Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng: Bó tay!

11/03/2010 15:55 GMT+7

(TNTT>) Mặc dù quy định đã ban hành từ tháng 1.2010, nhưng suốt thời gian qua chưa có một trường hợp nào bị xử phạt vì hút thuốc lá.

Mức thuế thuốc lá tại VN quá thấp so với khuyến cáo của thế giới và thuốc lào chưa bị đánh thuế, khiến tình trạng người hút thuốc không giảm. Đó là điều tra mới nhất về kinh tế thuốc lá tại Việt Nam do TS.  Jean-Marc Olivé - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam công bố.

Tăng thuế nhằm  ngăn chặn 100.000 ca tử vong

Việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng đã có hiệu lực gần ba tháng nhưng thực tế khói thuốc vẫn xuất hiện thường xuyên tại những nơi cấm hút. Một phần nguyên nhân của tình trạng này đã được TS. Jean-Marc Olivé đưa ra trong cuộc hội thảo thuế và kinh tế thuốc lá ngày 9.3. Theo đó, trong bản báo cáo nghiên cứu mới về kinh tế thuốc lá tại Việt Nam do các chuyên gia trong nước và quốc tế thực hiện cho hay, trong các biện pháp can thiệp để giảm nhu cầu thuốc lá để giúp cải thiện sức khỏe người dân thì việc tăng giá thông qua tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá là cách làm hiệu quả nhất. Hiện nay, mức thuế thuốc lá tại Việt Nam chiếm chưa tới 45% giá bán lẻ có bao gồm thuế thuốc lá, thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo của thế giới là 65% đến 80%, hiện đang được áp dụng tại nhiều nước có chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả. Tại Việt Nam, thuốc lào vẫn chưa bị thu thuế trong khi đây cũng là thủ phạm gây ra nhiều loại bệnh cho người hút.

Hôm nay, 11.3.2010, chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá, Trung ương đoàn và Tổ chức sức khỏe gia đình quốc tế ra mắt trang web: www.clickkhongthuocla.vn để thông tin về kiến thức và tác hại của thuốc lá; kêu gọi sự hưởng ứng của thanh niên vì một môi trường không khói thuốc lá.

Theo TS. Oliver,  tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hằng năm thêm 20% sao cho giá các sản phẩm thuốc lá tăng ít nhất là bằng hoặc tốt hơn là vượt tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Với việc tăng thuế này sẽ giúp tăng thêm khoảng 2.000 tỉ đồng trong doanh thu thuế hằng năm và giúp ngăn chặn khoảng 100.000 ca tử vong sớm trong vòng 40 năm tới. Ngoài ra, còn một cách khác là áp dụng một loại thuế theo số lượng với mức thuế 1.750 đồng cho một bao thuốc 20 điếu, và có điều chỉnh tăng theo lạm phát hằng năm. Mức thuế này sẽ tăng giá bán thuốc lá trung bình khoảng 30% và qua đó tăng thêm khoảng 4.300 tỉ đồng cho doanh thu thuế hằng năm, đồng thời giúp ngăn chặn hơn 339.000 ca tử vong sớm trong vòng 40 năm tới. Đặc biệt, giá các sản phẩm thuốc lá càng cao càng có khả năng ngăn cản đối với những người chưa hút thuốc bắt đầu hút, giúp họ tránh bị nghiện và có thể thuyết phục những người hút thuốc hiện tại bỏ thuốc hoặc giảm lượng tiêu thụ. Ngoài ra, giá càng cao cũng càng có khả năng tránh cho những người đã bỏ thuốc không hút trở lại. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi tăng giá thuốc lá thêm 10% có thể dẫn đến giảm lượng tiêu thụ thuốc lá ít nhất là 5%.

Khó xử phạt

Con số thống kê khiến nhiều người không khỏi giật mình vì có tới 65% người trong độ tuổi từ 25-45 hút thuốc lá. Đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng Việt Nam đang chịu gánh nặng rất lớn về các bệnh không lây nhiễm, những bệnh hiện chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số các ca mắc và chết mỗi năm.

Theo TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tình trạng quá tải hơn 200% tại Bệnh viện K (Hà Nội) cũng như việc 3 bệnh nhân nằm ghép trên một giường tại Viện tim Quốc gia có thủ phạm là thuốc lá. Các điều tra về tình trạng sức khỏe bệnh nhân cho thấy nhiều trường hợp bị ung thư hay tim mạch do bệnh nhân hút thuốc lá quá nhiều. Hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% ca ung thư phổi, 75% ca khí phế thũng (COPD) và 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ. Nó cũng là nguyên nhân gây nên 25 bệnh trong cơ thể người hút thuốc lá như loét dạ dày, vảy nến, biến dạng tinh trùng, ung thư tử cung và sẩy thai, viêm tắc mạch máu chi, loãng xương, điếc, đục nhân mắt, tim mạch, ung thư phổi, ung thư da… Bộ Y tế cho hay, năm 2008 có khoảng 40.000 ca tử vong xuất phát từ nguyên nhân hút thuốc lá. Ước tính tới năm 2030, con số này sẽ là 50.000 ca mỗi năm.

Sau gần 3 tháng thực hiện quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, theo đánh giá của ông Nguyễn Tuấn Lâm (văn phòng WHO tại Việt Nam) hiệu quả thực tiễn chưa cao. Nguyên nhân là do chưa có một biểu mẫu xử phạt, những lực lượng có thể được giao quyền xử phạt như thanh tra chuyên ngành y tế - dược lực lượng mỏng không thể đảm trách được. Trong khi lực lượng có thể quán xuyến công việc xử phạt hành vi vi phạm hút thuốc lá tại nơi bị cấm là chính bảo vệ của cơ quan tại địa điểm đó thì không được giao quyền xử phạt, chỉ nhắc nhở. Quy định này cũng chưa nêu rõ ràng về việc xử phạt như thế nào, biên lai thu phạt ra sao, nộp tiền phạt tại đâu...

Hà Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.