Béo bụng và hội chứng chuyển hóa

06/05/2008 14:59 GMT+7

Hội chứng chuyển hóa là tình trạng cùng lúc cơ thể có sự hiện diện của nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh; ví dụ như đái tháo đường, tim mạch, rối loạn cương dương...

Nguy cơ mắc bệnh

Nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa gia tăng theo độ tuổi. Tại buổi sinh hoạt chuyên đề về hội chứng chuyển hóa, diễn ra ở Trung tâm Dinh dưỡng (TP.HCM) hôm 27.4 vừa qua, các bác sĩ của Trung tâm Dinh dưỡng cho biết ở những người từ 20-30 tuổi nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa chiếm khoảng 10%, nhưng tỷ lệ này tăng lên đến 40% ở những người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng có nhiều trẻ nhỏ bị béo phì, do vậy, hội chứng chuyển hóa cũng gia tăng ở trẻ và đây là nguy cơ dẫn đến trẻ mắc bệnh tim mạch. Hội chứng chuyển hóa hiện cũng đang bắt đầu gia tăng ở các thành phố lớn.

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc hội chứng chuyển hóa, trong đó hai yếu tố chính là tình trạng cơ thể kháng insulin (cơ thể không sử dụng tốt insulin) và tình trạng béo ở phần bụng. Phần lớn những người kháng insulin lại đi kèm tình trạng béo bụng. Kháng insulin được xem là yếu tố di truyền, chủng tộc, do tăng tích tụ mỡ trong cơ thể (đặc biệt là ở vùng bụng), ít hoạt động thể lực. Những người trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng mỡ máu... sẽ có nhiều nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa hơn những người khác. Người châu Á có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa nhiều hơn các nơi khác...

Biến chứng

Theo các bác sĩ trình bày, những người mắc hội chứng chuyển hóa sẽ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cao gấp 3 lần, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao gấp 5 lần so với người bình thường. Ngoài ra, hội chứng chuyển hóa còn khiến người ta mắc bệnh rối loạn cương dương (do xơ vữa mạch máu dẫn máu đến dương vật), làm tăng huyết áp (do xơ vữa mạch máu thận), đau chân cách hồi (do xơ vữa mạch máu chi dưới)...

Để điều trị hội chứng chuyển hóa, bác sĩ phải điều trị để giảm cân nặng cho người bệnh (nếu có béo phì), giảm béo bụng - gọi béo bụng khi nam giới có vòng bụng từ 90 cm trở lên, và nữ từ 80 cm trở lên; giảm lượng muối "nạp" vào cơ thể (5g/người/ngày cho người không tăng huyết áp, và 2-4g/người/ngày cho người có huyết áp cao); hạn chế rượu, bia (để hạn chế cồn); hạn chế lượng đường (dưới 20g/người/ngày); hạn chế những thực phẩm giàu

cholesterol (như: da, lòng, óc, phủ tạng của động vật; cá viên chiên; thịt mỡ...); ngưng hút thuốc lá (vì thuốc lá làm gia tăng tình trạng kháng insulin, và làm nặng thêm các biến chứng do hội chứng chuyển hóa gây ra); tăng lượng kali hằng ngày (kali có nhiều trong nho khô, khoai tây, chuối, nước dừa, nước rau luộc...); sử dụng nhiều rau củ quả (để cung cấp chất xơ) - dùng 300-400g rau củ/ngày và 200g trái cây/ngày; tăng hoạt động thể lực phù hợp với sức khỏe...

Khánh Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.