Hàng khuyến mãi “đại náo” thị trường - Bài 1: Thực thực, hư hư

09/12/2008 14:41 GMT+7

Càng về cuối năm, không khí khuyến mãi giảm giá sản phẩm lại náo nhiệt trên khắp nẻo phố Sài Gòn. Đặc biệt, năm nay nhiều sản phẩm giảm giá đến 70%-80%. Thực hư của các “chiêu” khuyến mãi này ra sao?

Khuyến mãi để kích cầu

Nhìn chung, giải pháp khuyến mãi bằng hình thức giảm giá có thời hạn hoặc kèm quà tặng trong chiến lược kinh doanh-tiếp thị cuối năm đang được các đơn vị áp dụng khá phổ biến. Tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, một “đại gia” đang tung ra chương trình khuyến mãi trên nhiều nhãn hàng bột giặt, dầu gội, mỹ phẩm dành cho khách hàng nhân dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch.

Hệ thống Big C cũng có nhiều chương trình khuyến mãi như “Mua hàng giá thật rẻ, vui vẻ đón Giáng sinh” với hàng trăm mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, gạo, bột giặt, dầu gội, quần áo, dụng cụ nhà bếp, phòng ngủ… giảm giá đồng loạt 9%-50% và kèm theo nhiều quà tặng thiết thực.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, trong lượng hàng điện tử khuyến mãi có khoảng 50% là hàng tồn kho, lỗi mốt. Người dân trước khi mua hàng khuyến mãi giảm giá nên xem xét kỹ các thông số kỹ thuật, như độ tương phản, độ phân giải, nhất là đối với các loại tivi LCD.

Trong đó, nhiều sản phẩm điện thoại di động, tivi, đầu đĩa DVD, lò nướng viba… giá còn rất thấp. Ngoài ra, với chủ đề “Chợ thực phẩm tươi trong tháng” tại đây còn có nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm thịt tươi sống như dưa hấu, lê, cà chua, thịt gà làm sẵn được bán với giá thấp hơn giá thị trường từ 6% đến 12%. Tương tự, tại siêu thị Hà Nội, nằm trên đường Cống Quỳnh, quận 1 và hệ thống siêu thị CitiMart, từ đầu tháng 9 đến nay có nhiều chương trình khuyến mãi của các nhà cung cấp như Unilever, Vinamilk, Vissan… thực hiện dày đặc.

Theo bộ phận kinh doanh của các siêu thị và công ty cung cấp hàng chính hãng, việc đồng loạt khuyến mãi giảm giá là nhằm kích cầu tiêu dùng sau thời gian dài ế ẩm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặt khác, từ ngày 1-1-2009, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng hóa chất lượng cao của nhiều nước trong khu vực đang tràn vào, nên buộc doanh nghiệp trong nước phải chủ động bán tháo những mặt hàng sắp hết mốt, khó cạnh tranh để thu hồi vốn.

Một cán bộ Sở Công thương TPHCM cho biết, cuối năm là thời điểm các trung tâm thương mại, siêu thị đẩy mạnh bán ra nhằm tăng doanh số, lấy tiền để ký kết hợp đồng cho năm tới với nhà sản xuất. Ngoài ra, việc khuyến mãi giảm giá sẽ giúp đẩy mãi lực tăng nhanh, từ đó doanh thu càng cao, các trung tâm, siêu thị càng có cơ hội nhận được mức chiết khấu càng lớn.

Giảm giá “ảo”

Trên thực tế, việc khuyến mãi giảm giá nở rộ thời gian gần đây đối với những sản phẩm không có tính cạnh tranh, sắp hết mốt cũng như tránh “chạm mặt” hàng ngoại sắp đổ bộ vào thị trường là có thật. Tuy nhiên, lợi dụng hình thức này, khá nhiều sản phẩm khuyến mãi giảm giá dạng “ăn theo” đang đánh lừa, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.

Bảng quảng cáo giảm giá tại một cửa hàng mắt kiếng. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một trong những kỹ thuật giảm giá ảo khá phổ biến hiện nay là đẩy giá lên cao chót vót, sau đó giảm mạnh đến 50%-80%. Chị Nguyễn Thị Thủy, ngụ quận Bình Thạnh cho biết, tuần qua chị cùng người bạn vào shop H. kinh doanh quần áo trên đường Hai Bà Trưng, quận 3. Sau khi dạo một vòng các kệ trưng bày áo quần, chị quyết định mua một bộ váy với giá 650.000 đồng, trong đó được giảm giá hơn 50%, còn 300.000 đồng.

 “Những tưởng mua được bộ váy giá hời, nào ngờ hôm rồi tôi ghé vào một shop quần áo trên đường Võ Văn Tần, quận 3 thấy bộ váy giống hệt của mình nên hỏi giá thử. Ai dè bà chủ cửa hàng bán bộ váy chỉ có 180.000 đồng và khuyến mãi thêm một cái khăn quàng cổ nhân dịp Giáng sinh sắp tới!”, chị Thủy tiếc nuối kể lại. Tương tự, nhiều nơi đăng quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn khắp trung tâm thương mại… nhưng giới thiệu giá không đúng.

Ví dụ, tại một số trung tâm điện máy quảng cáo tivi phẳng loại 21 inch của LG, Toshiba ghi: “Giá cũ là 2,45 - 3 triệu đồng/cái, nay giảm xuống còn 1,99 triệu đồng/cái”. Nhưng thực chất  giá các sản phẩm này chỉ còn 1,9 triệu đồng/cái. Hay như tivi LCD loại 47 inch của LG, Samsung giá thật chỉ khoảng 25 triệu đồng/cái nhưng lại được đẩy giá lên trên 50 triệu đồng/cái rồi giảm giá 10 triệu đồng/cái nhằm gây chú ý…

Tương tự, anh Nguyễn Văn Huy, ngụ 18A/32/B4 Nguyễn Thị Minh Khai, phường ĐaKao, quận 1 cho biết, cách đây vài tháng, giá của chiếc bàn ủi hiệu Philips 1127 là 230.000đ, nhưng gần đây trên trang thông tin khuyến mãi của một số siêu thị điện máy, lại báo giá 229.000đ sau khi đã giảm 25%; hay như giá của chiếc ổ cứng USB hiệu Transcend dung lượng 2GB có giá 79.000 đồng sau khi đã giảm 50% của giá gốc là 159.000đ, nhưng qua tìm hiểu thực tế giá của sản phẩm này tại các cửa hàng máy tính khác dù không giảm giá cũng chỉ có 75.000 đồng!

Đại diện một số nhà phân phối hàng điện tử cho hay, cuối năm các nhà bán lẻ thường tung ra các đợt khuyến mãi dồn dập nhằm lôi kéo khách hàng. Trong các chương trình giảm giá rầm rộ thực chất mỗi mặt hàng chỉ có một, hai model là có giảm giá, thậm chí số lượng cũng chỉ lèo tèo vài ba cái, còn lại đều bán giá cao. Một số nơi còn tung hàng tồn, hàng trưng bày, hàng dùng thử để đưa vào chương trình giảm giá…

Bài 2: Muôn mặt hàng dỏm.

Theo Lạc Phong - Mai Thi / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.