh tét, bánh rán, bánh cam... Thế là chúng tôi lại có cơ hội được ăn bánh chưng mà buổi sáng không mua được. Ngậm bánh mà chẳng muốn nuốt. Chia tay nhau, mọi người lại hẹn đến Tết năm sau.

Thanh niên và thiếu nhi Phần Lan gốc Việt trong trang phục dân tộc tại buổi họp mặt. Ảnh Tiền Phương 

Trở về trường, trong phút giao thừa, chúng tôi cũng quây quần bên nhau để đón chào năm mới. Chuẩn bị cho mâm cỗ cúng, các bạn trai thì lo làm bánh bông lan, nướng xúc xích, các bạn gái thì lo món xúp cua... Rôm rả bên bàn ăn, chúng tôi nâng ly nước ép trái cây chúc mừng năm mới và tự hứa cố gắng học tập để đạt kết quả tốt ở năm cuối của bậc trung học này. (Châu Gôn)

Thư Nhật Bản: Tết đầu tiên xa nhà

Tháng 8/2004, khi vừa học xong năm thứ nhất lớp Cử nhân tài năng thuộc Khoa Toán Tin (trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), tôi dự một cuộc thi tuyển và giành được học bổng du học toàn phần tại Nhật, bao gồm 1 năm học tiếng và 4 năm học đại học. Nửa năm sau tôi nhận kết quả trúng tuyển và 2 tháng sau đó lên đường đến xứ Phù tang, còn bây giờ thì đón cái Tết đầu tiên ở đất nước này.

Osaka, nơi tôi sinh sống không có nhiều Việt kiều, chủ yếu là du học sinh và cựu học sinh đang học cao học bên này. Sinh sống chung với người Nhật, những sinh viên VN chúng tôi đã từ từ nhận thấy ở họ có nhiều đức tính: văn minh, lịch sự, tinh thần trách nhiệm cao, giúp đỡ người khác rất tận tình - nhất là đối với những sinh viên quốc tế như chúng tôi.

Họp mặt đón Giao thừa của các bạn du học sinh ở Osaka (Nhật)

Hòa chung với không khí đón Xuân Bính Tuất của người Nhật, tối 28/1 (29 Tết) du học sinh chúng tôi đã cùng nhau tổ chức một buổi tiệc để đón chào năm mới. Từ những ngày trước, các bạn gái được phân công phụ trách phần ẩm thực, các bạn trai lo trang trí và lên kế hoạch tổ chức trò chơi, viết câu đối... Khoảng 22h đêm Giao thừa (20h ở Việt Nam), chúng tôi với các bạn nước ngoài như Nepal, New Zealand, Peru, Malaysia... và có cả các bạn người Nhật cùng nhập tiệc với những món dân tộc như nem cuốn, bánh chưng, chả giò,... Sau đó mọi người cùng nhau khiêu vũ, sinh viên nước ngoài thì rành lắm, còn du học sinh VN (trong đó có tôi) thì nhiều người chỉ đứng ngoài xem mà thôi. Khoảng 1 tiếng rưỡi trước giao thừa, chúng tôi tổ chức một số trò chơi, mọi người tham gia rất hào hứng và sôi nổi. Sôi động nhất là trò đập bóng, người tham dự không được dùng tay hoặc chân nên họ đã dùng mông hoặc bụng trong tư thế "ấp trứng" để làm bóng vỡ. Theo quy định của ban tổ chức, khi đến dự tiệc mỗi người phải mang theo một món quà và có ghi kèm theo lời yêu cầu cho người nhận quà. Kết quả là có người khóc kẻ cười, có người nhận lại món quà của mình, có người thì phải thực hiện lời yêu cầu quá khó như ăn 10 quả quýt trong vòng 2 phút, 1 trái táo trong vòng 1 phút..., có người được yêu cầu hét to câu "Chúc mừng năm mới". Thật là vui!

Đến trước giao thừa khoảng 5 phút, tất cả rủ nhau lên sân thượng để đốt pháo hoa. Chúng tôi đếm ngược thời gian và khi đếm đến 0 thì đồng loạt các que pháo hoa được bắn lên trời rất đẹp. Lúc đó là 2h sáng ở đây, tôi và các bạn tranh thủ gọi điện thoại về nhà chúc Tết người thân. Cái Tết xa nhà đầu tiên của chúng tôi đã diễn ra trong không khí ấm cúng và vui vẻ như vậy. (Minh Toàn)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.