Những người thầy không biên chế

19/11/2008 22:32 GMT+7

Có những thầy cô không thuộc biên chế của ngành giáo dục nhưng họ có hơn chục năm tự nguyện đứng lớp... Ông nông dân gieo... chữ

Cầm phấn viết bảng đã gần 10 năm, chưa lúc nào ông Hoàng Văn Nam ở thôn Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) nhận mình là thầy giáo.

Từ cày ruộng sang cày chữ

Ông Nam mời chúng tôi vào nhà. Đó là một căn nhà 2 tầng cũ kỹ, tuềnh toàng, cả nhà ông ở trên căn gác 2, còn tầng 1 là lớp học với dăm bộ bàn ghế, chiếc bảng đen nhỏ xinh.

Chia sẻ về cái duyên đến với nghề “gõ đầu trẻ”, ông Nam tâm sự: “Tôi chuyển từ cày ruộng sang cày chữ xuất phát từ việc dạy đứa con lớn của mình cách đây 10 năm”. Ban đầu ông Nam chỉ nhận kèm con cháu trong nhà: “Cũng toàn đứa học kém vì chúng bị hổng kiến thức. Đứa nào đến học thì điều đầu tiên tôi cũng dành thời gian nghe chúng nói vì sao mình chán học. Có đứa bảo là do cô giáo giảng bài nhanh quá, có đứa nói ham chơi điện tử, có đứa vì chuyện gia đình... Mỗi đứa tôi đều đưa ra lời khuyên để chúng hiểu mà toàn tâm cho chuyện học. Tôi dạy môn Toán vì đó là môn cơ bản, nếu học được, các môn khác chúng biết phương pháp và sẽ tự học được tốt”. Tiếng lành đồn xa, rất nhiều gia đình muốn đưa con đến cho ông Nam kèm cặp. Lúc này ông Nam mới tá hỏa: “Tôi không phải là thầy giáo, tôi không thể nhận bừa để dạy được”. Nhưng rồi các bậc phụ huynh tha thiết quá, ông Nam đánh liều, tiêu chí của bác là chỉ nhận kèm cặp những em học sinh yếu kém, bị hổng kiến thức.

Sàng lọc học trò

Ông Nam bộc bạch: “Qua tìm hiểu tôi được biết, đứa khá không thích cách dạy của tôi vì chúng đã biết hết, nghe lại thấy rất chán. Còn đứa nào kém thì lại cảm thấy thích thú. Biết vậy, tôi nói thẳng với tụi nhỏ là phải tách nhau ra, không học chung được. Cháu học khá có thể học riêng một lớp, bác sẽ dạy kiểu khác”.

Chính sự sàng lọc học trò mà lớp của ông Nam chỉ từ 10 đến 15 em nên ai ông cũng biết tính cách, cũng hiểu được điểm yếu để khắc phục, rèn dũa. Hơn thế ông Nam cũng rất thoải mái trong cách ngồi học. Thông thường ông ngồi cùng bàn với học sinh để tiện chỉ bảo luôn cho các em.

Đồ đạc của cả gia đình ông Nam trong căn gác 2 rộng chừng 20m2 có 1 bộ bàn ghế nhựa, 1 chiếc tivi nhỏ, 1 chiếc võng, 1 chiếc giường. Còn lại tất cả những chỗ trống được tận dụng để sách. Góc bên trái phòng là hàng trăm cuốn sách tham khảo môn toán của ông Nam tích trữ gần 10 năm nay, góc bên phải là hàng chục chồng sách giáo khoa cũ.

Thực tế, cuộc sống hiện nay của gia đình ông Nam vẫn rất khó khăn, tuy ngày nào cũng có người đến học, thậm chí có ngày phải dạy 3 ca liên tục.  “Ban đầu tôi không nhận tiền thì bố mẹ các cháu mang quà sang biếu, thú thật có nhiều cái tôi không dùng được mà không nhận thì họ lại trách. Sau đó tôi thu tiền với mức từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/cháu, học riêng 1 cháu thì tùy tâm gia đình. Có những cháu nhà khó khăn tôi miễn phí hoàn toàn”, ông Nam bộc bạch.

Ông Nam có nhắc tới một “sự cố” khi có đông học sinh đến học: “Có một  cô giáo trong xã xuống nhà yêu cầu tôi ngừng dạy vì nói tôi không có bằng cấp gì dạy như thế này là phạm pháp. Lúc đó tôi cũng hoang mang lắm vì đúng mình chỉ là anh nông dân. Nhưng sau, chính quyền xã rất ủng hộ bảo tôi cứ tiếp tục kèm cặp các cháu, nên tôi yên tâm phần nào”.

Hồng Minh - Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.