Tiểu nhiều chưa hẳn là tiểu đường

27/02/2009 10:21 GMT+7

Trong số những bệnh nhân mệt mỏi đợi chờ ở các phòng khám nội tiết, có gần 20% đi khám bệnh vì tiểu nhiều. Họ lo lắng không yên, sợ mình mắc bệnh đái tháo đường.

Do lẽ dân số đái tháo đường ở Việt Nam đã chiếm xấp xỉ 10%, trong khi số lượng bác sĩ được đào tạo để chuyên trị đái tháo đường chỉ tròm trèm chín chục, nên nỗi khổ của căn bệnh thế kỷ này đã biến thành một con ngáo ộp với nhiều người.

Trong “bộ tứ” ăn nhiều - uống nhiều - tiểu nhiều - sụt cân, tiểu nhiều dường như là triệu chứng dễ nhận biết nhất, nhưng nguyên nhân chính của tiểu nhiều chưa hẳn là đái tháo đường.

Bình thường chúng ta xả “bầu tâm sự” chỉ khoảng  3-5 lần một ngày. Lượng nước tiểu mỗi lần khoảng một lon sữa bò, trong suốt hoặc vàng nhạt, cảm giác suôn sẻ như trút bỏ gánh nặng… trăm cân. Khi tiểu nhiều, ta chú ý thêm không chỉ số lần mà cả số lượng, đặc tính và các rối loạn khác.

Điều đầu tiên nên làm khi ta tiểu nhiều là xem xét lại việc dùng thuốc và ăn uống. Một số thuốc dùng điều trị tăng huyết áp, suy tim, xơ gan... có thể là thuốc lợi tiểu gây tiểu nhiều. Một số thuốc và thức ăn có thể chứa chất lợi tiểu, dùng mỗi ngày sẽ đi tiểu nhiều hơn thường lệ. Đậu phộng rang nguyên vỏ lụa, cà phê, mía lau, mã đề, trà xanh, dưa leo… cần loại ra khỏi thực đơn trước khi bắt đầu lo lắng với chứng tiểu nhiều.

Nói ra thì ngại

Có nhiều bệnh lý gây tiểu nhiều, trong đó kể đến đầu tiên là nhiễm trùng tiểu. Nhiễm trùng tiểu thường gặp ở các bé gái, quý cô, quý bà hơn quý ông, vì niệu đạo (đường tiểu) của phụ nữ ngắn nên vi trùng dễ xâm nhập. Những phụ nữ sinh nở nhiều, bị đái tháo đường, bị cushing do thuốc, bị các bệnh lý nội khoa mãn tính như xơ gan, tai biến mạch máu não…càng dễ bị hơn.

Đặc điểm của nhiễm trùng tiểu là tiểu nhiều lần, tiểu gắt buốt, tiểu són, tiểu gấp. Ngoài ra, nhiễm trùng tiểu còn có thể đi kèm các triệu chứng đau vùng bụng dưới, đau hông lưng, sốt, biếng ăn… Nguy hiểm ở chỗ chúng ta ngại nói ra, ngại đi khám, nhịn uống nước làm bệnh ngày càng trầm trọng thêm. Nếu không được chữa  trị kịp thời, vi khuẩn có thể lên đến hai quả thận quý báu gây viêm đài bể thận cấp, thậm chí đi vào máu gây nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng.

Bình tâm xem xét

Khi mắc chứng tiểu nhiều hãy bình tâm xem xét các yếu tố gây nhiễu, sau đó xét kỹ các dấu hiệu và triệu chứng để định hướng chính xác chuyên khoa thăm khám. Thông thường là khoa tiết niệu và nội tiết. Việc chẩn đoán đái tháo đường được xác định chính xác bằng thử máu lúc đói hai lần thấy mức đường máu từ 126 mg/dl (hay 7 mmol/l) trở lên.

Nếu ai đó chỉ xét nghiệm nước tiểu hoặc chỉ xét nghiệm máu một lần mà bảo bạn bệnh đái tháo đường, nên đặt dấu hỏi và đến ngay bác sĩ chuyên khoa để tránh bị chẩn đoán và trị liệu quá đà dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.

Đối với các quý ông, tiểu nhiều phần lớn là chứng u tuyến tiền liệt. Bệnh lý này gây phiền hà khoảng 45% nam giới khi bước sang tuổi 50, ngày càng trầm trọng hơn và gia tăng đến 75 % ở tuổi 70!

Tuyến tiền liệt là một bộ phận trong hệ thống sinh dục nam bao quanh đường tiểu, sản xuất tinh dịch. Khi tuyến tiền liệt phình to ra sẽ chèn ép vào đường tiểu, ảnh hưởng đến tiểu tiện. Đầu tiên tia nước tiểu sẽ yếu đi chứ không văng xa như thời còn trai trẻ. Ngày nay triệu chứng này rất khó nhận biết vì hầu hết chúng ta sử dụng bồn cầu, nếu thỉnh thoảng có ra ngoài lai rai hương đồng gió nội thì lại đang có tí men bia nên chẳng để tâm, trừ phi tiểu rớt ướt cả ngón chân…

Sau đó bắt đầu đêm đêm túc ta túc tắc thức dậy đi “giải quyết” làm ngủ mất ngon. Nặng hơn nữa là đêm đi mà ngày cũng đi, mỗi lần một ít, mà cứ phải đi gấp gấp, rồi đến lúc cứ vừa kéo dây kéo lên xong lại thấy... mắc tè! Rối loạn này dễ làm ứ đọng nước tiểu gây ra nhiễm trùng tiểu.

Với nam thanh niên, các viêm nhiễm tuyến tiền liệt cũng có thể gây ra những triệu chứng tương tự.

Uống vào thì đi

Đứng sau hai thủ phạm này mới là triệu chứng của đái tháo đường. Tuy nhiên, “con ngáo ộp” này thường bao gồm bốn dấu hiệu như đã nói ở trên. Riêng về chứng tiểu nhiều, thường xuất hiện triệu chứng tiểu đêm trước, sau đó mới tới tiểu suốt ngày. Khác với tiểu nhiều do các nguyên nhân khác, tiểu nhiều do đái tháo đường thường gia tăng cả số lần và số lượng, tức là vừa tiểu nhiều lần, vừa tiểu ào ào chứ không ri rỉ như mấy kiểu kể trên.

Phổ biến không kém, tiểu nhiều ban đêm là dấu hiệu cảnh báo của đôi quả thận đã đến hồi trục trặc, đặc biệt ở những bệnh nhân tăng huyết áp, bị bệnh thận mãn tính diễn tiến âm thầm… Hiếm gặp hơn là các chứng tiểu nhiều lần do tâm lý, thường gặp ở các bé trai hơn bé gái, gọi là tiểu láu. Chứng tiểu nhiều do tâm thần (uống nhiều - tiểu nhiều) cũng là một bệnh khó trị. Chứng đái tháo nhạt là một bệnh lý do tuyến yên (nằm trong não) bị tổn thương sau tai nạn, sau phẫu thuật sọ não, sau viêm nhiễm. Chứng suy tuyến giáp trạng cũng làm gia tăng số lượng nước tiểu. Hai chứng bệnh này cần được khám và làm các xét  nghiệm nội tiết sâu hơn.

Theo BS Vành Khuyên / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.