Tranh luận xung quanh dự án nhà máy giấy lớn nhất nước

20/09/2007 23:27 GMT+7

Dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee&Man Việt Nam (100% vốn nước ngoài) với tổng mức đầu tư lên hơn 1,2 tỉ USD đã được khởi công vào ngày 6.8.2007 tại khu công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Chung quanh dự án có quy mô rất lớn này thời gian qua đã phát sinh nhiều dư luận khác nhau về vấn đề nguồn nguyên liệu cho nhà máy và môi trường. Sáng 19.9, tại thị xã Vị Thanh, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã chủ trì cuộc họp để lắng nghe ý kiến từ đại diện các Bộ, nhà khoa học... về vấn đề này.

Bộ NN-PTNT thiếu thông tin?

Phó giáo sư (PGS) - Tiến sĩ (TS) Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho hay: "Đến hôm nay chúng tôi mới biết Hậu Giang có 2 nhà máy: giấy, bột giấy. Trước đây chúng tôi cứ tưởng hai là một. Nhập giấy phế liệu để tái chế, nhiều người băn khoăn phải chăng ta nhập rác. Các dự án nhà máy giấy ở Hòa Bình, Bắc Kạn, Kon Tum không triển khai được là do thiếu vùng nguyên liệu. Nhà máy giấy ở Hậu Giang có công suất vượt Nhà máy giấy Bãi Bằng, hiện thời là lớn nhất Việt Nam. Vùng nguyên liệu chúng ta phải tính đến yếu tố ổn định. Nội dung dự án chỉ ghi mấy dòng thu gom gỗ là chưa đủ sức thuyết phục".

Trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT hôm 6.9, ông Nguyễn Ngọc Bình, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết: "Đến thời điểm này Cục Lâm nghiệp chưa nhận được thông tin chính thức hoặc tài liệu nào liên quan đến dự án nhà máy giấy và bột giấy ở Hậu Giang. Với công suất nhà máy 570 ngàn tấn/năm, nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn chỉ đáp ứng dưới 20% công suất. Theo công nghệ sản xuất giấy và bột giấy của Nhà máy giấy Bãi Bằng, để sản xuất một tấn giấy hay bột giấy cần 50 kg xút làm chất tẩy và cũng có nghĩa là mỗi năm có 28.500 tấn xút từ Nhà máy giấy Hậu Giang đổ ra môi trường...".

“Dây chuyền sản xuất của các nhà máy giấy thuộc Lee&Man đều đạt chuẩn ISO 9000, ISO 14000. Tôi không ăn một xu nào của nhà đầu tư, tôi nói trên cơ sở kiểm chứng kỹ của một nhà khoa học” - GS-TS Nguyễn Ngọc Trân
Không đồng ý với quan điểm này, ông Vũ Văn Cường, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp tiêu dùng (Bộ Công thương) cho rằng: "Dự án này thực hiện đúng Luật Môi trường nên Bộ Công thương chấp thuận. Việt Nam có nhu cầu 1,8 triệu tấn giấy/năm trong khi đó sản xuất nội địa chỉ đạt 1,1 triệu tấn. Giai đoạn 2015 - 2020, cả nước có nhu cầu 5,1 triệu tấn giấy/năm. Vì thế, chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy giấy, bột giấy. Vùng nguyên liệu thật ra không đáng ngại lắm. Trong nước không đủ, nhà đầu tư sẽ nhập khẩu. Nhà đầu tư bỏ tiền ra chắc chắn họ đã tính toán rất kỹ rồi".

Các nhà khoa học ủng hộ

TS Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam phát biểu: "Trên thế giới không hiếm các nước không có rừng nhưng có ngành sản xuất bột giấy phát triển. Cục Lâm nghiệp cho rằng không có quy hoạch nên không thể triển khai dự án tại Hậu Giang là không ổn. Kinh tế thị trường sẽ điều chỉnh. Ngày nay chúng ta đừng yêu cầu sản xuất phải gắn với vùng nguyên liệu. Các quy hoạch phát triển như ngành giấy cần được liên tục điều chỉnh về tư duy, tầm nhìn, nhất là không tách rời thị trường Việt Nam ra khỏi thị trường WTO. Còn về nỗi lo sông Hậu có phải gánh chịu hàng nghìn tấn xút/năm, theo tôi sẽ là không vì khi nấu bột xong, lượng xút này nằm trong các thành phần của dịch đen. Dịch đen này sẽ được xử lý nhằm thu hồi (gần hết) xút để sử dụng lại. Nước thải sau khi thu hồi xút phải được xử lý các thông số  để đạt được giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam".

* Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nguyễn Phong Quang: "Dự án này không dừng lại ở 1,2 tỉ USD mà sẽ là 1,6 - 1,7 tỉ USD. Vùng nguyên liệu rồi đây sẽ tiếp tục được quy hoạch. Tôi yêu cầu Bộ NN-PTNT phải xem lại quy trình làm việc của mình. Các đồng chí nói không nghe, không biết gì về dự án là không thể chấp nhận được. Bộ Công thương cho nhập nguyên liệu chúng tôi mới dám triển khai. Chúng tôi đâu có hốt rác đổ về nhà".

* Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc: "Dự án này nếu gây tác động môi trường chúng tôi sẽ rút ngay. Hậu Giang nghèo nhưng không phải vì thế mà dự án nào cũng nhắm mắt làm cho bằng được".

* Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Thắng: "Về chủ trương đầu tư, tỉnh đã tuân thủ đúng quy trình và thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án. Địa phương gửi hồ sơ đến nhiều Bộ để thẩm tra và đã được các bộ thống nhất rất cao".

TS Phạm Mạnh Tài, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cho rằng: "Danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ban hành kèm theo Nghị định 80/2006/NĐ-CP ngày 9.8.2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thì các dự án sản xuất giấy và bột giấy không nằm trong danh sách này. Vì vậy chủ đầu tư đã lập 2 bản cam kết bảo vệ môi trường cho hai dự án để UBND huyện Châu Thành cấp giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Hậu Giang đã thực hiện đúng quy trình và tuân thủ theo Luật Bảo vệ môi trường 2005 và Nghị định 80".

GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nói: "Tôi đang ở Hà Nội và qua báo chí nắm được những thông tin phản hồi về Nhà máy giấy Hậu Giang. Tôi lập tức gặp TS Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường. Bộ trưởng nói đang giúp Hậu Giang làm báo cáo tác động môi trường. Việc này là làm thêm cho chắc chứ pháp luật không bắt buộc. Sau đó, tôi vào mạng tìm hiểu thật kỹ về nhà đầu tư.

Dự án Nhà máy giấy Hậu Giang là dự án thứ 15 trong chuỗi dự án của họ. Các dự án trước đó phần lớn triển khai tại Trung Quốc bên bờ sông Dương Tử nổi tiếng. Dây chuyền sản xuất của các nhà máy giấy thuộc Lee&Man đều đạt chuẩn ISO 9000, ISO 14000. Tôi không ăn một xu nào của nhà đầu tư, tôi nói trên cơ sở kiểm chứng kỹ của một nhà khoa học. Tham quan xong dây chuyền sản xuất tại nhà máy giấy ở Quảng Đông, tôi thật sự yên tâm cho dự án Nhà máy giấy Hậu Giang.

Tại Hậu Giang, nước thải ra họ sử dụng lại. Nước thải được xử lý yếm khí, penton để đảm bảo môi trường. Tiêu chí nước thải của Nhà máy giấy Hậu Giang cao hơn tiêu chí của Bộ Khoa học Công nghệ. Triển khai dự án tại Hậu Giang là thách thức nhưng cũng là thời cơ để tái sinh rừng, tăng thu nhập cho nông dân. Dân có thu nhập từ rừng tất họ sẽ quyết giữ rừng. Hiện nay chưa có nhà máy giấy, nông dân vẫn chặt tràm để bán qua Trung Quốc với giá rẻ mạt. Có nhà máy không đồng nghĩa với nguy cơ mất rừng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án cái nào còn thiếu, chưa chuẩn thì nhà đầu tư và địa phương phải bổ sung thêm".

 Quang Minh Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.