Sự thật về các điệp vụ bay

11/08/2006 16:25 GMT+7

Sau vụ khủng bố hụt nhắm đến cả 10 chiếc máy bay khởi hành từ Anh, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Michael Chertoff tuyên bố sẽ gởi thêm cảnh sát bay đến Anh để tăng cường an ninh trên các chuyến bay tới Mỹ. Cảnh sát bay là ai?

 

Là lực lượng vũ trang chìm có mặt trên các chuyến bay thương mại để chống không tặc hoặc các hoạt động thù địch khác. Lực lượng chìm của Mỹ bao gồm các tay súng thiện xạ, chuyên gia hỏi cung hoặc những người được huấn luyện để giải quyết các trường hợp khẩn cấp.

Nhiệm vụ của họ là gì?

 

Cảnh sát bay thường làm việc theo nhóm ít nhất là 2 người. Họ lên máy bay trước tiên và theo dõi tất cả các hành khách để phát hiện đối tượng khả nghi.

 

Trong trường hợp tính mạng hành khách bị đe dọa, họ đã có sẵn hàng loạt “ngón nghề” để tiêu diệt kẻ khả nghi. Tuy nhiên, thông thường lực lượng bay là những người làm việc rất lặng lẽ và không hổ danh với biệt hiệu “cảnh sát chìm”. Bạn sẽ rất khó lòng nhận diện được cảnh sát bay ngay cả khi anh ta ngồi cạnh bạn suốt cả chục tiếng đồng hồ trên máy bay.

 


Cảnh sát bay Mỹ trong một buổi huấn luyện (Ảnh: AP)

 

Chính sách của Mỹ về các điệp vụ bay như thế nào?

 

Trước ngày nước Mỹ bị tấn công trong biến cố 11/9/2001, ở Mỹ có 33 biệt đội bay cấp liên bang. Con số này tăng nhanh chóng sau cuộc tấn công kể trên và tới nay, Bộ An ninh nội địa tuyên bố đã có “trên một ngàn” biệt đội bay nhưng con số chính xác luôn được coi là thông tin mật.

 

Chương trình đưa cảnh sát vũ trang lên máy bay thương mại đã được áp dụng ở Mỹ kể từ năm 1968 và được mở rộng quy mô từ năm 1985. Lực lượng cảnh sát bay liên bang (FAMS) hiện nay trực thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ. Nếu trong năm tài chính 2001, FAMS chỉ nhận được 4,4 triệu USD tiền ngân sách thì đến năm 2007, dự kiến con số này sẽ tăng lên thành 700 triệu USD. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ cho thấy phía chính quyền Mỹ coi trọng hoạt động của FAMS đến độ nào.

 

Vào cuối năm 2003, Mỹ đã ra chính sách buộc các chuyến bay quốc tế bay ngang qua Mỹ phải có cảnh sát bay trong một số trường hợp đặc biệt. Hãng hàng không nào không tuân thủ sẽ bị cấm vào không phận Mỹ.

 

Yêu cầu này đã vấp phải sự phản đối của một số hãng hàng không vì nó làm tăng đáng kể chi phí hoạt động. Ngoài ra, một số hãng cho rằng đưa vũ khí lên máy bay là hành động nguy hiểm vì nó có thể được sử dụng để tấn công phi công hoặc phá hoại máy bay.

 

Bao nhiêu nước có cảnh sát bay ?

 

Hãng hàng không quốc gia Israel: El Al đã đưa lực lượng vũ trang chìm lên máy bay từ hơn 30 năm qua. Một số ít nước khác cũng áp dụng biện pháp tương tự, bao gồm Đức, Canada và Úc.

 

Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, cảnh sát bay đã khống chế thành công những kẻ không tặc trên một chuyến bay của El Al từ Amsterdam (Hà Lan) đến New York (Mỹ). Tuy nhiên, máy bay đã chao đảo dữ dội trong khi cuộc vật lộn diễn ra. Năm 2002, phi đội bay của El Al bắt giữ một người đàn ông mang dao trong người định lao vào buồng lái. Cũng trong năm này, 2 kẻ không tặc trên một máy bay của hãng hàng không Ethiopia bị bắn.

