Tuổi thơ vất vả

31/05/2009 15:36 GMT+7

Không may mắn như các bạn cùng lứa, vẫn có rất nhiều trẻ em đang phải oằn mình làm việc để mưu sinh. PV Thanh Niên đã có mặt ở nhiều nơi, và ghi nhận những hình ảnh mà người lớn không khỏi băn khoăn khi chứng kiến... Mời nghe đọc bài

Mưu sinh trên đồi cát

Đó là những đứa trẻ nghèo, trên tay chỉ có một tấm trượt. Chúng luôn miệng mời các vị khách trượt đồi cát để tạo cảm giác khác lạ. Hàng trăm đứa trẻ ở Mũi Né đang kiếm tiền bằng nghề này.

Đồi cát bay Mũi Né đầu mùa hè, trời nắng chang chang. Mới 3 giờ chiều, những cô cậu Ty, Tùng, Bảo, Bích... mặt đen nhẻm đứng núp trong những bóng cây dương chờ khách đến. Mùa hè chủ yếu là du khách trong nước, vì thế kiếm tiền khó hơn. Tôi hỏi giá một lần trượt cát hết bao nhiêu, lập tức cả bọn lao nhao: "10 ngàn đồng 1 tấm trượt, đi mấy lần cũng được".

Trần Thị Như (12 tuổi), cô bé ít nói nhất trong nhóm, từng là học sinh lớp 7A trường THCS Lê Hồng Phong (P.Mũi Né), do hoàn cảnh khó khăn nên nghỉ học ra đồi cát kiếm sống. Còn cô bé tên Nhi thì: "Cả nhà cháu đi biển rồi. Hai chị em cháu đi làm nghề này mới có tiền ăn chứ. Chú tưởng kiếm được vài đồng là dễ lắm sao? Có lúc gặp con nhà giàu, do xuống dốc cát quá nhanh, mất hồn khóc la um xùm. Tụi cháu bị khách la mắng là sao để con họ sợ".

Theo ông Hà Thúc Thủy - Phó chủ tịch UBND phường Mũi Né, dịch vụ cho thuê tấm trượt trên đồi cát Mũi Né có hàng chục năm nay. Lúc đầu chỉ khoảng hai chục em, nhưng đến nay con số này đã lên đến khoảng 120. Tất cả bọn trẻ hành nghề ở đây đều từ nơi khác đến và chúng đều đã bỏ học. Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho rằng: "Bọn trẻ làm có tiền nên rất ham, nhưng không thể để trẻ con cứ đi làm như thế mãi được. Cha mẹ phải có trách nhiệm, chính quyền phải chăm lo. Không học được chữ thì phải học nghề. Nếu nhu cầu trượt cát lớn, phải tổ chức hẳn hoi và do người lớn đứng ra làm. Nhiều người nước ngoài đến đồi cát Mũi Né tỏ vẻ ngạc nhiên khi chúng ta cứ để tụi nhỏ kiếm tiền như thế".

Quế Hà

Bán tuổi thơ cho nghề cá

Nửa đêm. Những đứa trẻ lồm cồm bò dậy cầm kéo, mang thau đi theo cha mẹ vào các xưởng cá mưu sinh. Những tiếng cười trong trẻo, thơ ngây của các em trong đêm lại khiến người nghe chạnh lòng...

 

Công việc hằng ngày của các em ở xưởng cá - Ảnh: Nguyễn Long

Phường 12, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) lúc 1 giờ. Quốc lộ 51 vắng lặng, không một tiếng động cơ xe. Tại các khu nhà trọ trên đường Phước Thắng dẫn vào khu phố 4, 5, tiếng dao kéo va vào nhau loảng xoảng. Tiếng mọi người gọi nhau í ới. Tiếng mẹ gọi con, tiếng con gọi cha mau thức dậy đi làm cá.

