Vì sao người chạy thận nhân tạo lại viêm gan siêu vi C?

17/02/2009 10:49 GMT+7

Tôi có người nhà đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện (BV) An Sinh (TP.HCM). Trong đợt xét nghiệm định kỳ vừa qua có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan siêu vi C, nhưng BV không có một lời giải thích làm bệnh nhân rất hoang mang và lo lắng. Mong quý báo tìm hiểu nhằm giải tỏa lo lắng cho bệnh nhân.

(Vân Anh, TP.HCM)

TS.BS Ngô Đăng Sơn Anh (giám đốc BV An Sinh)

Cuối năm 2008, BV An Sinh làm xét nghiệm tầm soát viêm gan siêu vi C cho bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại khoa lọc máu của BV (phương pháp Elisa). Kết quả có 15 bệnh nhân bị nhiễm viêm gan siêu vi C. Bác sĩ của khoa có giải thích tạm thời cho bệnh nhân và chuyển sang chạy máy nghi ngờ nhiễm viêm gan siêu vi C. Đồng thời, BV có kiểm tra lại mẫu máu của 15 bệnh nhân này tại Trung tâm xét nghiệm Medic cũng bằng phương pháp Elisa. Kết quả 15 bệnh nhân này đều bị viêm gan siêu vi C. Ngoài ra, những bệnh nhân này còn được BV tầm soát phát hiện nhiễm viêm gan siêu vi C bằng phương pháp RT-PCR (HCV-RNA).

Kết quả, có bệnh nhân HCV-RNA dương tính, phù hợp với kết quả của phương pháp Elisa. Điều này chứng tỏ bệnh nhân đã nhiễm viêm gan siêu vi C đang hoạt động (có nguy cơ lây nhiễm cao) và phải chạy máy lọc thận dành riêng cho bệnh nhân viêm gan siêu vi C. Có bệnh nhân HCV-RNA âm tính mặc dù kết quả xét nghiệm Elisa dương tính, trường hợp này có thể bệnh nhân đã nhiễm và đã khỏi bệnh, chỉ còn kháng thể tồn tại.

Bệnh nhân này là người lành mang mầm bệnh, nguy cơ lây nhiễm rất thấp và sẽ cho chạy máy nghi ngờ trong ba tháng. Đó là do HCV-RNA rất dao động trong cơ thể nên phải làm lại xét nghiệm sau ba tháng để kiểm tra. Đồng thời có những bệnh nhân mới bắt đầu nhiễm viêm gan siêu vi C trong thời gian dưới ba tháng có nồng độ kháng thể Anti HCV rất thấp nên khi xét nghiệm có thể chưa phát hiện được. Đối với trường hợp này, BV cẩn thận cho bệnh nhân chạy máy nghi ngờ.

Trên thế giới và VN, vấn đề nhiễm viêm gan siêu vi C ở bệnh nhân lọc máu có nguy cơ cao hơn rất nhiều lần so với bệnh nhân không phải lọc máu do nhiều nguyên nhân như: điều trị dài ngày, phải phẫu thuật tạo cầu nối thông động tĩnh mạch-FAV, tiêm truyền nhiều lần, truyền máu, dùng chung máy, môi trường lây nhiễm cao...

Theo L.TH.H / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.