 

Năm 2005 là một mốc không thể nào quên đối với lực lượng bay của Mỹ: lần đầu tiên bắn chết người kể từ sự kiện 11/9. Lúc đó, một người tuyên bố mang theo bom đã bị phi đội bay của Mỹ bắn chết ngay tại Sân bay quốc tế Miami (Mỹ).

 

Hồi tháng 6 vừa qua, Quốc hội châu u đã thắt chặt các quy định về việc sử dụng điệp vụ bay trên các chuyến bay thương mại, yêu cầu việc này phải được phép của chính quyền nước cấp phép hoạt động cho hãng hàng không, nước máy bay cất cánh và nước hạ cánh.

 


Kiểm tra an ninh trước khi hành khách lên máy bay luôn là ưu tiên hàng đầu (Ảnh: Offoffoff)

Có loại súng nào an toàn khi sử dụng trên máy bay hay không?

 

Thực ra, rủi ro là yếu tố không bao giờ có thể xoá bỏ được nhưng những người ủng hộ cảnh sát bay cho rằng mức độ rủi ro nằm trong tầm kiểm soát.

 

Người ta luôn lo ngại rằng đạn có thể xuyên thủng thành máy bay nhưng thông thường, các lỗ nhỏ xíu này sẽ không đủ để gây ra sự giám áp, yếu tố dễ dàng làm chết người khi máy bay ở trên cao.

 

Ngoài ra, cảnh sát luôn được đào tạo kỹ lưỡng về các thiết bị, máy móc trên máy bay để tránh làm hỏng hóc những bộ phận nhạy cảm. Tuy nhiên, rủi ro một lần nữa là yếu tố luôn tồn tại.

 

Chính vì những lý do trên, chuyện đấu súng trên máy bay luôn được xem là giải pháp cuối cùng.

 

Phi công có “ưa” cảnh sát bay?

 

Đã từng xuất hiện những “trận chiến” nảy lửa giữa phi công và cảnh sát bay.

 

Hồi năm 2003, Hiệp hội phi công Anh quốc đã doạ đình công sau khi được thông báo cảnh sát vũ trang sẽ lên máy bay. Họ giương cao khẩu hiệu: “Chúng tôi không nghĩ rằng súng và hàng không có thể trộn lẫn với nhau”. Họ cũng rất “gai” chuyện cảnh sát cứ ngang nhiên đi lại trên khắp “ngôi nhà bay” mà chẳng cần phải xin phép người đang vận hành nó.

 

Phi công Pháp cũng chẳng vui vẻ gì.

 

Tuy nhiên, cảnh sát bay không phải là lực lượng duy nhất có vũ khí trên máy bay. Hồi tháng 12.2005, Chủ tịch tiểu ủy ban hàng không của Hạ viện Mỹ đã làm nhiều người giật mình với tiết lộ rằng nhiều phi công cũng đã được cấp phép mang theo vũ khí và số lượng phi công vũ trang đã vượt quá cảnh sát vũ trang.

 

Các chuyên gia nói gì?

 

Nhìn chung, các chuyên gia về an ninh cho rằng việc sử dụng cảnh sát bay chẳng có gì là sai trái, có điều các biện pháp an ninh khác nhằm phòng ngừa nguy cơ xảy ra bạo động có tầm quan trọng hơn.

 

An ninh hàng không là một chuỗi liên tục kể từ khi hành khách đặt chân đến sân bay ở điểm đi cho tới khi họ rời khỏi sân bay ở điểm đến. Ngăn chặn một kể tấn công trước khi hắn ta bước chân lên máy bay luôn là yếu tố phải được ưu tiên hàng đầu.

 

K.O (Theo BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.