Trong một căn phòng nhỏ ở dãy nhà trọ bằng lá dừa ẩm thấp, bà Lý Thị Tám (62 tuổi, quê Sóc Trăng) hối thúc đứa cháu ngoại Thái Hoàng Khang dậy đi xẻ cá bò. Chưa đầy một phút Khang đã vào phòng cầm thau và kéo theo các dì, cậu đến xưởng cá nhà ông T. cách nhà trọ chừng vài trăm mét. Đã 12 tuổi nhưng trông Khang như đứa trẻ lên 7. Khang gầy guộc, nhìn nơi nào trên thân thể của Khang cũng thấy xương xẩu nhô ra trên chiếc áo mỏng tanh.

Khang có hơn 6 năm làm nghề cá nên tài xẻ cá của Khang ở khu nhà trọ ai cũng thán phục. "Khang làm cá rất giỏi, không thua gì người lớn đâu chú ạ!", bà Tám khoe tài cháu ngoại. "Em chưa đến trường lúc nào. Em rất muốn làm ra thật nhiều tiền để được đi học" - Khang tâm sự. May mắn hơn Khang một chút, Trần Đức Khanh (9 tuổi) còn có mẹ. Khanh còn được đến trường nhưng học chưa hết lớp một cũng theo mẹ làm nghề xẻ cá bò. Cha mẹ ly dị khi Khanh mới vừa đến ngày thôi nôi. Khanh mới lên xóm trọ này hơn 4 tháng nay, cũng từng đó ngày Khanh cùng mẹ đi xẻ cá bò tại xưởng cá nhà ông T. Khanh từng làm cá tại các xưởng cá trên địa bàn P.5, TP Vũng Tàu.

Tại các khu nhà trọ ở P.12, TP Vũng Tàu, có đến hàng ngàn hộ gia đình từ miền Tây lên trọ, làm các nghề liên quan đến cá. Đàn ông có sức khỏe đi biển, còn trẻ em, phụ nữ ở thì vào các xưởng xẻ cá bò... Tuổi thơ của các em ở đây đã gắn liền với mùi tanh của cá. Trẻ mới 5-6 tháng tuổi đã được cha mẹ đưa vào xưởng vì để ở nhà trọ không ai trông coi. Cha mẹ làm cá ở dưới sàn, cột võng cho con ngủ trên cao. Chính vì vậy, vào bất kỳ xưởng cá nào lúc 1-2 giờ sáng đều nhìn thấy những chiếc võng và tiếng trẻ con khóc đòi cha mẹ. "Nhiều đứa đang ngủ trên võng rồi rơi luôn xuống thau cá đang làm là chuyện hằng ngày ở xưởng. Tụi nó rơi hoài mà có thấy đứa nào bị thương tật gì đâu" - chị Nh., quê Đồng Tháp kể.

Mỗi lần có cá nhiều là các em lại theo phụ cha mẹ đi làm kiếm thêm tiền. Khi có tiền, các em lại quên đi việc học. Một nguyên nhân khác là do các bậc phụ huynh cũng không quan tâm, mặn mà đến việc học của con em mình. Ông Huỳnh Tuấn Dũng - Phó chủ tịch UBND phường 12, TP Vũng Tàu lo lắng: "Thực trạng trẻ em không được đi học và phải làm việc như hiện nay khiến chính quyền địa phương rất đau đầu. Chúng tôi sợ nhất là việc các em bị lạm dụng tình dục nhưng rất may là chưa xảy ra trường hợp nào trên địa bàn phường".

Nguyễn Long

 

Kiếm sống ở rừng

Chỉ tính ở thôn Cill Múp, xã Đạ Tông (Đam Rông, Lâm Đồng) với 75 hộ và 506 nhân khẩu, đã có tới 13 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 37 em mất cha hoặc mất mẹ. Hầu hết các em đều bỏ học sau biến cố...

