Không cần thiết di dời ga Sài Gòn

29/03/2008 00:16 GMT+7

Mới đây, UBND TP.HCM đề nghị điều chỉnh bỏ tuyến đường sắt quốc gia đi qua nội đô TP.HCM, đồng thời đề xuất di dời ga Sài Gòn (Hòa Hưng), ga Bình Triệu về Dĩ An (Bình Dương). Nhiều ý kiến không đồng tình với đề nghị này.


Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho biết, ở các đô thị lớn trên thế giới như New York, Washington, Paris, Tokyo, Bắc Kinh..., ga đường sắt quốc gia đều nằm ở trung tâm thành phố, kể cả ở nơi có mật độ dân cư đông như Bắc Kinh, nhà ga đường sắt quốc gia xây dựng đồ sộ, gấp 10 lần sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Tùng nói, nếu như ga Sài Gòn dời ra Bình Dương, thì hành khách phải di chuyển từ TP.HCM về Bình Dương và ngược lại bằng nhiều loại phương tiện giao thông khác. Bài toán đơn giản: một đoàn tàu hỏa có thể chở cả ngàn người; trong khi taxi chỉ chở được 4-6 người, xe gắn máy chở được 1 người, xe buýt chở tối đa 80 người.

Tất cả hành khách nếu phải trung chuyển bằng các loại phương tiện đường bộ, thì mật độ lưu thông ở cửa ngõ thành phố sẽ tăng rất cao, ùn tắc tăng rất nhiều lần và xã hội sẽ tốn kém chi phí cho việc trung chuyển này, chưa kể hành khách sẽ mất thêm rất nhiều thời gian. Ông Tùng cho rằng, do từ thời Pháp để lại, nên đường sắt quốc gia đi vào trong nội thành TP.HCM hiện phải giao cắt rất nhiều với đường bộ là điều bất tiện cho giao thông đô thị. Nhưng bây giờ, nếu đoạn đường sắt này được đưa lên cao hoặc đi ngầm dưới đất thì không cần thiết phải di dời ga Sài Gòn ra Bình Dương.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chọn vị trí ga cuối cùng của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam là ga Thủ Thiêm (thay vì ga Suối Tiên như đề nghị của UBND TP.HCM); đề nghị giữ nguyên vị trí ga Hòa Hưng và sẽ xây dựng đường sắt đi trên cao hoặc đi ngầm. Theo Bộ GTVT, việc thay thế chức năng đường sắt liên tỉnh bằng đường sắt đô thị (monorail) trên đoạn Dĩ An - Hòa Hưng và xóa bỏ trục xuyên tâm sẽ làm mất chức năng đường sắt liên vùng của tuyến đường sắt quốc gia. Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ sớm cho triển khai dự án đường sắt trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng để xóa bỏ giao cắt với đường bộ.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu - đường - cảng TP.HCM nói rằng, ông ủng hộ việc chuyển ra ngoài, nhưng là chuyển một phần mặt bằng ga Sài Gòn hiện hữu và toàn bộ depot Chí Hòa ra Bình Triệu, chứ không phải chuyển tất cả ra tận Dĩ An (Bình Dương). "Tôi vừa lên xã Bình Thắng, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, thực tế là không còn đất để xây dựng ga.

Nơi đó giờ đã trở thành khu công nghiệp, khu dân cư dày đặc. Hơn nữa, vị trí này có độ dốc đến 9 phần ngàn, không thể đặt ga đường sắt được. Tôi đề nghị nên giữ lại ga Sài Gòn, việc này có lợi cho người dân và đỡ tốn kém chi phí của xã hội. Nếu dời về Dĩ An thì sẽ khổ cho hành khách đi từ TP.HCM và phải mở thêm 1 con đường tương đương với xa lộ Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 15.000 lượt hành khách/ngày. Nếu vận chuyển bằng xe buýt thì cần tới 1.500 chuyến xe mỗi ngày. Xe buýt từ TP.HCM - Dĩ An phải mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, trong khi đi tàu hỏa chỉ mất khoảng 20 phút" - ông Trường phân tích. Ông Trường đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND TP.HCM và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nên phối hợp làm ngay đoạn đường sắt trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng, vì để chậm ngày nào thì áp lực ùn tắc giao thông sẽ còn đè nặng ngày đó. 

Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) cũng có ý kiến gửi Bộ GTVT về điều chỉnh quy hoạch đường sắt trong quy hoạch GTVT TP.HCM đến năm 2020. Về ga Sài Gòn, Tedi South cho rằng ga này có vị trí thuận tiện nhất để trung chuyển hành khách, vì nằm ngay trung tâm và là vị trí rất quan trọng trong việc tổ chức vận chuyển hành khách đô thị trên 4 tuyến đường sắt nội - ngoại ô. Bốn tuyến đường sắt nội - ngoại ô là Hòa Hưng - Biên Hòa - Xuân Lộc (dài 77 km); Hòa Hưng - Phú Mỹ (50 km); Hòa Hưng - Chơn Thành (81,5 km) và Hòa Hưng - Mỹ Tho (70 km). Nếu chuyển ga Hòa Hưng ra vị trí khác thì đường sắt nội - ngoại ô không còn điểm đến và phải thay đổi chiến lược phát triển đô thị.

Tedi South cho rằng, TP.HCM đang quá tải nên trong tương lai sẽ phát triển các đô thị vệ tinh bên ngoài. Điều kiện tiên quyết để phát triển đô thị theo mô hình đô thị hạt nhân - vệ tinh là phải xây dựng hệ thống vận chuyển có khối lượng lớn. Đường sắt nội - ngoại ô vận chuyển hành khách theo kiểu "con lắc" là phù hợp với dạng giao thông trong tương lai, giống như các nước tiên tiến. Vì thế, việc chuyển ga Sài Gòn, Bình Triệu ra bên ngoài là không phù hợp và cần xem xét thêm kinh nghiệm của các nước.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.