Nghĩa tình người miền Tây vậy đó!

01/11/2022 15:00 GMT+7

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Tây xứ Nghệ; nơi thừa thãi gió Lào mùa hè, dư dả rét cắt da vào mùa đông giá lạnh…

Nhập ngũ năm 1974 và vào chiến trường miền Tây Nam bộ, tôi càng hiểu thêm về mảnh đất và con người nơi cuối trời sông nước… Giữa năm 1977, có đợt ra quân lớn. Ai cũng náo nức được về quê, được sống nơi quê mình, nơi “chôn rau cắt rốn gọi ta về”.

Đường phố Sóc Trăng

Trần Thanh Phong

Tôi được đơn vị cử đi ôn thi đại học tại trường văn hóa Quân khu 9, đóng quân tại Đồng Tâm (Mỹ Tho). Do có sự chuẩn bị chu đáo, tự ôn thi từ trước nên tôi chỉ sau gần một tháng ôn thi, tôi dự thi và trúng tuyển vào ngành Văn, khoa sư phạm Đại học Cần Thơ.

Bốn năm miệt mài học tập, rèn luyện; tôi vui mừng, hớn hở khi đã tốt nghiệp ra trường. Lúc này ở quê, bố mẹ và anh chị em trong gia đình cũng như họ hàng kêu về quê vì thời điểm quá thuận lợi. Bên ngoại có người cháu làm ở phòng tổ chức huyện ủy; về quê là yên tâm vào trường lớn dạy ngay! Biết đâu còn tiến xa trên con đường danh vọng; con cháu sẽ được nhờ vả sau này…

Là một người lính, chiến đấu và công tác tại chiến trường sông nước miền Tây; tôi “bị” nắng vàng của miền đất và con người nơi đây “hút hồn” bởi vẻ đẹp chân chất, phóng khoáng và hào hiệp.

Tôi về dạy học tại một ngôi trường vùng sâu của tỉnh Sóc Trăng vào năm 1981, thời kỳ bao cấp đầy vất vả, thiếu thốn; nhất là ngành giáo dục, càng vất vả, khó khăn gấp bội. Nhiều người không trụ nổi, đã bỏ nghề, ra ngoài tìm công việc khác để sinh sống. Riêng tôi vẫn bám trường, bám lớp với lòng yêu nghề mến trẻ, với tâm niệm phải trả ơn mảnh đất này đã từng che chở, nuôi nấng mình suốt những năm dài chiến tranh.

Rồi tôi lập gia đình, có miếng đất nhỏ và dự tính cất căn nhà lá để ổn định chỗ ở. Được tin, các vị phụ huynh sốt sắng, nhiệt tình tìm mọi cách giúp đỡ, bởi họ luôn có sẵn “cây nhà lá vườn”. Rồi những cây cột so đũa ngâm được vớt lên, phơi khô, chở đến cho thầy. Rồi những cây mù u, tầm vông, tre, là và cả những bó lạt cà bắp rất bền để buộc tranh lá lợp nhà…

Học trò nam miệt vườn đến lớp 10, 11 là giỏi công việc lắm! Các em nam leo lên lợp nhà, có hai “thủ lãnh” ngồi phía ngoài để buộc gom lán cho mái nhà được gọn. Chẳng bao lâu, ngôi nhà lá xinh xắn được dựng lên; trưa mắc võng nằm trong nhà mà tôi cứ ngỡ nằm mơ… Mùi lá mới, mùi tre, tầm vông, cả mùi sình còn vương trên thân cột so đũa đã đưa tôi vào giấc ngủ trưa sau một buổi hụ hợ cùng các em lợp nhà.

Có lần, tôi đi chiếc xe đạp cà tàng ra thị xã Sóc Trăng, cách nhà chừng hai mươi cây số để mua thuốc Bắc. Đến khi tính tiền, tôi nói thiệt với ông chủ tiệm (người Hoa) là cháu không mang đủ tiền. Bất ngờ ông nói: “Chú em cứ cầm thuốc về. Mai mốt trả cũng được!”. Tôi hỏi: “Dạ, làm sao bác tin được?”. Bác Hai cười: “Không sao đâu mà, nhìn người tui biết”. Đúng hẹn, ngày sau tôi mang tiền đến trả đầy đủ cho chủ tiệm.

Một lần khác, đi chợ Phường 2 (lúc này đã lên thành phố Sóc Trăng), mua bịch nước dừa. Đưa tờ năm trăm ngàn cho em gái thối lại, em nói : “Tiền má cầm đi về nhà. Thôi mai đi chợ trả cũng được hia!” (anh - tiếng Triều Châu).

Giữa chợ cả trăm, cả ngàn con người tứ xứ; biết ai là ai mà sao họ tin người một cách thiệt lòng đến mức khó tin như vậy? Có lẽ họ nghĩ ai cũng như mình; cũng tốt, cũng hào hiệp như mình… Điều này khiến cho mỗi người, khi được tin tưởng, sẽ tự điều chỉnh hành vi, thay đổi hành vi và thái độ sống!

Xin bạn đừng nghĩ người miền Tây ham mê mua vé số! Họ mua theo suy nghĩ giúp người nghèo, mua làm phước giúp người, giúp đời. Bà xã tôi thường căn dặn: “Nếu anh mua vé số, chọn mấy em nhỏ, mấy ông già, bà già mà mua giùm họ!”.

Chẳng thế mà có rất nhiều người, từ miền Trung vào tận trong miền Tây, làm nghề bán vé số… Một em bé bán không hết, vừa đi vừa khóc; bán không hết về sợ má đánh đòn mà lại sắp đến giờ xổ; mọi người xúm lại, mỗi người mua vài tờ cho em! Ai mua vé số mà không cầu mong cho trúng? Với người miền Tây, giúp được người vui là mình vui rồi, làm làm phước, tích phước cho đời vậy! “Làm phước gặp phước” là câu nói thường ngày của người dân nơi đây.

Có thể đúng chăng? Bà xã tôi mở một nhà thuốc chẩn trị y học cổ truyền làm phước; ai có tiền thì bỏ vào thùng, ai không có thì thôi, mang đến một bó thuốc cũng được. Có lần vừa bó xong ba bó cây thuốc, đang tính đi mấy chuyến về nhà, cách chừng ba cây số thì một chiếc xe bán tải tấp vô lề. Bước xuống, em tài xế hỏi: “Chở về đâu, tui chở cho?”. Tôi hỏi: “Ba bó thuốc này hết nhiêu?”. Em liền nói: “Đâu có, em chở làm phước thôi mà!”.

Còn biết bao câu chuyện đầy ân nghĩa của con người vùng quê Sóc Trăng, vùng quê miền Tây Nam bộ này.

“Chất Lục Vân Tiên” của con người miền Tây còn đó! Đó là bản tánh bộc trực, khẳng khái nhưng cũng giàu nhân giàu nghĩa, một lòng một dạ thương yêu con người!

Nội cách xưng hô thôi cũng đủ biết họ thân thiện chừng nào với con người xung quanh. Nào “Cậu Hai”, nào “Dượng Hai”, nào “Cô Hai”, nào “Dì Hai”… toàn là cách xưng hô ruột thịt; bởi con người miền Tây quan niệm tất cả mọi người xung quanh, dù gặp một lần, họ cũng đều là tình ruột rà, tình máu thịt bao đời gắn kết…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.