Giãn và suy tĩnh mạch

15/01/2008 15:00 GMT+7

* Tôi bị sưng, đau buốt mặt sau cẳng chân, sốt, nhưng không nổi rõ các mạch máu ở cẳng chân, đi khám được bác sĩ chẩn đoán "giãn tĩnh mạch". Vậy bệnh suy tĩnh mạch và giãn tĩnh mạch có gì khác nhau? Tôi bị tăng huyết áp, được bác sĩ cho dùng một loại thuốc điều trị, nhưng trong hướng dẫn sử dụng có ghi loại thuốc này có tác dụng làm giãn mạch, vậy tôi có dùng được không?

Nguyễn Minh Sơn, Nha Trang (Khánh Hòa)

- Trả lời:

Giãn tĩnh mạch là biến chứng của bệnh suy tĩnh mạch. Một khi bệnh nhân được chẩn đoán là giãn tĩnh mạch nông, khi đó bệnh đã ở giai đoạn 3 hoặc 4 theo phân loại 6 độ của Tổ chức Y tế thế giới. Có hai loại giãn tĩnh mạch: giãn tĩnh mạch sâu và giãn tĩnh mạch nông. Giãn tĩnh mạch nông rất dễ phát hiện bằng hình ảnh các tĩnh mạch nổi lớn, ngoằn ngoèo và có khi tạo thành từng búi lớn, thường ở những bệnh nhân bị bệnh lâu năm mà không điều trị hoặc điều trị không đúng. Còn giãn tĩnh mạch sâu, các triệu chứng thường kín đáo hơn như: phù chân khi đứng lâu, cảm giác tức nặng và nhiều hơn là đau bắp chân, thỉnh thoảng bị chuột rút nhất là vào buổi tối. Bởi các triệu chứng không rõ ràng, nên bệnh nhân lầm tưởng mình bị bệnh khác và điều trị tốn kém khá nhiều nhưng không hết bệnh.

Thuốc hạ huyết áp có những lọai (đặc biệt là thuốc hạ huyết áp loại ức chế kênh Calci) có tác dụng làm giãn mạch. Tuy nhiên, thuốc này chỉ làm giãn động mạch chứ hoàn toàn không làm giãn tĩnh mạch, nên anh có thể hoàn toàn yên tâm điều trị với sự theo dõi và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

PGS TS Nguyễn Hoài Nam
(Đại học Y Dược TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.