TP.HCM đã cho ghi nợ tiền sử dụng đất theo NĐ 17 chưa?

21/03/2006 22:25 GMT+7

Thời gian qua, nhiều bạn đọc thắc mắc: Hiện nay, muốn làm giấy chủ quyền nhà đất có được áp dụng việc ghi nợ tiền sử dụng đất (SDĐ) theo Nghị định (NĐ) 17 (ban hành ngày 27/1/2006) hay chưa? Thời điểm để tính tiền SDĐ sẽ được căn cứ như thế nào? PV Thanh Niên đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Tấn - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM xung quanh vấn đề này. Ông Tấn cho biết:

- Đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn về việc cho hộ gia đình, cá nhân ghi nợ tiền SDĐ theo NĐ 17. Tuy nhiên, theo NĐ 17 (có hiệu lực từ 27/2/2006) thì việc cho ghi nợ tiền SDĐ sẽ được áp dụng tại thời điểm cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền SDĐ. Hiện nay, những trường hợp tiến hành hợp thức hóa nhà đất đều được cho ghi nợ tiền SDĐ và cơ quan thuế sẽ áp dụng quy định này đối với tất cả mọi trường hợp hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu xin ghi nợ. Cũng theo NĐ 17, những trường hợp trả nợ sau này cũng được tính theo giá đất của thời điểm cấp GCN. Ví dụ, nếu bây giờ ghi nợ theo bảng giá đất của thời điểm hiện hành là 2 triệu đồng/m2 thì 2 - 3 năm sau, dù giá đất có tăng lên 3 triệu đồng/m2 thì người dân cũng chỉ  đóng 2 triệu đồng/m2 mà thôi.

* Nhiều trường hợp phản ảnh nộp hồ sơ nhà đất trước khi có bảng giá đất mới nhưng do các cơ quan chức năng chậm trễ trong việc thụ lý, cấp GCN nên họ phải nộp tiền SDĐ theo giá đất mới. Ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Thời gian qua, có một số trường hợp nộp hồ sơ hợp thức hóa nhà đất  trước khi áp dụng theo bảng giá đất mới, nhưng do sự chậm trễ của các cơ quan cấp GCN (chưa thực hiện đúng Thông tư 30 về thời hạn thụ lý cấp GCN của liên Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tài chính) nên người dân phải nộp tiền SDĐ theo bảng giá đất mới. Điều này cũng khiến người dân bị thiệt thòi và khiếu nại. Tôi xin khẳng định: cơ quan thuế chỉ áp dụng thu tiền SDĐ đúng thời điểm người dân được cấp GCN, còn việc chậm trễ trước đó là nằm ngoài phạm vi của ngành thuế.

* Nhiều người dân thắc mắc: những trường hợp từ đất nông nghiệp xin chuyển sang đất ở, khi đóng tiền SDĐ có được trừ lại phần tiền SDĐ nông nghiệp không? Tỷ lệ được trừ là bao nhiêu?

- Những trường hợp nêu trên sẽ được tính như sau: Giá đất ở (tùy vị trí do UBND TP.HCM quy định) trừ đi giá đất nông nghiệp (giá đất trồng lúa cao nhất hiện nay tại TP.HCM là 90 ngàn đồng/m2) và người dân phải đóng khoản chênh lệch đó. Ví dụ: Giá đất ở phải nộp là 850 ngàn đồng/m2 - giá đất nông nghiệp 50 ngàn đồng/m2, còn lại người dân phải nộp là 800 ngàn đồng/m2. Lưu ý là chỉ được trừ trong hạn mức đất ở theo quy định là 200m2 mà thôi. Các trường hợp đất ở ổn định trước ngày 15/10/1993, có phường xã xác nhận thì không phải đóng tiền SDĐ.

T.T.Bình
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.