Cá chết hàng loạt trên biển Đà Nẵng: Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân

30/08/2007 23:59 GMT+7

Chiều 30.8, trao đổi với Thanh Niên về luồng dư luận cho rằng "có khả năng tàu đánh cá sử dụng thuốc nổ đánh bắt cá", BCH Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết hiện tại, với 8 trạm kiểm soát biên phòng, công tác tuần tra kiểm soát trong thời gian qua được tiến hành gắt gao, nên khả năng sử dụng thuốc nổ đánh bắt cá không thể xảy ra.

Cá đối nước lợ là loại cá sinh sống và kiếm ăn theo bầy đàn, sống gần bờ. Để một lượng cá chết nhiều như vậy, cần lượng thuốc nổ khá lớn nên nếu có tàu thuyền đánh bắt bằng cách này sẽ bị phát hiện ngay. Hơn nữa, nếu nguyên nhân do thuốc nổ thì không chỉ riêng cá đối chết mà còn nhiều loài khác.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản gửi Sở Thủy sản - Nông lâm, qua kết quả phân tích mẫu ban đầu thì loại cá chết hàng loạt và tấp vào bãi biển Thanh Bình là loại cá đối nước lợ, kích thước rất đồng đều, chỉ từ 10-15 cm. Các mẫu phân tích cá đã bị thối rữa, có mùi hôi, vảy và khoang bụng cá không có dịch nhớt, mắt cá bị lồi nhẹ... Qua kiểm tra trên kính hiển vi thì không thấy dấu hiệu của ký sinh trùng.

Sáng 30.8, Thanh Niên nhận được nhiều cuộc điện thoại của bạn đọc phản ánh hệ thống cống nước thải của các khu dân cư và một số nhà máy thải trực tiếp xuống biển Đà Nẵng, có thể làm cá chết hàng loạt.

Trước nguyên nhân cá chết một cách bất thường, Sở Thủy sản - Nông lâm đã liên hệ với các nhà chuyên môn của ĐH Thủy sản Nha Trang, và được nhận định rằng: Có thể trong lúc cá đi kiếm ăn gặp phải loại tảo hay trầm tích độc nên cá chết hàng loạt. Nhận định này xem ra là khá thuyết phục khi trước đó, ngày 27.8 ngư dân đánh bắt cá ở khu vực gần cửa biển Đà Nẵng thấy hiện tượng cá đối nhảy lên khỏi mặt nước. Sang ngày 28.8 thì không thấy hiện tượng này và đến ngày 29.8 thì thấy cá chết hàng loạt.

Trở lại bãi biển này vào trưa và chiều 30.8, lượng cá chết tấp trên bờ biển không nhiều như sáng hôm 29.8, nhưng vẫn còn rải rác. Dưới ánh nắng của mặt trời và những đợt lên xuống của thủy triều, số cá này đã lẫn vào cát, rác, lớp đang thối rữa, lớp dần khô lại. Tuy nhiên, đề cập vấn đề này với Công ty Môi trường đô thị thì chúng tôi được cho biết "khu vực đó không thuộc địa phận quản lý của công ty". Còn theo lãnh đạo Phòng Quản lý môi trường - Sở Tài nguyên Môi trường thì "chúng tôi hiện đang ở bãi biển, nhưng đâu còn thấy con cá nào đâu!". Việc xử lý ô nhiễm, vệ sinh môi trường tại các bãi chôn cá tự phát của người dân đang bị bỏ ngỏ.

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.