Nga sẽ phóng tàu giải cứu phi hành đoàn trên trạm không gian ISS

12/01/2023 10:31 GMT+7

Tháng 2, Moscow sẽ phóng tàu Soyuz lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) để giải cứu bộ ba phi hành gia bị mắc kẹt trên quỹ đạo sau khi tàu vũ trụ của họ bị trúng thiên thạch.

Thời điểm tàu Soyuz gặp sự cố trong lúc NASA phát trực tiếp thông tin về ISS

NASA

Từ tháng trước, trên tàu Soyuz MS-22 có tình trạng rò rỉ chất làm mát bức xạ vào không gian. Vụ rò rỉ xảy ra vào thời điểm hai nhà du hành vũ trụ Sergey Prokopyev và Dmitri Petelin đã mặc đồ phi hành gia và chuẩn bị cho chuyến đi bộ bên ngoài ISS theo kế hoạch.

Trong khi Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cho hay vụ rò rỉ không mang đến mối đe dọa tức thời nào cho ISS, nhưng việc tàu Soyuz gặp sự cố đã khiến 3 trong số 7 phi hành gia không có phương tiện thoát khỏi trạm không gian trong trường hợp khẩn cấp.

Hiện trên ISS còn một tàu vũ trụ có thể vận hành là Crew Dragon của Hãng SpaceX, nhưng tàu này chỉ có 4 chỗ ngồi, theo tờ The Guardian hôm 12.1.

Nga có thể cần giải cứu khẩn cấp trạm không gian ISS sau vụ rò rỉ tàu Soyuz

Sau khi đánh giá tình hình, Roscosmos quyết định đẩy sớm thời hạn sứ mệnh Soyuz MS-23, từ tháng 3 theo dự kiến dời về ngày 20.2 để ba nhà du hành Prokopyev, Petelin và Francisco Rubio quay về trái đất.

Trong trường hợp xảy ra tình huống “đặc biệt khẩn cấp” trước khi tàu Soyuz MS-23 có thể lên trạm, Roscosmos cho hay có thể cân nhắc khả năng sử dụng tàu Soyuz MS-22 đang bị hỏng để giải cứu 3 phi hành gia trên.

Soyuz MS-23 ban đầu dự kiến chở theo 3 phi hành gia khác, nhưng cuối cùng sẽ chuyển thành chuyến tàu giải cứu. Sau khi tàu Soyuz MS-23 đến trạm, tàu Soyuz MS-22 sẽ quay về trái đất mà không mang theo phi hành gia.

Roscosmos cũng phát hiện nguyên nhân thân tàu Soyuz MS-22 bị thủng. “Hung thủ” chính là một mẩu thiên thạch nhỏ, gây nên lỗ thủng đường kính 1 mm trên thân tàu vũ trụ của Nga.

Tuy nhiên, mức độ tổn thất lại nghiêm trọng, vì gây thất thoát chất làm mát xung quanh thân tàu và đẩy phi hành đoàn vào tình thế nguy hiểm trong quá trình tàu tiến nhập khí quyển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.