Vườn tượng Hồ Gươm vô chủ?

09/06/2009 19:56 GMT+7

Ngay giữa lòng Hà Nội, có một vườn tượng bị bong tróc, bị gãy đổ, nằm lăn lóc, chỏng chơ giữa trời với những tư thế không đẹp.

Đây là khu vườn tượng đầu tiên của TP Hà Nội, nằm ngay trước cửa đền Ngọc Sơn, đối diện với Đồng hồ đếm ngược 1000 năm Thăng Long. Năm 2004, nhà điêu khắc Trần Tuy (nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc, Hội Mỹ thuật Việt Nam) có sáng kiến đề nghị TP Hà Nội tổ chức một vườn tượng. Sáng kiến này đã được UBND TP và Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch) hưởng ứng bằng cách tiếp nhận quản lý vườn tượng và đầu tư cho mỗi tác giả có tác phẩm tham dự 1 triệu đồng. Nhưng từ năm 2004 đến nay, các bức tượng đã khó có thể chịu đựng thêm nữa cảnh dãi dầu mưa nắng. Trong khi đó, thời hạn trưng bày các bức tượng đáng lẽ phải kết thúc từ năm 2005, theo kế hoạch triển lãm.

Theo Quy chế tổ chức trại sáng tác điêu khắc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (ban hành ngày 30.12.2008), hết thời hạn bảo hành, chủ đầu tư phải có kế hoạch, kinh phí tu bổ, bảo dưỡng hằng năm để đảm bảo chất lượng nghệ thuật luôn ở tình trạng tốt nhất. Thế nhưng, “có lẽ vì chưa có tượng mới để thay thế hoặc không có kinh phí để tu bổ, bảo dưỡng nên ngay đến một động thái đơn giản nhất là cho một chuyến ô tô đến “dọn” sạch các bức tượng đã xuống cấp nghiêm trọng cốt sao không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị thì cũng chẳng thấy ai ngó ngàng”, ông Nguyễn Đỗ Bảo - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội nói. Hội Mỹ thuật Hà Nội cũng cho rằng dù hội viên của Hội có tượng  bày ở bờ Hồ, nhưng Hội không phải là chủ đầu tư, không phải đơn vị đứng ra tổ chức triển lãm nên việc tu bổ, bảo dưỡng sẽ là không đúng chức năng, nhiệm vụ. 

Trong khi đó, ông Trần Quốc Chiêm - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng cho rằng, việc quản lý vườn tượng Hồ Gươm không thuộc trách nhiệm của Sở vì đã giao cho bộ phận quản lý bên hồ. Thế nhưng, dường như bộ phận này cũng khó ngăn cản được ý thức muốn “đập ra xem bên trong thế nào” của một số du khách. “Hôm trước, đi ngang qua Hồ Gươm, nhìn thấy tượng vỡ vụn, tôi hỏi chị công nhân Công ty Môi trường đô thị ngay cạnh đấy là sao không dỡ bỏ những bức tượng mất thẩm mỹ đi. Chị ấy bảo đấy không phải việc của chúng em, chúng em chỉ quét dọn vệ sinh thôi”, ông Bảo kể. 

Nhà điêu khắc Trần Tuy - người đề xướng kế hoạch tổ chức vườn tượng, cho biết: “Trong thời gian trưng bày, thành phố đã xây bục bệ cho chúng tôi đặt tượng rồi cắt cử một đội bảo vệ nghiêm ngặt suốt 24/24 giờ. Sau khi kết thúc triển lãm thì không ai trông nom. Bệ còn nhưng tượng mất. Tượng của tôi bị đập vụn, giờ đang nằm trong kho của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch”. Ông Tuy nói: “Tôi rất muốn bổ sung tượng mới nhưng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch bảo tôi phải lên kế hoạch từ đầu năm thì họ mới dự trù được”.

Không chỉ mất thẩm mỹ do tượng bị gãy, đổ, bị đập bể do trách nhiệm quản lý lỏng lẻo, địa điểm trưng bày và chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm cũng là điều cần bàn. Cũng theo Quy chế tổ chức trại sáng tác điêu khắc, việc quy hoạch, thiết kế mặt bằng tổng thể nơi trưng bày phải được tiến hành trước khi tổ chức trại điêu khắc (hoặc vườn tượng), đồng thời chủ đầu tư phải đảm bảo công tác an ninh, an toàn lâu dài cho tác phẩm. Song, trên thực tế, theo ông Nguyễn Đỗ Bảo, “khi duyệt quy hoạch kiến trúc, chúng ta thường không có thói quen dành không gian cho tượng đài, vườn tượng. Việc “chụm” mấy chục tác phẩm vào một chỗ (ngay trước cửa đền Ngọc Sơn - PV) là sự tùy tiện. Việc chọn các bức tượng để trưng bày cũng chưa được cân nhắc kỹ lưỡng. Vì vậy, có rất nhiều tác phẩm không đạt chất lượng nghệ thuật và kích thước quá nhỏ bé, không phù hợp với không gian ngoài trời”.   

Thúy Anh- Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.