"Giảm áp lực học hành để trẻ em tự do vui chơi"

31/07/2007 23:21 GMT+7

Bài 1: "Gánh nặng" học hành trên vai trẻ em "Từ khi đi học mẫu giáo tới giờ, chưa năm nào em được nghỉ hè, vì hè nào cũng học thêm đủ thứ. Như hè năm nay, sáng em học 5 môn ở trường, chiều thì có gia sư đến nhà kèm thêm, tối lại học Anh văn...". Tâm sự trên đây của một học sinh đã phản ánh "gánh nặng" áp lực học hành, thi cử ở trẻ em. Thời gian để các em vui chơi giải trí, đặc biệt là vui chơi ngoài trời rất hiếm hoi... Thậm chí, có những em không có được những ngày hè đúng nghĩa!

Như trường hợp của em D.A, 11 tuổi (nhà ở TP.HCM). Chị D. mẹ của em kể: "Lên lớp 4, em có dấu hiệu ủ rũ, học trước quên sau. Trước đây, D.A lanh lợi bao nhiêu thì giờ chậm chạp bấy nhiêu. Thấy sức học của em ngày càng sa sút, tôi thuê một nữ sinh viên về dạy kèm. Nhưng càng học, D.A càng tệ hơn. Kết quả, lớp 4 D.A bị "đội sổ"!". Cô gia sư của D.A cũng ngao ngán: "Con nít mà "cày" từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm, sức đâu mà chịu nổi. Em nó học cả ngày ở trường, đến 6 giờ chiều thì tiếp tục chương trình học thêm. Thấy tội nghiệp, những ngày cuối tuần, tôi ngỏ ý đưa D.A đi chơi thì bị mẹ cô bé la toáng lên "học hoài còn ngu, đi chơi để nó quên hết chữ à!". Hiện tại, đang là mùa hè, D.A vẫn phải cày cục với chữ nghĩa!

Tuần qua, khi chúng tôi đến trường THCS C. (quận 3, TP.HCM) thì thấy một nhóm học sinh đang ngồi chờ phụ huynh đến đón. Em nào mặt cũng bơ phờ, mệt mỏi, không còn sự hiếu động của lứa tuổi học trò. Em N.T. nói: "Từ khi đi học mẫu giáo tới giờ, chưa năm nào em được nghỉ hè, vì  hè nào cũng học thêm đủ thứ. Như hè năm nay em học 5 môn ở trường, chiều thì có gia sư đến nhà kèm thêm Toán và Sinh, tối lại học Anh văn ở Trung tâm ILA!". N.T còn cho biết, lớp em đứa nào cũng học nhiều như vậy, không có thời gian đi chơi đâu hết! Không chỉ học sinh trung học phải học thêm mà cả những em bé chuẩn bị vào lớp 1 cũng phải học hè. Chị P.N (Q.1) mẹ của bé P.A học trường tiểu học H. bảo rằng, hè mà con phải học cả ngày xót lắm nhưng không có cách nào khác. Không học, không theo kịp con người ta (!?).

Theo các chuyên gia, việc chơi đùa của trẻ không chỉ đơn giản là để vui thích, mà nó rất quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển trí thông minh, cũng như cảm xúc của trẻ; và còn dạy cho trẻ nhiều thứ, từ khả năng phân tích đến những kỹ năng giao tiếp xã hội... Học thông qua chơi đùa sẽ giúp trẻ phát triển trí não, khi trẻ chơi đùa sẽ có sự thay đổi của sóng thần kinh trong não trẻ, lúc này trẻ sẽ "chơi mà học, học mà chơi"...

Một bác sĩ của Bệnh viện (BV) Tâm thần (TP.HCM) cho chúng tôi biết: "Trẻ em ngày nay bị áp lực rất nhiều bởi học hành, thi cử. Đang trong tháng nghỉ hè nhưng hầu như em nào cũng vẫn phải cắm cúi học. Thời gian biểu của các em phần lớn chỉ có học, học và... học! Bọn trẻ bây giờ có rất ít cơ hội để vui chơi, giải trí, đặc biệt là những hoạt động ngoài trời. Chính sự mất cân bằng giữa học tập và vui chơi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể chất lẫn tinh thần của trẻ em". Theo thống kê của khoa Khám trẻ em - BV Tâm thần TP.HCM, trong năm 2006, khoa đã tiếp nhận 19.461 trường hợp tới khám. Trong số đó có nhiều trường hợp bị ức chế tâm lý do chương trình học không phù hợp với lứa tuổi.

Bác sĩ Thái Thanh Thủy - Trưởng khoa Tâm lý trẻ em (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) cho biết: "Khoa cũng thường tiếp nhận những trường hợp được bố mẹ đưa đến do liên quan đến chuyện học hành. Nhiều trẻ đã tỏ thái độ giận dữ, phản ứng, không nghe lời, không quan tâm đến lời bố mẹ. Còn trẻ ở bậc tiểu học thì thường "chống" lại áp lực học hành bằng những biểu hiện về bệnh tiêu hóa - gặp nhiều nhất là đau bụng, nôn ói... Nhưng qua khám, siêu âm thì thấy trẻ không hề mắc các bệnh đó, nên phải chuyển sang chữa trị bằng tâm lý là chính! Cần phải có thời gian để trẻ nghỉ ngơi, vui chơi trong ngày sau những giờ học căng thẳng...". Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết - Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật (Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) cho rằng, tình trạng học sinh biểu hiện triệu chứng tiêu hóa trước áp lực học tập, không chỉ có ở VN, mà cũng gặp rất nhiều ở các nước.

Bài 2: Các chuyên gia tâm lý và giáo dục nói gì?

Thanh Tùng - Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.