Nghệ thuật truyền thống 'đắt sô' mùa tết

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
11/01/2024 06:50 GMT+7

Các chương trình nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo, quan họ bắt đầu tung sản phẩm online, chuẩn bị chương trình biểu diễn cho mùa Tết Nguyên đán 2024.

Lịch xuân, lịch hội

Những ngày cuối năm Quý Mão, lịch diễn và chương trình biểu diễn của nhóm xẩm Hà thành trong năm mới Giáp Thìn đã có. Trong đó, sẽ có tiết mục Tết Việt do nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa biểu diễn. Tiết mục gợi không khí đoàn viên, cháu con sum vầy này có đoạn: "Cháu con tề tựu về đây/Tết vui là tết sum vầy bên nhau/Biết nhìn trước biết nhìn sau/Cùng nhau kính chúc nghìn câu thọ trường". Cùng với nhiều tác phẩm mang không khí xuân khác, Tết Việt sẽ được biểu diễn trong không gian phố đi bộ hồ Gươm.

Nghệ thuật truyền thống 'đắt sô' mùa tết- Ảnh 1.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (trái) sẽ hát xẩm Tết Việt

NVCC

Lịch diễn của Nhà hát Tuồng VN cũng đã được sắp xếp kín. NSND Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc nhà hát này, cho biết lịch diễn xuân hiện đã được xếp dày. Trong đó, các nghệ sĩ sẽ quay vở Phương thuốc thần kỳ cho chương trình truyền hình Gala xuân. Họ cũng có chương trình lễ hội Đống Đa (Q.Đống Đa, Hà Nội), và hội đền vua Lý Nam Đế (H.Hoài Đức, Hà Nội). Nhiều trích đoạn tuồng cũng được mang tới Bắc Ninh trong dịp lễ hội xuân. Bên cạnh đó, nhà hát cũng có một đoàn biểu diễn ở vùng sâu vùng xa tỉnh Hà Giang.

Trong khi đó, các nhà hát chèo sẽ có lịch diễn mùa xuân tại các điểm di tích, các chương trình địa phương như thường lệ. Các nghệ sĩ chèo cũng chủ động đưa thêm các tác phẩm chèo lên kênh YouTube cá nhân. Một trong số này, nghệ sĩ chèo Cường Cá, đã đưa các chương trình hát chèo xuân lên YouTube Cường Cá của mình. Trong nửa tháng vừa rồi, Cường Cá đưa lên 3 chương trình chèo, mỗi chương trình dài hơn 1 tiếng. Đó là Tuyển tập bài hát chèo về mẹ hay nhất, Hát chèo đón xuân, Những ca khúc nghe hoài không chán. Những chương trình này đều được quay với hình ảnh xuân, trang phục đậm đà phong vị xuân.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, người gắn bó với xẩm và quan họ, cho biết lịch hát quan họ ở các làng quan họ trong dịp Tết Nguyên đán đã rất dày. "Các nghệ nhân quan họ nhận được lời mời từ sớm, họ sẽ hát nhiều trong mùa xuân. Điều này là truyền thống nhiều năm không thay đổi", ông Long nói.

Nghệ thuật truyền thống 'đắt sô' mùa tết- Ảnh 2.

Nghệ sĩ Cường Cá đã đưa nhiều làn điệu chèo về mùa xuân lên kênh cá nhân

CHỤP MÀN HÌNH

Nghệ thuật truyền thống 'đắt sô' mùa tết- Ảnh 3.

Minh Ngọc và Phan Thanh Cường trong Mong ngày tương phùng

NVCC

"Gia vị" cho nghệ thuật truyền thống

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết dù những làn điệu quan họ luôn thu hút trong hội xuân, các nghệ sĩ vẫn tiếp tục đưa thêm vào chương trình những tiết mục mang âm hưởng và văn hóa quan họ. Năm nay, ông Long "góp" với các làng quan họ, các hội xuân có quan họ, một tác phẩm - bài hát Mong ngày tương phùng. Tác phẩm có lời dùng nhiều chất liệu văn hóa quan họ, lại được 2 gương mặt trẻ thể hiện là ca sĩ Phan Thanh Cường (được phát hiện từ cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2018) và Minh Ngọc (Quán quân Tuyệt đỉnh song ca nhí 2018). Sau khi ra MV vào 8.1, Mong ngày tương phùng cũng sẽ có bản karaoke vào 20.1 tới.

Theo ông Long, Mong ngày tương phùng đã nhận lời mời và sẽ xuất hiện tại các hội xuân tại Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang. "Chúng tôi song song vừa mang đi biểu diễn vừa phát hành bản karaoke, với mục đích góp thêm quỹ bài có chất liệu dân gian đậm đặc để sánh vai cùng các bài dân ca đồng bằng Bắc bộ. Như thế, các nghệ sĩ đoàn dân ca quan họ có thể hát các bài có âm hưởng quan họ trong mùa lễ hội xuân năm nay. Bài hát đã có lời mời từ Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang để đến với các lễ hội xuân".

Trang Facebook chính thức của Nhà hát Chèo VN hiện tại liên tục đưa các clip biểu diễn của những người yêu chèo tham gia cuộc thi Thử thách hát chèo. Thí sinh Nguyễn Thị Hạnh, dự thi với làn điệu Tình mẹ cho con, cho biết mình mới tập hát chèo và ngay lập tức mê mẩn đắm say.

"Càng hát tôi càng mê. Nay thấy có chương trình Thử thách hát chèo do Nhà hát Chèo VN tổ chức, tôi cũng mạnh dạn tham gia. Tôi muốn thử sức và góp phần lan tỏa nghệ thuật của dân tộc", thí sinh Nguyễn Thị Hạnh cho biết.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, mùa xuân như một "vụ xuân" gieo trồng nghệ thuật truyền thống, đó cũng là thời điểm nghệ thuật truyền thống được phát huy trong xã hội.

"Ai sống ở đồng bằng Bắc bộ đều biết không khí lễ hội mùa xuân với các ngày hội làng, hội chùa… Thời điểm này, các nghệ sĩ nghệ thuật dân gian cũng sống bằng mùa xuân như thế, với lịch diễn dày đặc. Điều này cũng tạo điều kiện để các nghệ sĩ chú trọng trau dồi vốn bài đã có. Bên cạnh đó, nếu màu sắc dân gian như thế được nhiều hơn thì càng tốt qua các hoạt động mở rộng như phát hành tác phẩm online, các cuộc thi…", ông Long chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.