Đọc sách: “Trưởng lão” là nhà văn trẻ

13/11/2006 21:59 GMT+7

Điều đầu tiên tạo ấn tượng với người mua một cuốn sách, hẳn nhiên là cái bìa. Văn Mới 2006 (tuyển chọn văn xuôi của những tác giả mới và các tác giả đang được mến mộ - NXB Hội Nhà văn - Công ty văn hóa Đông A 2006) vẫn giữ được "truyền thống" bắt mắt, dưới sự "mát tay" của họa sĩ Trần Đại Thắng. 36 tác giả, 36 chữ ký, tạo thành một trang bìa... chưa từng thấy, khá thú vị!

Không phải vô lý khi người tuyển chọn - nhà văn Hồ Anh Thái, đưa truyện ngắn Người ăn gió của thầy giáo Nhật Chiêu lên đầu tuyển tập. Sau Mạc Can, có lẽ đây lại là một hiện tượng "nhà văn trẻ" đáng chú ý nữa! Điều thú vị ở hai nhà văn này là họ vừa có những điểm tương đồng, lại vừa có những điểm tưởng chừng như trái ngược nhau. Cùng khởi bút viết văn xuôi khi đã vào hàng "trưởng lão", cùng từng nổi tiếng trước đó trong... một lĩnh vực khác. Nhưng một người đầy kinh nghiệm sống, ít kinh nghiệm học (như ông tự nhận), và một người đầy kinh nghiệm học mà dường như... ít kinh nghiệm sống, cứ lơ ngơ trong "trường đời" (?!). Thế nhưng từ hai phía tưởng chừng như trái chiều ấy, họ hội tụ ở một điểm: Những dòng văn hay, lạ, khiến người đọc ngỡ ngàng, thú vị! Hai truyện ngắn Người ăn gióHè muộn, tạo thành hai "cây đinh" ở hai đầu cuốn sách.

Một cây bút "lạ" mà quen về văn xuôi nữa, đó là tác giả ở Pháp, Cao Huy Thuần. Ông góp mặt trong tuyển tập này với truyện ngắn đặc sắc Một buổi chiều tháng sáu. Đọc truyện ngắn này, có người liên tưởng đến Jean-Paul Sartre, ở tập Bức tường. Một cái chết ngẫu nhiên, đặt thân phận con người vào trong những chữ giá như, nếu, đầy bất ổn, mong manh...

Ngoài những truyện ngắn trên, Văn Mới 2006 còn rất nhiều truyện đáng đọc khác nữa. Có thể coi tuyển tập này như một nơi hội tụ khá đa dạng về lứa tuổi, phong cách, bút pháp... Có những bậc lão làng như Lê Đạt, Bùi Ngọc Tấn, Lê Văn Thảo, Ma Văn Kháng, Châu Diên... Kế theo là lớp các nhà văn đã nổi tiếng như Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Trần Đức Tiến... Và cuối cùng là những người trẻ tuổi Đỗ Phước Tiến, Nguyễn Ngọc Tư, Thu Trân, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Thúy Hằng... Có những cách tân, bứt phá về hình thức thể hiện qua Người ăn gió, Cõng người lạ, Coi như đã chết... Có "hiện thực xã hội" với: Thủy thủ ngồi bờ, Đê vồ, Gương chiếu hậu - đồ thị - mùi xoa... Có bàng bạc lịch sử, ôn cố tri tân cùng: Niềm không, Án lục người đàn bà họ Tống...

Đến hẹn lại lên, mỗi năm một tuyển tập, như một cách nhìn lại thành quả truyện ngắn của năm ấy, tất nhiên là qua cách nhìn riêng của những người tuyển chọn và làm sách. Một nỗ lực gửi đến bạn đọc "cái nhìn mới về văn học Việt Nam". Đáng trân trọng!

T.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.