Dự án cầu dây văng Phú Mỹ tại TP.HCM có nguy cơ phá sản

10/07/2006 15:33 GMT+7

Công ty cổ phần BOT Phú Mỹ vừa đề nghị thành phố điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án từ 1.806 tỉ đồng (chưa kể lãi suất vay trong thời gian xây dựng khoảng 374 tỉ đồng) lên 2.176 tỉ đồng. Nếu đề nghị không được thành phố chấp thuận hoặc chấp thuận muộn, thì dự án cầu dây văng này có thể bị phá sản.

Tăng vốn đầu tư, thời gian thu phí kéo dài 54 năm

Theo dự án được UBND thành phố phê duyệt vào tháng 12/2004, cầu Phú Mỹ nối Q.2 với Q.7, dài 2.031m, rộng 27m có tổng mức đầu tư 1.806 tỉ đồng. Công trình đầu tư theo phương thức BOT (30% vốn của công ty BOT Phú Mỹ, 70% kinh phí còn lại được một ngân hàng của Pháp tài trợ nguồn vốn vay). Thời gian khả thi khai thác thu phí giao thông để hoàn vốn đầu tư (1.806 tỉ đồng) và hoàn vốn trả lãi suất vay ngân hàng (374 tỉ đồng) là 26 năm.

Tuy nhiên quá trình triển khai, theo yêu cầu của thành phố, dự án điều chỉnh bổ sung một số hạng mục, thay đổi tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật... làm tăng thêm 111,9 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, việc bổ sung các khoản thuế và một số chi phí khác cũng làm tăng thêm 241 tỉ đồng vốn đầu tư.

Lễ khởi công xây dựng cầu Phú Mỹ được tổ chức vào ngày 9/9/2005. Dự kiến thời gian xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng và thu phí từ ngày 1/9/2009. Tuy nhiên tính đến nay, công trình đã chậm tiến độ hơn 5 tháng, nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công. 

Theo ông Nguyễn Thành Thái - Tổng GĐ Công ty cổ phần BOT Phú Mỹ, trong dự án khả thi và hợp đồng BOT ký kết giữa công ty với thành phố, thì dự án được miễn các khoản thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; nhưng, theo Luật Thuế hiện hành, những khoản thuế trên không được miễn.

Như vậy, tính cả phần lãi suất vay trong thời gian xây dựng (374 tỉ đồng) cộng với số tiền điều chỉnh bổ sung tăng thêm 370 tỉ đồng thì tổng mức đầu tư lên đến 2.550 tỉ đồng. Vốn đầu tư đội lên, đồng nghĩa với thời gian thu phí giao thông hoàn vốn kéo dài 54 năm, thay vì 26 năm như dự án được duyệt. Dự án trở thành không khả thi.


Phối cảnh 3D trên mặt cầu Phú Mỹ.

Công trình sẽ... "chết yểu"?

Ông Thái cho biết, trong phần vốn đầu tư để tính toán phương án tài chính thu phí hoàn vốn, công ty đề nghị thành phố không tính toán chi phí đền bù giải toả khoảng 100 tỉ đồng đã được thành phố chi tạm ứng từ nguồn vốn ngân sách trước đó.

Có như vậy, tổng mức đầu tư cần phải hoàn vốn sẽ giảm xuống còn 2.450 tỉ đồng. Và với khoản tiền 2.450 tỉ đồng, công ty cũng kiến nghị thành phố cho phép áp dụng mức vé thu phí giao thông theo Thông tư 90/2004/TT-BTC ngày 7/9/2004 của Bộ Tài chính. Bởi lẽ, phương án thu phí hoàn vốn trước đây tính toán dựa vào mức thu của đường xa lộ Hà Nội (tức thấp hơn thông tư 90 của Bộ Tài chính). Việc thay đổi mức thu nhằm đảm bảo thời gian thu phí hoàn vốn chỉ trong 26 năm, chứ không phải 54 năm.

Theo ông Thái, nếu việc điều chỉnh tổng mức đầu tư và phương án tài chính thu hồi vốn không được thành phố chấp thuận, công ty gặp nhiều khó khăn, không đủ vốn hoàn thành dự án. Trong trường hợp thành phố chấp thuận, song thời gian điều chỉnh lại chậm, khiến công ty khó hoàn thành kịp các thủ tục để triển khai thi công vào đầu 10/2006, khi ấy dự án rất có thể bị phá sản. Vì theo hợp đồng EPC (tạm hiểu hợp đồng trọn gói) ký bổ sung giữa chủ đầu tư với tổng nhà thầu nước ngoài, việc triển khai thi công chậm hơn sau ngày 1/10/2006, thì trong 2 tháng chậm liền kề sau đó, mỗi tháng chủ đầu tư phải trả thêm cho nhà thầu 0,67% giá trị hợp đồng, tương đương khoảng 788.000USD/tháng.

Bước sang tháng thứ ba, chủ đầu tư phải ký lại hợp đồng EPC khác với nhà thầu, giá trị hợp đồng lúc này sẽ được tính theo thời giá mới. Một khi điều này xảy ra, chắc chắn tổng mức đầu tư sẽ được điều chỉnh tăng cao hơn, bởi so với thời điểm ký hợp đồng EPC trước đây, đến nay giá cả vật tư (sắt, thép, nguyên liệu...) đã tăng 50-70%.

(Theo Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.