Ngọt thơm bánh tổ quê nhà

19/06/2016 19:32 GMT+7

Ở những vùng quê thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cứ mười nhà có giỗ là hết bảy, tám nhà làm bánh tổ. Riêng làng mình, loại bánh này cũng được những dì Tám, cô Tư làm bán thường xuyên như một nghề có thu nhập ổn định.

Có hai giai thoại về gốc gác chiếc bánh tổ mà mình được nghe. Một là bánh tổ xuất hiện từ thời Quang Trung xưng danh hoàng đế. Nhân dân vùng Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị... đã sáng tạo ra những chiếc bánh tổ làm quân lương dài ngày cho đoàn quân Bắc tiến.

tin liên quan

Ngày hè, thưởng thức bánh tôm quê
Lâu nay, món bánh tôm được biết đến như một thứ đặc sản của vùng hồ Tây đất Hà thành. Người ta không để ý nhưng món bánh tôm quê lại có một vị ngon khác bởi chính sự mộc mạc, dân dã của nó.
Hai là chiếc bánh tổ do Quốc mẫu Âu Cơ làm; buổi chia tay, người phát cho 100 con lên non xuống biển sinh cơ lập nghiệp. Giai thoại nào mình cũng thích vì đều mang nét nghĩa đất tổ quê cha.
Hai nguyên liệu chính để làm bánh tổ là nếp và đường. Nếp Sa Huỳnh thì khỏi chê vì đó là loại nếp “quý phái và quý hiếm”. Quý phái là do cái tên “nếp ngự” (tiến vua) mà ra, còn quý hiếm là chỉ có vùng Sa Huỳnh mới trồng được loại nếp hạt tròn mẩy, dẻo thơm nức tiếng này. Nông dân vùng khác tới Sa Huỳnh mua giống về gieo nhưng đều bị “lại” thành nếp thường.
Nếp phơi cho thật no nắng rồi đem xay thành bột. Nấu nước đường theo tỷ lệ một bát đường, hai bát nước. Khi nước đường sôi lên, nhớ thả một ít gừng đã xắt sợi hoặc vài muỗng nước gừng để tạo mùi thơm. Khi nước đường nguội hẳn, nên lọc qua rây một lần để loại tạp chất, và cũng để tránh cảm giác miếng bánh lợn cợn khi ăn. Cho bột nếp vào nước đường, khuấy đều tay cho thật nhuyễn.
Tiếp đó là lót lá chuối thật kín vào cái khuôn tròn, hơi lõm, đan bằng nan tre. Múc hỗn hợp đường - bột đổ vào, cách mặt khuôn khoảng 1 cm là được. Bánh tổ đem hấp khoảng hơn nửa tiếng thì chín. Khi lấy bánh ra khỏi khuôn, nếu có ít mè đã rang sẵn rắc lên sẽ rất ngon.
Người quê ăn bánh tổ khá đơn giản. Họ dùng dao cắt bánh rồi nhâm nhi với ly trà nóng. Đặc trưng của bánh tổ là dẻo dai, mới nhai sơ đã nhận ra mùi nếp thơm lừng, thoang thoảng vị đường thanh thanh ngọt dịu. Lúc này những hạt mè sẽ “rủ” những sợi gừng cùng thoảng thơm trong từng lát bánh.
Riêng những sinh viên xa nhà, cái bánh tổ trở thành niềm vui chung ở ký túc xá hay nhà trọ. Họ xắt bánh ra thành từng lát mỏng rồi đem nướng trên lửa than hoặc cho vào chảo chiên với dầu phụng. Hai cách này tuy hơi mất công nhưng đổi lại, miếng bánh tổ “thăng hoa” hơn: béo ngậy, thơm lừng, đậm đà khó cưỡng. Nếu kẹp với bánh tráng giòn, miếng bánh tổ lại càng thêm hấp dẫn.
Bánh tổ vừa bổ rẻ ngọt lành (chỉ 30.000 đồng một cái cỡ nửa ký), vừa có thể để vài tuần mà không sợ giảm chất lượng. Vì vậy, các cô cậu sinh viên sau mấy ngày thăm nhà, hành trang lên phố có quên gì thì quên chứ dứt khoát là nhớ đem theo vài cặp bánh tổ làm quà cho bè bạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.