Nghề xưa còn một chút này: Nỗi niềm thợ vót nan, đan rổ

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
21/02/2023 07:28 GMT+7

Khi bụi tre cuối cùng trong làng bị đốn mất, người thợ đan lát cuối cùng tại làng Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) nước mắt lưng tròng. Bởi từ nay, mỗi lúc nhớ nghề, bà không còn đi quanh làng chặt tre vót nan, đan rổ rá…

"NÔNG TANG ĐAN LÁT NGHỀ TA SỞ TRƯỜNG"

Phải mất nhiều lần dò hỏi, tôi mới tìm ra người cuối cùng còn làm nghề đan lát ở thôn Yến Nê 2 - bà Nguyễn Thị Hiên (63 tuổi). Biết tôi có ý định hỏi thăm nghề xưa, bà Hiên rào đón: "Mọi năm, tầm sau tết có một người buôn sỉ hàng đan lát đến đặt hàng. Năm nay, không hiểu sao cô buôn hàng không đến nữa. Tôi nghỉ nghề mấy nay, chuyện mới không có nhưng chuyện cũ nghề đan này thì nhiều tâm sự lắm…".

Nghề xưa còn một chút này: Nỗi niềm thợ vót nan, đan rổ - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hiên - người cuối cùng làng Yến Nê còn theo nghề đan lát

HOÀNG SƠN

Bà Hiên kể nghề đan lát được người làng Yến Nê gọi là "nghề bắt chước" hoặc "xưa bày nay làm". Từ xa xưa, đi đâu trong làng cũng thấy cảnh nhà nhà vót nan đan thúng, đan rổ… đem bán hoặc theo đặt hàng của người tiêu dùng. Trẻ con ở Yến Nê lớn lên cứ thế tập tành học đan từ cha mẹ, ông bà rồi thạo nghề khi nào không hay. Nhà nào có điều kiện, con cái học hành lên cao không nói, còn lại nghề đan cứ thế truyền đời cho các thế hệ. Bởi vậy, người làng Yến Nê thuộc lòng câu ca: "Yến Nê vốn thiệt quê nhà/Nông tang đan lát nghề ta sở trường".

Trong trí nhớ của bà Hiên, nghề đan lát ở vào thời kỳ hưng thịnh là khoảng những năm 90 thế kỷ trước cho đến trước khi Đà Nẵng bước vào cơn lốc đô thị hóa từ những năm 2000. Trong khi đó một số tài liệu ghi chép, những năm 30, 40 thế kỷ 20 được coi là thời hoàng kim của làng nghề này. Cả làng hầu như gia đình nào cũng tham gia. Từ đó xuất hiện nhiều bậc thợ tài danh, như các ông Trưởng Khánh, Trùm Thơm, Thủ Xử…

Từ buổi đầu, nhờ thổ nhưỡng phù hợp với cây tre, người làng Yến Nê cứ thế khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ để đan rổ đựng rau, mủng, trẹt, sàng, nia… để phục vụ lao động, đời sống hằng ngày. Lâu dần, tiếng tăm làng nghề được nhiều người biết đến, nhiều gia đình coi nghề đan lát không còn là nghề tay trái. Cũng từ đó, có thêm nhiều hộ chú tâm đầu tư mẫu mã, đẩy nhanh tốc độ đan lát để có nhiều sản phẩm ra thị trường.

"Thấy nhà bên cạnh có cách làm hay, nhà này cũng học theo. Xóm dưới đan được đồ khó, xóm trên cũng tìm cách học hỏi. Vậy là, kỹ thuật đan lát ngày càng được nâng cao. Nhiều thợ già đan được những vật dụng khó như nôi, giường lèo, chõng tre, bồ đựng lúa… thì số thợ trẻ còn sáng tạo đan được cả màn thờ, giường thờ, tủ thờ… cực kỳ tinh xảo. Hồi đó, nhiều lái buôn ở các vùng lân cận như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam)… cũng sang Yến Nê tìm mua đồ đan lát về bán. Không khí làng nghề sôi động lắm…", bà Hiên nhớ lại.

Nghề xưa còn một chút này: Nỗi niềm thợ vót nan, đan rổ - Ảnh 2.

Mủng tre làm mâm cơm gợi nhớ cho nhiều người về đời sống của người Việt xưa

ĐỎ MẮT TÌM... TRE

"Đó chỉ là câu chuyện của vài chục năm trước. Chứ nay, đi khắp làng này không còn ai làm nghề đan lát nữa", bà Nguyễn Thị Xim (60 tuổi), một tay đan lát có tiếng dù đã giải nghệ cả chục năm nay ngồi bên cạnh thở dài. "Tui cũng khuyên chị Hiên nghỉ ngơi hoặc làm việc khác, chứ cạnh tranh sao lại với rổ, rá nhựa đầy rẫy trên thị trường. Thế mà chị bảo còn tre thì còn làm. Mà nay đi mua tre cũng khó…", bà Xim nói thêm.

Thất truyền nghề chằm nón La Bông

Không may mắn như làng Yến Nê, làng La Bông ở cạnh bên với nghề chằm nón thậm chí không còn một truyền nhân nào. Nhiều tài liệu ghi chép, nghề chằm nón La Bông ra đời cách đây khoảng hơn 100 năm. Đến những năm đầu thế kỷ 20, nghề chằm nón cực thịnh với khoảng 80% hộ dân trong làng có người theo nghề. Theo thời gian, đến nay nghề nón La Bông chỉ còn được nhắc nhớ trong những câu chuyện kể về nghề xưa.

Bà Hiên kể nếu ngày trước, Yến Nê bạt ngàn tre thì nay việc đô thị hóa đã khiến vùng quê này chẳng còn một bụi tre nào. "Mới đây, bụi tre còn sót lại trong làng cũng được người ta cho thanh niên làm cổng chào đón tết rồi", bà Hiên nói. Nhiều năm qua bà là thợ cung cấp rổ đựng trái cây dưới phố cho rất nhiều cửa hàng. Nghe tiếng bà, nhiều tiệm cà phê ở Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) muốn tạo phong cách hoài cổ cũng tìm đến bà để đặt đan mẹt, rổ… mang về trang trí.

"Cái nghề này, nói giàu thì không thể nhưng có tiền thì không ngoa. Ngày trước, mỗi lần nhà có đám giỗ, để có tiền chạy chợ, mỗi ngày tui gắng đan 10 cái rổ, làm liên tục 3 ngày như thế thì đủ lo liệu. Nay cứ mỗi chiếc rổ, rá, nia… tùy kích thước, tui cũng kiếm được 20.000 - 50.000 đồng/chiếc. Hàng đặt thì có giá cao hơn", bà chia sẻ.

Bà Hiên trải lòng khi thấy làng nghề không còn cây tre nào, những làng lân cận cũng chặt bỏ tre, bà đã "lo xa" mà đan một loạt rổ, rá, nia… để cất làm kỷ niệm. "Nghề đan lát mà không còn tre thì còn chi là nghề? Thiệt tiếc cho cái nghề trăm năm của cha ông. Nhiều người ví von tui như cây tre cuối cùng của làng đan lát này vậy. Cây tre mà đổ thì nghề đan lát về đâu…", bà Hiên chua chát.

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.