Bão chuyển hướng đổ bộ Khánh Hòa, Ninh Thuận

18/11/2008 00:42 GMT+7

* ít nhất 5 người chết, 71 tàu thuyền bị chìm *Bão tan, đối diện với mưa lớn Trong khi hầu hết các mô hình dự báo bão số 10 tối 16.11 đều cho rằng tâm bão sẽ đi qua Nam Bộ thì chiều qua 17.11, tâm bão đã vào địa phận giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận. Bấm vào đây để nghe đọc bài này

Chạy bão rầm rộ trên nhiều tỉnh, thành
Tâm bão số 10 đi vào các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận

Khánh Hòa: Tất cả tàu thuyền đánh cá đã vào bờ an toàn
Ninh Thuận: Còn hơn 750 ngư dân chưa vào bờ tránh bão
ĐBSCL khẩn trương phòng chống bão

Chiều qua 17.11, bão số 10 di chuyển nhanh và đổ bộ vào địa phận các tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận, tâm bão đi vào giữa thị xã Cam Ranh và thị xã Phan Rang. Sau đó, bão suy yếu rất nhanh thành một vùng áp thấp. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, hồi 16 giờ cùng ngày, tâm vùng áp thấp nằm trên địa phận các tỉnh Khánh Hòa – Lâm Đồng. Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển về phía tây, suy yếu và tan dần.

Bão số 10 đã gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 trên vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ; một số nơi trên đất liền các tỉnh Phú Yên – Ninh Thuận có gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 và có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính đến 16 giờ chiều qua tại Phú Lâm (Phú Yên) là 105 mm, TP Nha Trang (Khánh Hòa): 138 mm, Bà Râu (Ninh Thuận): 177 mm... Vì vậy, lũ trên các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận đang lên nhanh.

Mực nước lúc 16 giờ chiều qua trên sông Côn tại Thạch Hòa ở mức 5,55m (trên BĐI: 0,05m), sông Dinh tại Ninh Hòa: 4,96m (xấp xỉ mức báo động III), sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng: 6,9m (dưới báo động I: 1,10m). Dự báo, hôm nay 18.11, lũ các sông từ Bình Định đến Phú Yên có khả năng lên mức báo động I - báo động II; các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận lên mức báo động II – báo động III.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đêm qua và ngày nay 18.11, bộ phận không khí lạnh sẽ tràn xuống Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó xuống Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa nhỏ, mưa rào nhẹ vài nơi, trời chuyển rét. Ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ trong 2 - 3 ngày tới có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Vì sao bão chuyển hướng và vào đất liền sớm hơn dự báo? Trao đổi với PV Thanh Niên tối qua, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ) đã có những nhận định ban đầu về vấn đề này. Thạc sĩ Lan nói: Cơn bão này lạ lắm, khi vào gần đến đất liền mà hoàn lưu vẫn còn xoáy rất rõ, nhưng gió tại Cam Ranh và Nha Trang có 12m/giây, giật hai mươi mấy mét/giây (gió trung bình chỉ đạt cấp 6, giật đến cấp 8, cấp 9). Cơn bão này chủ yếu là gây mưa và gió giật.  “Chiều 17.11, không khí lạnh mới về tới biên giới phía Bắc nước ta.

Nếu như không khí lạnh về mà bão vẫn còn ở ngoài biển thì sẽ đẩy bão đi xuống đúng như dự báo. Nhưng cơn bão này đi quá nhanh. Trước 1 giờ sáng 17.11, bão vẫn còn đi theo hướng tây, nhưng từ 1-10 giờ sáng bão đã nhích lên phía tây - tây bắc và đi nhanh quá. Theo dự kiến thì sau 19 giờ mới vào đến đất liền, nhưng 14 giờ chiều bão đã vào rồi. Bây giờ chưa có thời gian để nghiên cứu kỹ nguyên nhân vì sao bão đi “tốc hành” như vậy. Rất hiếm có cơn bão trên biển Đông di chuyển với tốc độ 35 km/giờ như cơn bão này và vẫn giữ nguyên tốc độ như thế đến nửa ngày.

Do vậy, các mô hình dự báo đuổi theo không kịp. Nói chung hầu hết các mô hình dự báo về cơn bão này đều sai. Dự báo của Mỹ, của Anh đến chiều 17.11 (khi bão đã tan) mà vẫn còn cho bão đi qua tới Ấn Độ”, Thạc sĩ Lan phân tích.

 Q.Duẩn - M.Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.