Xây dựng đô thị xanh: Cần lắm vai trò của Nhà nước

20/10/2009 16:34 GMT+7

Đô thị đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế song quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng đặt ra rất nhiều thách thức về nhiều mặt, trong đó có môi trường.

Trong xu hướng đô thị hóa hiện nay, phát triển đô thị bền vững, hay nói cách khác là xây dựng những đô thị xanh, là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi quốc gia. Và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Môi trường đe dọa đời sống của dân cư

Tại hội thảo GREEN BIZ 2009 - những giải pháp về môi trường kinh doanh xanh của châu u cho Việt Nam được tổ chức vào tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cho rằng, quá trình đô thị hóa nhanh cũng kéo theo hàng loạt những vấn đề bất lợi như hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải bị quá tải do mật độ dân cư tăng. Môi trường đô thị diễn biến theo chiều hướng bất lợi, ảnh hưởng đến người dân sống ở đó cũng như vùng lân cận... Thấy rõ những ảnh hưởng bất lợi của quá trình đô thị hóa cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Chính phủ và chính quyền các thành phố đã đề ra nhiều giải pháp nhưng dường như chưa đủ để “giải cứu” các đô thị khỏi ô nhiễm. Trong khi đó, theo các chuyên gia và các nhà khoa học có uy tín, nhiều năm nghiên cứu về môi trường, Nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm.

Bạn yêu quý thành phố của mình? Bạn lo ngại cho tình trạng môi trường đang bào mòn sức khỏe và cuộc sống của mình và thế hệ mai sau? Bạn trăn trở với những sáng kiến cụ thể của mình, gia đình mình hay suy nghĩ về một phải pháp tổng thể? Hãy gửi đến Thanh Niên những ý tưởng này trong diễn đàn để có thể nhân rộng lên một mô hình hay, để đóng góp một giải pháp tốt cho hành trình “Vì một Việt Nam xanh hơn”. Bài tham dự diễn đàn xin gửi về Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: toiyeutpcuatoi@thanhnien.com.vn

GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng - Giám đốc Trung tâm môi trường đô thị và công nghiệp, khẳng định rằng: Để đạt mục tiêu xây dựng những đô thị xanh, chủ trương, chính sách, chương trình, mục tiêu của Chính phủ có vai trò quyết định. Theo ông, việc này phải bắt đầu từ khâu quy hoạch phát triển đô thị. Quy hoạch phải sử dụng hợp lý nhất nguồn tài nguyên đất đai. Ví dụ, quy hoạch phải giữ được hệ thống ao hồ, có diện tích để trồng cây xanh. Như trường hợp của Hà Nội, lấp đến 50% số hồ thì ngập úng, nóng lên là đương nhiên; diện tích cây xanh bị gặm nhấm dần để làm đường, làm nhà thì lá phổi của đô thị sẽ suy kiệt. GS cũng cho biết, trong tiêu chuẩn đô thị xanh, mỗi người phải có 10m2 cây xanh để hấp thu lượng khí do họ thải ra. Ở nhiều nước con số này là 15 - 18m2 trong khi ở Việt Nam mới có 4m2. Quy hoạch phải giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Và mâu thuẫn này chỉ được giải quyết nhờ vai trò của Nhà nước.

Đô thị muốn xanh thì trước hết phải sạch

Có những chỉ tiêu đánh giá đô thị xanh, ví như lượng chất thải ra ít nhất. Các quốc gia phát triển hiện đang nỗ lực để nguồn chất thải bằng không nhờ tái sinh và tái chế. Nhưng ở nước ta, hầu như chưa có tái sinh, tái chế. Rác thì chỉ chôn lấp mà chôn lấp không đúng cách. Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp thải thẳng ra hồ ao, sông ngòi. Thực trạng này chủ yếu là do quy hoạch phát triển, cách đầu tư và quản lý, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng nhận định. Ông nói, đường sá cứ hết đào lên lại lấp xuống thì làm gì chả bụi; lấy đất của nông dân xây dựng khu công nghiệp nhưng không quan tâm tới phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một ô nhiễm là đương nhiên; tổ chức mạng lưới giao thông và quản lý phương tiện không tốt thì làm gì không ô nhiễm không khí do khói xe. Vì thế, Nhà nước phải ra luật quản lý đô thị và kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện luật. Nói tóm lại, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm hiện nay và cải tạo các thành phố trở thành các đô thị xanh, vai trò của Nhà nước trong chỉ đạo phương hướng phát triển, quy hoạch, quản lý là chính. “Người ta nói nhiều đến ý thức của người dân nhưng nếu Nhà nước không làm tốt vai trò của mình thì đừng hy vọng làm cho người dân có ý thức và thói quen bảo vệ môi trường”, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng khẳng định.

Diễn đàn “Tôi yêu thành phố của tôi” được thực hiện bởi Báo Thanh Niên phối hợp với Công ty sơn AkzoNobel Việt Nam, công ty cũng không ngừng cố gắng nhằm đem đến cho người sử dụng các sản phẩm sơn thân thiện với môi trường.

Ngọc Thoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.