Nghị lực mùa thi: Bà nội lượm từng ổ bánh mì nuôi cháu ăn học

07/07/2022 07:05 GMT+7

Ba mẹ ly hôn rồi cả 2 đều đi thêm bước nữa, bỏ lại Trần Minh Tính và đứa em gái cho ông bà nội.

Cuộc sống khó khăn, bà nội mỗi ngày đi bán vé số nuôi cháu ăn học, những lúc đói quá phải lượm từng ổ bánh mì bị vứt ngoài đường để sống qua ngày.

Thương ông bà nội vất vả để lo lắng cho mình, bao năm qua dù khó khăn cỡ nào Tính cũng cố gắng học, chỉ với mong muốn là sau này đỡ đần gánh nặng cho ông bà. Thế nhưng đến ngày thi tốt nghiệp THPT, cậu học trò Trường THPT Phong Phú (H.Bình Chánh, TP.HCM) lại thấp thỏm lo sợ tiền đâu để đi tiếp chặng đường phía trước.

Trong căn nhà thuê mà trước đây chỉ là căn nhà ngập nước bị bỏ hoang, tất cả vật dụng trong nhà, chỉ trừ cái tủ quần áo, là bà Trương Thị Cúc (bà nội Tính) dành dụm tiền để mua, còn lại đều là đồ của người ta không dùng nữa cho bà Cúc mang về sử dụng.

Ở tuổi 18, Tính lúc nào cũng mang trong mình những nỗi âu lo cho chặng đường phía trước vì gia cảnh quá khó khăn

NỮ VƯƠNG

“Tôi đi bán vé số, ai cho hay vứt cái gì tôi đều xin và lượm về để dùng. Rau ở chợ người ta bán qua đêm rồi hư úa, họ cho tôi đều mang về, nhìn úa hư vậy nhưng nhặt sạch vẫn dùng được. Những lúc đói quá, đến bánh mì người ta vứt ngoài đường tôi cũng lượm để ăn, mà về nhà giấu, sợ nói ra 2 đứa cháu lại buồn”, bà Cúc nghẹn ngào kể.

Mỗi ngày, bà Cúc dậy từ 2 - 3 giờ sáng để đi bán vé số. Ngoại trừ những ngày trời mưa bán ế, thì cố gắng mỗi ngày bà cũng được 100.000 - 150.000 đồng. “Ông nội của tụi nhỏ vì làm quá nên giờ bị bệnh ở nhà không thể đi làm được nữa. Còn có một mình tôi, nên phải ráng để có tiền nuôi cháu ăn học”, bà Cúc kể.

Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Trần Minh Tính, học sinh Trường THPT Phong Phú (H.Bình Chánh, TP.HCM), quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên: số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai; số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Trần Minh Tính; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Trần Minh Tính trong thời gian sớm nhất.

“Ngày ba mẹ sắp nhỏ ly hôn, tôi khóc hết nước mắt, vừa thương cho cháu từ nay không có cha mẹ quan tâm, vừa lo không biết làm sao để lo cho cháu ăn học. Nhưng cháu mình mà sao bỏ được, có khổ cỡ nào tôi cũng cố để cháu được học hành đến nơi đến chốn”, bà nội Tính nói trong nước mắt và cho biết bao năm qua ba mẹ của Tính không gửi về được một đồng nào để lo cho các con vì ai cũng đã có cuộc sống mới.

Những lúc khiến bà Cúc sợ nhất chính là khi 2 đứa cháu đau ốm. Bà Cúc vẫn ám ảnh mãi năm đó, khi cả 2 đứa cháu đều bị sốt cao và phải nhập viện. Vì không có tiền mà quá lo lắng nên bà vay nóng để có tiền đóng viện phí cho cháu. Từ lúc đó, mỗi ngày bà Cúc đi bán vé số được bao nhiêu chỉ đủ trả tiền lãi mà tiền gốc vẫn còn nguyên.

“Cũng nhờ bà chủ kho mà ông nội Tính làm bảo vệ thấy thương quá nên cho mượn tiền để trả, tôi với ổng cày ngày cày đêm trả dần cho bà chủ. Sau lần đó đến giờ tôi sợ mãi. Sắp tới, thằng Tính đi học đại học, tôi cũng tính tìm chỗ nào để vay mới có tiền cho cháu đi học”, bà Cúc hãi hùng nhớ lại.

Tính rất thích ngành công nghệ thông tin, nhưng thấy trường nào học phí cũng cao khiến cậu học trò càng bất an vì sợ đứt gánh giữa đường: “Học phí đại học vượt ngoài khả năng của ông bà nội có thể lo được. Nên em lo sợ không đủ điều kiện để đi học đại học, mà nếu phải nghỉ học thì em tiếc lắm vì khó khăn lắm ông bà mới lo cho em học được đến ngày hôm nay”.

Nghe cháu nói vậy, bà Cúc quay mặt đi, lén khóc và nói: “Thật sự tôi cũng rất lo, nhưng không dám nói ra với Tính. Lúc nào tôi cũng khuyên Tính là con cứ ráng học, ông bà nội cũng sẽ cố để lo cho tụi con”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.