 

Ngay từ nhỏ các em phải vào rừng lấy củi - Ảnh: Đ.T.N

Cũng như các bạn cùng trang lứa, tất cả các bé gái đều có nhiệm vụ địu em, nấu cơm. Khoảng 9-10 tuổi là các em theo cha mẹ lên rừng hái măng, lấy củi; xuống suối mò cua, bắt ốc... Còn công việc "phổ thông" dành cho các em là nhặt phân trâu, phân bò. Tuy nhiên, như K'Bàn - 10 tuổi, đã có "thâm niên" 3 năm nhặt phân bò - thì : "Hai chị em con nhặt phân cả ngày cũng không đủ tiền mua một ký gạo nên đói lắm, được bữa sáng, không có bữa chiều".

Mất cả cha lẫn mẹ, bốn chị em cô bé Ka GLâng ở thôn Cill Múp được người cậu Ka Sơ Ha Ních đón về nuôi. Ngặt nỗi, nhà anh Ních có tới bảy đứa con nheo nhóc, nay nuôi thêm bốn đứa cháu, một gánh nặng quá sức khiến đôi vợ chồng tốt bụng gầy xọp. Để chống chọi với cái lạnh, cứ 2- 3 giờ sáng vợ Ních lại nhóm một đống lửa, rồi cả vợ chồng, con cháu lặng lẽ ngồi sưởi. Miếng ăn hằng ngày còn thiếu đói triền miên, nên chăn mền trở thành "xa xỉ phẩm". Khi chưa tỏ mặt người, vợ chồng anh chị Ních cùng những đứa trẻ từ 9-10 tuổi trở lên lại bắt đầu hành trình kiếm sống. Còn Ka GLâng 9 tuổi ở nhà quản lý ba đứa em và bốn đứa cháu.

Hoàn cảnh của Long Đinh Nôn, 15 tuổi ở thôn N'Tôn (xã Đạ Tông) thật đáng thương. Bố mất lúc em lên 10 tuổi, đang học lớp 3, N'Tôn phải bỏ học để thay cha gánh vác một gia đình gồm bà ngoại 80 tuổi, bị mù từ lâu, mẹ là chị Long Đinh Ka Giêng - vừa bị bệnh ho lao, vừa bị bệnh tim, 3 đứa em. N'Tôn phải làm tất cả mọi việc từ cày, cuốc ruộng rẫy, cho đến lấy củi, gùi nước... 15 tuổi mà trông mặt em già nua, da dẻ đen đủi, người nhỏ thó, gầy quắt, chân tay lúc nào cũng lấm lem bùn đất.

Sự vất vả của các em cũng bởi nhà có quá nhiều miệng ăn. Thôn Liêng Trang 2, xã Đạ Tông, chỉ có 66 hộ trên 300 khẩu mà đã có tới hơn 10 bà mẹ có từ tám con trở lên, đó là các bà: Ka Chơn, Hà Ninh, Ka Lan, K'Rôs, Ka Ninh... Sống trong đại gia đình mười mấy miệng ăn thì đói nghèo là điều khó tránh khỏi. Các em nhỏ phải sát cánh cùng ông bà, cha mẹ trong cuộc mưu sinh hằng ngày.

Trẻ em vùng này không biết gì về ngày Quốc tế thiếu nhi. Trò chơi của các em có khi chỉ là đụn cát, vài cái bao nilon chứ làm gì dám mơ ước đến một chiếc ô tô bằng nhựa hay con búp bê... Đến thăm gia đình các em, chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy một góc học tập. Còn các cô giáo trong vùng kể lại: nhiều em đến lớp, đói lả, các cô giáo khi gói mì tôm, khi quả trứng gà giúp các em cầm cự, mong bảo toàn sĩ số của lớp. Thế nhưng, cứ đến mùa giáp hạt - mùa thiếu đói - là các em lại bỏ học theo cha mẹ lên rẫy và các thầy, cô giáo lại băng rừng đi tìm học trò...

Đinh Thị Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.